Giá quặng sắt gia tăng hơn 10% tại các sàn giao dịch Châu Á hôm 10 tháng 5 vừa qua, khi viễn cảnh phục hồi kinh tế hậu Covid-19 ngày càng khả quan, có khả năng vươn xa ngoài Trung Quốc và cứu trợ các thị trường hàng hoá.
Tại Singapore, giá trả sau cho các hợp đồng mua bán quặng sắt đạt mức kỷ lục hơn 226 USD/tấn. Tại Đại Liên, nơi đặt sàn giao dịch hàng hoá chính của Trung Quốc, giá trị của đa số hợp đồng tương lai có hiệu lực cũng tăng lên 10%.
Giá quặng sắt leo thang nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg
Đợt tăng này tiếp nối chuỗi ngày giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục lập đỉnh. Thị trường các nguyên liệu thô khác cũng tăng trưởng, nhờ vào đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, cũng như các chính sách hỗ trợ của chính phủ các nước.
Theo S&P Global Platt, giá quặng sắt thực tế cũng lập kỷ lục hôm 10 tháng 5, đạt 230 USD/tấn. Con số này cũng đẩy giá cổ phần của những nhà sản xuất quặng sắt lớn như Rio Tinto lên mức cao kỷ lục - 67,05 bảng (gần bằng 100 USD) vào hôm 10 tháng 5. Những tay chơi lớn như Rio chỉ cần đơn giá 50 USD/tấn là đã hoà vốn.
Tại Trung Quốc, giá các ống thép - nguyên liệu dùng làm cốt thép trong các công trình - đạt mức 865 USD/tấn, cao hơn mức giá đầu năm nay, 660 USD/tấn.
Trong một thông báo gửi đến khách hàng, công ty chứng khoán Clarksons Platou có viết: “Đây đều là các mức giá kỷ lục, cao hơn những đỉnh đã lập trong đợt phát triển kinh tế trước 2010.”
Sản lượng thép tại Trung Quốc tăng vọt 19% vào tháng 3 vừa qua mặc cho Bắc Kinh cố gắng hạn chế sản xuất kim loại nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường.
Tuy sản lượng xuất khẩu có tăng, Trung Quốc vẫn nhập khẩu khá nhiều nguyên liệu thô. Theo dữ liệu công bố hôm 7 tháng 5, tổng lượng nhập khẩu tháng 4 tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, tuy phục hồi lại bằng mức trước đại dịch vào cuối năm ngoái, hiện đang có chiều hướng giảm tốc trong quý đầu năm nay. Lượng quặng sắt nhập khẩu vào tháng 4 thấp hơn so với tháng 3.
Căng thẳng giữa Úc và Trung Quốc, vốn ảnh hưởng đến mức thuế quan áp lên lúa mạch, thịt bò, và rượu, cũng khiến các lô quặng sắt nhập khẩu từ Úc sang Trung Quốc gặp nhiều trắc trở. Vì vậy, nhiều xưởng sản xuất ở Trung Quốc tìm mọi cách để chốt các lô vật tư nhập từ Úc.
Colin Hamilton, chuyên gia phân tích của BMO Capital Markets, có nhận xét mức tăng hôm 10 tháng 5 tại Singapore và Đại Liên là do trong những tháng tiếp theo việc vay vốn các ngân hàng Trung Quốc để tài trợ cho quặng sắt Úc sẽ ngày càng khó khăn “khi căng thẳng giữa hai bên” còn kéo dài.
“Sẽ không quá ngạc nhiên nếu Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin hay Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc… đề xuất tạm ngưng thu mua. Nhiều khả năng phía Trung Quốc sẽ lấy giá cao làm cái cớ cho việc tạm ngưng trên.”
Trong năm nay, nguyên liệu thô đã đẩy giá thành sản xuất lên cao hơn. Dữ liệu công bố hôm 11 tháng 5 cho thấy mức tăng hơn 6%. Được biết từ lúc bùng phát dịch đến đầu năm 2021, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đạt mức âm.
Warren Patterson, trưởng ban chiến lược đầu tư hàng hoá tại công ty tài chính ING, đưa ra giả thuyết mối quan ngại tình trạng lạm phát là động lực chính chi phối lượng cầu đối với các loại hàng hoá và vật tư.
Ông cho biết: “Quặng sắt là tài sản thực nên cũng là khoản đầu tư tốt tránh lạm phát… Tôi nghĩ đó là lý do số tiền đầu tư vào hàng hoá lại nhiều đến vậy. Chắc chắn chúng ta đang tiến đến tình trạng các hành động định giá dần tách rời khỏi các quy luật cơ bản.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)