Phương pháp học online hiệu quả không còn là vấn đề xa lạ với học sinh, sinh viên hiện nay và cũng đã rất nhiều bài viết chia sẻ về vấn đề này. Bài viết này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân và góc nhìn của tác giả, đối tượng tiếp cận chủ yếu là sinh viên đại học, tập trung vào phân tích những việc cần làm trong 3 giai đoạn học tập đó là (1) Trước buổi học, (2) trong buổi học và (3) sau buổi học.
I. TRƯỚC BUỔI HỌC
1.1. Thay đổi tư duy
Nếu ngay từ đầu, người học vẫn nghĩ mình học vì điểm số, bằng cấp thì việc học trực tuyến hay trực tiếp cũng đều trở nên nhàm chán và áp lực như nhau. Quan trọng ở đây người học phải luôn nghĩ học chính là học cho chính mình, những gì mình gieo ngày hôm nay mình sẽ gặt hái vào ngày mai. Và khi người học đã xác định học là học cho mình thì việc học trở nên ý nghĩa lắm, ngay cả khi học trực tuyến người học cũng nỗ lực hết sức, sẵn sàng tương tác, trao đổi với thầy cô để thu hái kiến thức về cho mình. Chắc chắn một điều rằng khi người học chủ động phát biểu, dù đó là phát biểu sai đi nữa thì cũng không ai cười các em cả, mọi người chỉ ngưỡng mộ các em thôi, bởi vì khi dám bật camera hay bật micro các em cũng đã là những người dũng cảm rồi, mọi người ngưỡng mộ sự dũng cảm của các em, cũng là ngưỡng mộ tính cách “dám nói ra” của các em.
Một tư duy nữa người học cũng cần xác định đó là việc học online chắc chắn sẽ có những khó khăn so với học trực tiếp, do đó bản thân người học phải luôn thật sự chủ động và chuẩn bị thật kĩ lưỡng để khai thác tối đa những ưu điểm và giảm thiểu những hạn chế của phương pháp học này.
1.2. Chuẩn bị kỹ lưỡng cho buổi học
Ngoài vấn đề về tinh thần thì người học cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng các công cụ phục vụ cho buổi học, cụ thể:
• Kiểm tra đường truyền Internet. Hãy luôn đảm bảo đường truyền Internet ổn định bởi vì chúng ta không biết được kiến thức quan trọng nào bị mất đi trong vài giây phút đường truyền có vấn đề đâu. Đôi khi đó lại là kiến thức cốt lõi giúp người học hiểu toàn bộ bài học nữa.
• Máy móc thiết bị luôn đảm bảo đầy pin, chuẩn bị các thiết bị sạc bên cạnh để tránh tình trạng bị ngắt kết nối đột ngột hay chúng ta phải loay hoay tìm kiếm thiết bị sạc, ảnh hưởng đến mức độ tập trung của chúng ta.
• Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ học tập, bao gồm: Tập vở, bút viết, bút dạ quang, giấy note,… tất cả những công cụ hỗ trợ trong việc ghi chép và ghi nhớ. Bất kỳ khi nào một ý tưởng loé lên hay cần phải làm nổi bật nội dung gì, mọi công cụ đều đã sẵn trong tầm tay, người học sẽ không bị lỡ một ý tưởng nào hay đánh mất cơ hội khắc ghi một nội dung tâm đắc nào vào trí nhớ ngắn hạn.
• Môi trường học yên tĩnh: Nếu người học nào luyện được năng lực tập trung thì tốt, tuy nhiên, đây là một kỹ năng khó và hầu như chúng ta đều rất dễ mất tập trung nếu môi trường xung quanh nhiều cám dỗ. Bên cạnh đó, nếu xung quanh người học có nhiều người, các em sẽ lại dễ rơi vào tâm lý ngại phát biểu vì các em sợ mọi người xung quanh nhìn nhận câu trả lời của mình và cười chê. Do đó, có cho mình một môi trường học yên tĩnh cũng là điều hết sức cần thiết.
• Quần áo trang phục chỉnh tề: Khi học trực tuyến ở nhà, do tâm lý là mình luôn tắt camera nên người học cũng ít chú ý đến trang phục và bề ngoài của mình. Do đó, chúng ta chỉ cần dành ra 5 phút trước buổi học để điều chỉnh lại trang phục, điều này cũng giúp chúng ta có cảm giác nghiêm túc với buổi học. Đặc biệt, khi bề ngoài chỉnh chu, người học cũng sẵn sàng bật camera hơn, sẵn sàng “lên hình” hơn, sẵn sàng tương tác hơn.
II. TRONG BUỔI HỌC
2.1. Tương tác và tương tác
Chủ động tương tác với giảng viên, cái gì cũng có lần đầu tiên, mình cứ thử vượt qua chính mình một lần thì mình thấy à nó không có gì đáng sợ cả, nó cũng bình thường thôi và có khi thú vị nữa. Từ đó mình mới có những lần tiếp theo, hoặc nếu như mình thật sự muốn phát biểu lắm nhưng vẫn không đủ dũng cảm để bật micro thì người học có thể gõ những ý kiến của mình lên khung chat, các bạn trong lớp và giảng viên có thể đọc được những trao đổi này và sẽ cho ý kiến, rồi từ những ý kiến này lại tiếp tục trao đổi và có khi sau đó các em sẽ có động lực để bật micro giao tiếp với thầy cô.
Tương tác với nhóm thông qua nhiều hình thức như mở phòng room riêng (break the room), share file word online để mọi người cùng gõ vào, sử dụng các phần mềm hỗ trợ tương tác trong học trực tuyến như Miro,… càng chủ động tương tác trên lớp dù là với thầy cô và bạn bè, người học đều thu gặt được những kiến thức và kĩ năng bổ ích.
2.2. Tập trung và ghi chép
Tập trung hết sức cao độ: Đây là điều hết sức quan trọng trong học tập nói chung và học trực tuyến nói riêng. Do môi trường học của chúng ta không phải là trên lớp, hoàn toàn không là môi trường lý tưởng, do đó bản thân mình phải là người đưa bản thân vào môi trường tốt nhất và trạng thái tốt nhất có thể. Nhiều khi mình chỉ lơ đãng xíu thôi nhưng mình lại bỏ qua một nội dung quan trọng mà có khi nội dung lại có tính chất quyết định đến nội dung của toàn bài học và giúp mình hiểu bài học ngày hôm đó, hoặc mình chỉ mất tập trung trong phút giây cũng làm mình tuột khỏi vòng suy nghĩ đang chảy trong đầu và làm mình rơi vào tâm lý mệt mỏi, chán nản.
Chủ động ghi chép, hạn chế tối đa ghi âm, chụp hình vì như vậy sẽ gây ra tâm lý ỷ lại nhưng thật ra không có thời gian để nghe lại hay xem lại các nội dung này. Cái gì mình ghi xuống thì cái đó là của mình. Kiến thức cũng vậy. Mình ghi xuống một lần thì mình đã đưa nó vào trí nhớ ngắn hạn, khi mình ôn tập thì mình đưa nó vào trí nhớ vào hạn thì mình sẽ nhớ lâu hơn, không chỉ phục vụ kì thi mà những kiến thức này có khi còn khắc ghi trong tâm trí mình đến sau này.
2.3. Tránh các nhân gây xao lãng
Tác nhân ở đây chính là điện thoại, ipad, tivi,… các thiết bị điện tử nói chung. Để tạo và duy trì được sự tập trung như phân tích phía trên, chúng ta nên để điện thoại xa tầm nhìn, tắt tivi, đóng tất cả các tab không liên quan đến bài học trên máy tính… Mỗi người chúng ta đều có những tật xấu và chỉ khi thật kỉ luật bản thân thì mới hạn chế được những tật xấu đó luôn tìm cách len lỏi bộc phát, đôi khi mình không cố ý nhưng mình cũng không đủ mạnh mẽ để cưỡng lại. Do đó, “kỉ luật bản thân” vẫn luôn là biện pháp tốt nhất.
III. SAU BUỔI HỌC
3.1. Vẫn là tương tác
Tăng cường ghi chép, học trực tiếp trên lớp mình luôn ghi chép do không phụ thuộc vào thiết bị điện tử, học trực tuyến người học chủ yếu ngồi nghe, ghi âm và chụp hình, vì vậy sau buổi học mình càng phải tăng cường ghi chép hơn. Mình có thể tổng hợp các nội dung vào tập hoặc tổng hợp trên một trang giấy để mình chụp hình nội dung đó vào đầu, chúng ta có thể sử dụng các công cụ như mindmap, infographic để làm sinh động bài học và giúp trí não ghi nhớ tốt hơn.
Duy trì liên lạc với giảng viên thông qua thư điện tử email, zalo hoặc các công cụ liên lạc trực tuyến khác. Giảng viên luôn là người duy trì kết nối không chỉ trong buổi học mà còn ngoài buổi học, bất kỳ khi nào cần giải đáp hãy mạnh dạn kết nối, bởi vì vẫn như tư duy ban đầu đã xác định “học là cho bản thân chúng ta”, giảng viên luôn sẵn sàng hỗ trợ hết sức có thể.
Tích cực làm bài tập, làm việc nhóm theo bài tập được giao. Hiện nay, phương pháp đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực đang được sử dụng phổ biến trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo và xây dựng đề cương cũng như các phương pháp đánh giá trong suốt quá trình học. Từng bài tập cá nhân hay bài tập nhóm đều được giảng viên thiết kế giúp người học đạt được những năng lực nhất định sau từng môn học. Do đó, hoàn thành tốt từng bài tập được giao cũng chính là cách hoàn thiện từng năng lực cần có trong ngành nghề mà người học đã chọn.
3.2. Chuẩn bị nội dung cho buổi học tiếp theo
Nếu có thể, hãy đọc trước bài học tiếp theo để bản thân luôn trong tâm thế chủ động tìm hiểu và đặt câu hỏi cho giảng viên bất kỳ lúc nào. Bốn năm đại học là bốn năm để vấp ngã và tu dưỡng. Nếu chúng ta biết cách sử dụng tốt bốn năm này để học tập, rèn luyện và phát triển thì dù với bất kỳ hình thức học tập nào chúng ta vẫn luôn gặt hái được những tri thức cho bản thân mình, làm hành trang quý giá trên bước đường nghề nghiệp sau này.
“Học trực tuyến là khó nhưng vẫn tốt hơn là dừng học. Chúng ta không thể chọn cái tốt nhất, mà chỉ có thể chọn cái ít tốt bằng” (Tuoitre.vn, 2021). Cứ ngỡ khi chúng ta gần đạt được miễn dịch cộng đồng với chủng Delta là lúc toàn bộ học sinh các cấp cũng như sinh viên sớm được quay lại trường học. Tuy nhiên, sự xuất hiện đột ngột của chủng Omicron đã làm trì hoãn kế hoạch này thêm thời gian nữa, và với sự tiếp tục đột biết của virus Covid-19 thì câu chuyện khi nào 100% trẻ được đến trường vẫn chưa thể có câu trả lời chắc chắn. Do đó, việc sống, học và làm quen với học trực tuyến dần trở thành một phần tất yếu và mang ý nghĩa quyết định đến kết quả cũng như chất lượng học tập của chúng ta. Sẵn sàng thay đổi, uyển chuyển thích nghi là điều quan trọng trong thời đại nhiều biến động này.
Trương Á Bình