Trang chủ»Khoa học - Công nghệ

Khoa học - Công nghệ

“Tên lửa Mega Moon” đã sẵn sàng cho phi vụ Artemis I

Theo NASA, phi vụ mặt trăng Artemis I đã bước vào giai đoạn sẵn sàng triển khai.



Tại xưởng lắp ráp ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy, các giàn giáo dần được tháo dỡ khỏi Hệ thống Phóng Tàu không gian của Artemis I và Orion - Ảnh: NASA

Đại diện NASA hôm 14/3 cho biết tên lửa nhiều tầng thực hiện sứ mệnh lần này sẽ được đưa đến bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy tại Cape Canaveral, Florida ngày thứ Năm (17/3).

Tàu Orion phía trên tên lửa thuộc Hệ thống Phóng Tàu không gian (SLS) - còn được NASA gọi là “tên lửa Mega Moon” - sẽ bắt đầu được đưa từ Xưởng Lắp ráp (VAB) lúc 5 giờ chiều và đến Bệ phóng 39B 11 tiếng sau đó, nếu điều kiện thời tiết cho phép. Charlie Blackwell-Thompson, giám đốc phụ trách quy trình phóng tại Chương trình Exploration Ground Systems của NASA, cho biết dàn vận chuyển CT-2, với tốc độ 1,3 km/h, sẽ đảm nhận công đoạn này.

Sau khi tàu vũ trụ và tên lửa đã được lắp vào bệ phóng, nhóm kỹ sư sẽ tiến hành “thử nghiệm ướt” nhằm kiểm tra xem tên lửa có thể chịu được chất tạo lực đẩy cực lạnh hay không.

Blackwell-Thompson cho biết các kỹ sư và kỹ thuật viên cũng sẽ thử đếm ngược - cho đến mốc thời gian T trừ 10 giây - để chuẩn bị cho tình huống huỷ phóng vào phút cuối. Buổi thử nghiệm khi đó sẽ kết thúc, nhiên liệu được rút ra, và toàn bộ cấu trúc sẽ được đưa trở lại VAB trong vòng 8 đến 9 ngày.

Nếu như buổi thử nghiệm thành công, NASA sẽ ấn định ngày phóng Artemis I, vốn chỉ được ghi chú là “không muộn hơn tháng 5/2022” trên trang web của NASA.

Được biết SLS là tên lửa mạnh nhất NASA từng thiết kế, có khả năng tạo ra lực đẩy trong lúc phóng và bay lớn hơn 15% so với tên lửa Saturn V sử dụng trong những chương trình vũ trụ vào thập niên 1960 hay 1970. Bên cạnh đó, khối lượng tên lửa này chuyên chở cũng vô cùng lớn, lên tới 24.000 kilogram.

Tuy có thể chứa đến 4 phi hành gia, tàu Orion sẽ không chở bất cứ ai trong phi vụ Artemis I. Theo kế hoạch, Artemis I là phi vụ không người kéo dài khoảng 3 tuần với lộ trình vượt qua Mặt Trăng cả nghìn cây số trước khi quay lại Trái Đất.

Phi vụ tiếp theo, Artemis II, sẽ đưa phi hành gia bay ngang Mặt Trăng, trong khi phi vụ cuối, Artemis III, sẽ lần đầu tiên đưa con người quay trở lại Mặt Trăng kể từ năm 1972.



Dàn vận chuyển CT-2 di chuyển từ từ lên Bệ phóng 39B phục vụ đợt kiểm tra hôm 22/5/2018 tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida - Ảnh: NASA/Leif Heimbold

Artemis III cũng sẽ là lần đầu tiên một nữ phi hành gia và một phi hành gia da màu lần đầu tiên bước đi trên Mặt Trăng, đánh dấu sự hiện diện mang tính đa dạng hơn của loài người trên vệ tinh này và đóng vai trò quan trọng trong các phi vụ khám phá không gian về sau: như đưa con người lên Sao Hoả chẳng hạn.

Blackwell-Thompson bày tỏ: “Tôi có nói với đồng đội của mình sau buổi chuẩn bị thử nghiệm là: Hãy chậm lại một chút và trân trọng khoảnh khắc đặc biệt này. Bởi trong sự nghiệp không gian, hiếm khi nào các bạn có thể trở thành những cá nhân đầu tiên trải qua một cột mốc quan trọng như vậy.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán