Mục tiêu chính khi Nhà nước yêu cầu người lao động (NLĐ) tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) đó như “một tấm ngân phiếu” bảo đảm an sinh cho bản thân khi về già, có một nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, tránh phụ thuộc tài chính vào con cái. Tuy nhiên, những năm gần đây số lượng NLĐ nhận BHXH một ngày một tăng, nhất là trước tình hình đại dịch Covid 19 hiện nay.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, số NLĐ nghỉ hưởng BHXH một lần đang có xu hướng gia tăng qua các năm (giai đoạn 2016-2020 có tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 9%). Đáng lo ngại, trong 3 tháng đầu năm 2021, số lượng NLĐ nhận BHXH một lần tiếp tục tăng nhanh, cụ thể: Cả nước có 226.503 người hưởng BHXH một lần, tăng hơn 20,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số địa phương bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có số người hưởng BHXH một lần tăng cao như: Khánh Hoà, Quảng Nam, Đà Nẵng… (Báo Nhân dân điện tử, 2021).
Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2016-2019, người hưởng BHXH một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước: độ tuổi có số người nghỉ hưởng BHXH một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi và bình quân tuổi nghỉ hưởng BHXH một lần (bao gồm cả trường hợp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) tăng dần từ 32,5 tuổi năm 2016 lên 33,3 tuổi năm 2019. Tỷ lệ hưởng BHXH một lần của nữ giới cao hơn nam giới, tương ứng giai đoạn này là 55,63% đối với nữ giới và 44,37% đối với nam giới. Phân tích theo thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu cho thấy, trong giai đoạn 2016-2019, người nghỉ hưởng BHXH một lần chủ yếu là những NLĐ sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH (trung bình chiếm khoảng 97%). (Báo Nhân dân điện tử, 2021).
Cơ quan Nhà nước cũng đã nhiều lần khuyến cáo NLĐ sẽ thiệt thòi nếu nhận BHXH một lần vì thực tế BHXH một lần chỉ mang đến lợi ích trước mắt. Tuy nhiên với tình hình đại dịch Covid 19 phức tạp trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, nhiều lao động mất việc làm, dù biết BHXH là khoản nên để dành khi về già nhưng để xoay sở cuộc sống họ buộc phải tiến hành nhận BHXH một lần, không tiếp tục tham gia và rút ra khỏi hệ thống BHXH. Nhiều người còn cho rằng không biết bản thân có sống đến tuổi già không mà để dành BHXH trong khi cuộc sống mưu sinh trước mắt còn nhiều khó khăn như tiền sinh hoạt phí, trang trải nợ nần,.... Do đó, không thể phủ nhận ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid 19 đến suy nghĩ này của đại đa số người lao động. Chính vì vậy, trong tương lai gần, với nỗ lực kiểm soát đại dịch Covid 19 hiện nay của Nhà nước kết hợp với nhiều chính sách ưu đãi về BHXH mà Nhà nước đang xem xét để thay đổi nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách, hy vọng rằng NLĐ sẽ có ý thức cũng như cái nhìn khác về BHXH, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn cho lợi ích về lâu về dài của chính bản thân mình.
Á Bình – Đại học Quốc tế Sài Gòn