Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Kinh tế kỹ thuật số Ấn Độ

Với hơn nửa tỷ thuê bao internet, Ấn Độ là một trong những thị trường lớn và phát triển nhanh nhất về người tiêu dùng kỹ thuật số, nhưng việc áp dụng không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Khi các kỹ năng kỹ thuật số được cải thiện và khả năng kết nối trở nên phổ biến, công nghệ đã thay đổi nhanh chóng và triệt để gần như trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế Ấn Độ. Điều đó tạo ra giá trị kinh tế đáng kể làm thay đổi công việc cho hàng chục triệu người Ấn Độ. Là quốc gia đang trên đà trở thành một quốc gia kỹ thuật số, điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng của điện thoại thông minh và kết nối Internet tốc độ cao, Ấn Độ đã trở thành một trong những cơ sở kỹ thuật số lớn nhất, phát triển nhanh nhất thế giới và đang số hóa nhanh hơn các nền kinh tế mới nổi. Ấn Độ có 560 triệu thuê bao internet vào tháng 9 năm 2018, (đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc). Các dịch vụ kỹ thuật số đang phát triển, người tiêu dùng Ấn Độ tải nhiều ứng dụng (hơn 12,3 tỷ vào năm 2018 - sau Trung Quốc) và dành nhiều thời gian cho truyền thông xã hội (trung bình 17 giờ/tuần). Tỷ lệ người trưởng thành Ấn Độ có ít nhất một tài khoản tài chính kỹ thuật số và đã tăng 80% từ năm 2011. Ấn Độ đang số hóa nhanh hơn quốc gia khác. Chỉ số áp dụng kỹ thuật số quốc gia bao gồm 3 yếu tố: nền tảng kỹ thuật số, phạm vi tiếp cận kỹ thuật số và giá trị kỹ thuật số.



Khu vực công đã tác động mạnh mẽ cho việc số hóa nhanh chóng ở Ấn Độ. Những nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường Aadhaar - một chương trình nhận dạng kỹ thuật sinh trắc học quốc gia, đã đóng một vai trò quan trọng với 1,2 tỷ người tham gia kể từ khi được giới thiệu vào năm 2009, đây là chương trình ID kỹ thuật số lớn nhất thế giới và đẩy nhanh các dịch vụ kỹ thuật số khác, cụ thể là gần 870 triệu tài khoản ngân hàng được liên kết với Aadhaar vào tháng 2/2018 (399 triệu vào tháng 4/2017 và 56 triệu tháng 1/2014). Mạng lưới thuế hàng hóa và dịch vụ được thành lập năm 2013, khoảng 10,3 triệu giao dịch của các doanh nghiệp nộp thuế trên nền tảng kỹ thuật số, tạo ra động lực cho các doanh nghiệp số hóa hoạt động. Sự đổi mới của khu vực tư nhân đã đem các dịch vụ hỗ trợ internet cho hàng triệu người tiêu dùng trực tuyến trở nên dễ tiếp cận hơn. 

Các doanh nghiệp kỹ thuật số đã nhận ra cơ hội ở Ấn Độ và đang tạo ra các dịch vụ phù hợp với người tiêu dùng. Các công ty truyền thông cung cấp nội dung bằng 22 ngôn ngữ ở Ấn Độ. Bằng cách điều chỉnh nền tảng thanh toán di động và thương mại cho thị trường Ấn Độ, Alibaba-backed Paytm đã có hơn 100 triệu người dùng và 9 triệu thương nhân đăng ký. Tốc độ tăng trưởng đang giúp Ấn Độ thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số với các quốc gia giàu có hơn. Người Ấn Độ ở các thị trấn nhỏ và khu vực nông thôn hiện tại có thể đọc tin tức trực tuyến, đặt giao thức ăn qua ứng dụng điện thoại, trò chuyện video với bạn bè (người Ấn Độ dành 50 triệu phút gọi video mỗi ngày trên WhatsApp), mua sắm trực truyến, chuyển tiền, xem phim... bằng thiết bị cầm tay. Mặc dù có những tiến bộ nhưng Ấn Độ còn nhiều hạn chế để phát triển. Chỉ có khoảng 40% dân số có điều kiện tiếp cận internet. Trong khi nhiều người có tài khoản ngân hàng, 90% các giao dịch bán lẻ ở Ấn Độ vẫn được thực hiện bằng tiền mặt. Doanh thu thương mại điện tử đang tăng 25 đến 30%/năm, nhưng chỉ 5% thương mại ở Ấn Độ được thực hiện trực tuyến, (ở Trung Quốc là 15% trong năm 2015).



Các công ty nhanh chóng đổi mới và số hóa sẽ tận dụng tốt hơn thị trường kết nối rộng lớn của Ấn Độ với 700 triệu người dùng điện thoại thông minh và 840 triệu người dùng internet trong năm 2023. Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và chi phí dữ liệu giảm, đây là mô hình kinh doanh phổ biến trong thập kỷ tới, và điều đó có thể sẽ tạo ra giá trị kinh tế đáng kể. Tác động lên nền kinh tế là các lĩnh vực kỹ thuật số cốt lõi, như: IT-BPM, truyền thông kỹ thuật số và sản xuất điện tử; các lĩnh vực số hóa mới như dịch vụ tài chính, nông nghiệp, y tế, logistics và sản xuất, các dịch vụ của chính phủ và thị trường lao động, có thể sử dụng các công nghệ kỹ thuật số theo những cách mới. Các lĩnh vực kỹ thuật số cốt lõi của Ấn Độ chiếm khoảng 170 tỷ USD (7% GDP năm 2017-2018), trong đó 115 tỷ USD từ IT-BPM, 45 tỷ USD từ truyền thông kỹ thuật số và 10 tỷ USD từ sản xuất điện tử. Doanh thu kỹ thuật số có thể tăng nhanh, dự kiến năm 2025 có thể tăng từ 205 tỷ đến 250 tỷ USD và chiếm 8 - 10% GDP vào năm 2025 của Ấn Độ. Bên cạnh các lĩnh vực đã được số hóa, Ấn Độ sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn nếu phát triển các hệ sinh thái kỹ thuật số mới nổi trong nông nghiệp, giáo dục, năng lượng, dịch vụ tài chính, y tế và logistics. Những lợi ích của các ứng dụng kỹ thuật số trong mỗi lĩnh vực số hóa mới này đã được nhìn thấy. Công nghệ kỹ thuật số cũng có thể tạo ra giá trị đáng kể trong các lĩnh vực như dịch vụ của chính phủ và thị trường việc làm. Chuyển trợ cấp của chính phủ, mua sắm và các giao dịch trực tuyến khác có thể nâng cao hiệu quả và năng suất của khu vực công, trong khi tạo ra thị trường lao động trực tuyến có thể cải thiện đáng kể thị trường việc làm, giá trị kinh tế tiềm năng phụ thuộc vào tỷ lệ áp dụng kỹ thuật số của từng ngành vào năm 2025; trong đó có sự sẵn sàng của các công ty, và chính phủ Ấn Độ cần có nỗ lực để xúc tác số hóa trên diện rộng, việc áp dụng có thể thấp, từ 20 đến 40% tiềm năng. Khi mức độ sẵn sàng của khu vực tư nhân cao và chính sách của chính phủ đã hỗ trợ số hóa ở quy mô lớn, việc áp dụng có thể lên tới 60 đến 80%.



Sáng kiến kỹ thuật số của Thủ tướng Narendra Modi tạo ra tiềm năng lớn để cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ tại Ấn Độ

Số hóa của Ấn Độ có tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế lớn vào năm 2025, dự kiến từ 130 tỷ USD đến 170 tỷ USD trong các dịch vụ tài chính, bao gồm thanh toán kỹ thuật số, 50 tỷ đến 65 tỷ USD trong nông nghiệp; 25 tỷ đến 35 tỷ USD trong thương mại điện tử, logistics và vận tải; và 10 tỷ USD trong năng lượng và chăm sóc sức khỏe. Số hóa các dịch vụ của chính phủ có thể mang lại giá trị kinh tế từ 20 tỷ USD đến 40 tỷ USD trong khi các nền tảng đào tạo kỹ năng số và thị trường việc làm có thể mang lại tới 70 tỷ USD. Những thay đổi do áp dụng kỹ thuật số mang lại sẽ phá vỡ lực lượng lao động của Ấn Độ cũng như các ngành công nghiệp, ước tính có 60 triệu đến 65 triệu việc làm mới trực tiếp và gián tiếp của các ứng dụng kỹ thuật số. Những công việc này có thể được kích hoạt trong các ngành công nghiệp đa dạng như xây dựng và sản xuất, nông nghiệp, thương mại và khách sạn, IT-BPM, tài chính, truyền thông, viễn thông, vận tải và logistics. Nhưng ước tính có 40 triệu đến 45 triệu việc làm hiện tại có thể bị ảnh hưởng vào năm 2025 (bao gồm các nhà điều hành nhập dữ liệu, giao dịch viên ngân hàng, thư ký và nhân viên xử lý chính sách và bảo hiểm), hàng triệu người hiện đang nắm giữ các vị trí này cần phải được đào tạo lại. Sự tương tác của các lực lượng này sẽ tạo ra các hệ sinh thái dữ liệu mới, từ đó sẽ thúc đẩy các sản phẩm, dịch vụ và kênh mới trong hầu hết mọi lĩnh vực kinh doanh và tạo ra giá trị kinh tế cho người tiêu dùng cũng như các thành viên của hệ sinh thái thích nghi tốt nhất với mô hình kinh doanh.



Sáng kiến Digital India ​(Ấn Độ số) đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng. Và vẫn còn một chặng đường dài để Ấn Độ trở thành quốc gia dẫn đầu về kinh tế kỹ thuật số. Chính phủ cần cải thiện quyền truy cập cho các cộng đồng. “Ấn Độ số” không thể đạt được mà không phá vỡ rào cản ngôn ngữ. Chính phủ phải đảm bảo rằng tất cả các trang web của mình đều có tên miền bằng tiếng Hindi và bao gồm nội dung bằng tiếng Hindi cùng với tiếng Anh. Ngoài ra, tất cả các trang web của chính phủ tiểu bang phải có tiếng Anh, tiếng Hindi và ngôn ngữ khu vực, có địa chỉ email bằng ngôn ngữ địa phương để những người không biết tiếng Anh hoặc thích giao tiếp bằng ngôn ngữ địa phương có thể dễ dàng truy cập nội dung mà không gặp bất kỳ rào cản ngôn ngữ nào.

Nhân kỷ niệm 4 năm chương trình "Ấn Độ số", Thủ tướng Narendra Modi phát biểu rằng sáng kiến ​​này đã trao quyền cho người dân, giảm tham nhũng và cải thiện việc cung cấp dịch vụ công để mang lại lợi ích cho người nghèo. "Sáng kiến ​​của Digital India là một phong trào của mọi người, được hỗ trợ bởi sức mạnh của mọi người và nỗ lực học hỏi cũng như đổi mới của họ. Tôi xin chào tất cả những người đang nỗ lực làm việc để củng cố Digital India và gửi lời chúc cho những nỗ lực tốt nhất trong tương lai", Thủ tướng Modi nói.

Chương trình được Chính phủ Ấn Độ triển khai vào ngày 01 tháng 7 năm 2015 với tầm nhìn nhằm biến Ấn Độ thành một xã hội trao quyền kỹ thuật số và nền kinh tế tri thức. Ấn Độ kỹ thuật số là tâm điểm sự thúc đẩy của Thủ tướng Modi, tập trung vào 3 lĩnh vực tầm nhìn chính: cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như một tiện ích cho mọi công dân, quản trị và dịch vụ theo yêu cầu, và trao quyền kỹ thuật số cho công dân.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán