Ngành ngân hàng Mỹ đã có nhiều thay đổi trong những năm qua. Ngân hàng ngày nay cung cấp đa dạng các sản phẩm và dịch vụ hơn bao giờ hết, với tốc độ nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, chức năng chính của ngân hàng vẫn luôn như cũ. Ngân hàng đưa các nguồn vốn dư của cộng đồng đi vào hoạt động bằng cách cho người dân vay để mua nhà, xe, bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh, đưa con vào đại học và vô số các mục đích khác. Ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe nền kinh tế quốc gia Mỹ. Đối với hàng chục triệu người Mỹ, ngân hàng là sự lựa chọn đầu tiên cho tiết kiệm, vay và đầu tư.
Những ngân hàng đầu tiên: giai đoạn năm 1791 – 1832
Ngân hàng Hoa Kỳ Thứ nhất - Ảnh: fineartamerica.com
Ở hầu hết những tiểu bang của công đoàn liên bang, các tổ chức ngân hàng cần sự cho phép đặc biệt của chính quyền bang để được thành lập và hoạt động. Một thời gian, Ngân hàng Hoa Kỳ Thứ nhất (First Bank of the United States) được thành lập vào năm 1791 theo sáng kiến của Bộ trưởng tài chính Mỹ đầu tiên - Alexander Hamilton. Ngân hàng này chấm dứt hoạt động vào năm 1811. Tiếp đó, Ngân hàng Hoa Kỳ Thứ hai (Second Bank of the United States) ra đời vào năm 1816 và hoạt động đến năm 1832.
Trong thời gian này, các ngân hàng thành phố có xu hướng cực kỳ thận trọng về đối tượng khách hàng và thời hạn cho vay. Nhằm đảm bảo đủ tiền mặt sẵn có đáp ứng nhu cầu bất ngờ từ người gửi, các ngân hàng thường thực hiện các khoản vay ngắn hạn. Chuẩn là từ 30 – 60 ngày. Thông thường, các nhà sản xuất, nhà buôn sẽ sử dụng nguồn vốn này để trả cho nhà cung cấp và công nhân cho đến khi có thể bán được hàng. Sau khi hàng hóa được bán, họ sẽ trả tiền vay ngân hàng.
Tại những khu vực ít ổn định hơn, các tiêu chuẩn cho vay có xu hướng tự do hơn. Nhiều trường hợp nông dân thường xuyên có được các khoản vay ngân hàng để mua đất, thiết bị và trang trải phí vận chuyển sản phẩm nông nghiệp ra thị trường. Vì không thể tiên đoán trước thời tiết và điều kiện thị trường, rủi ro cho vay cũng có xu hướng cao hơn.
Nhiều loại tiền: giai đoạn năm 1832 - 1864
Khi Ngân hàng Hoa Kỳ Thứ hai chấm dứt hoạt động vào năm 1832, chính quyền bang đã tiếp quản công việc của ngân hàng giám sát. Trong những ngày đó, các ngân hàng cho vay bằng cách phát hành tiền tệ của riêng mình.
Đến năm 1860, hơn 10.000 tiền giấy khác nhau được đưa vào lưu hành khắp nước Mỹ. Kết quả là, ngành thương mại bị ảnh hưởng. Tiền giả tràn lan. Hàng trăm ngân hàng sụp đổ. Lúc này, trên cả nước xuất hiện nhu cầu cho loại tiền tệ quốc gia thống nhất được chấp nhận ở bất cứ nơi nào và không có rủi ro.
Đáp lại, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Tiền tệ Quốc gia vào năm 1863. Năm 1864, Tổng thống Lincoln ký một bản sửa đổi - Luật Ngân hàng Quốc gia. Những luật này thiết lập một hệ thống các ngân hàng quốc gia và cơ quan chính phủ mới do Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ đứng đầu (OCC). Công việc của OCC là tổ chức và giám sát hệ thống ngân hàng mới thông qua các quy định và thực hiện kiểm tra định kỳ.
Tạo ra tiền tệ quốc gia: giai đoạn năm 1865 - 1914
Hệ thống mới hoạt động tốt. Các ngân hàng quốc gia đã mua chứng khoán của chính phủ, gửi cho OCC và thu về tiền giấy ngân hàng quốc gia. Thông qua những khoản vay, loại tiền này dần đi vào lưu hành.
Tiền giấy ngân hàng quốc gia được sản xuất và phân phối thông qua một quá trình có liên quan. Sau khi khắc dấu, in ấn cơ bản (lúc đầu là bởi các máy tư nhân, sau là bởi Cục Khắc dấu và In ấn), tiền được nhập vào sổ sách của OCC, sau đó chuyển trở lại nhà máy in để đóng con dấu của Bộ Tài chính.
Tiếp theo, tiền được chuyển đến các ngân hàng, sẵn sàng cho việc lưu hành. Tiền giấy ngân hàng quốc gia là trụ cột chính của nguồn cung tiền ở Mỹ cho đến khi tiền dự trữ liên bang xuất hiện vào năm 1914.
Trên tiền ngân hàng quốc gia có in những cảnh, chân dung minh họa trích từ lịch sử Mỹ. Sự phức tạp trong thiết kế của chúng nhằm mục đích ngăn chặn tiền giả. Ngày nay, những nhà sưu tầm tiền đánh giá tiền ngân hàng quốc gia Mỹ là minh hoạt nổi bật của nghệ thuật khắc.
Khủng hoảng ngân hàng năm 1929 - 1933
Sự bắt đầu của cuộc suy thoái trên toàn thế giới vào năm 1929 là một thảm họa cho hệ thống ngân hàng Mỹ. Chỉ riêng quý cuối cùng năm 1931, có hơn 1.000 ngân hàng Mỹ sụp đổ, khi khách hàng không thể thanh toán nợ và tài sản ngân hàng giảm về mặt giá trị. Điều này dẫn đến cảnh hoảng loạn trong cả nước, khách hàng xếp những hàng dài với hy vọng rút được tiền trước khi ngân hàng không còn khả năng chi trả.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng là nhiệm vụ đầu tiên cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Một ngày sau khi nhậm chức, vào ngày 5/3/1933, ông tuyên bố một kỳ nghỉ ngân hàng, đóng cửa tất cả các ngân hàng trên cả nước để tiến hành kiểm tra và hoặc là ngân hàng đó được mở cửa trở lại hoặc bị đóng cửa. Phần lớn việc này là do OCC đảm nhận.
Trong tháng 6/ 1933, Quốc hội Mỹ đã ban hành bảo hiểm tiền gửi liên bang. Tài khoản được bảo hiểm lên đến 2.500 USD/ người gửi (hiện nay là 100.000 USD). Các luật khác được thông qua điều chỉnh hoạt động ngân hàng và tính cạnh tranh, với mục tiêu hạn chế rủi ro cho các ngân hàng và trấn an công chúng rằng ngân hàng đã và sẽ duy trì tính an toàn.
Cuộc cách mạng trong hệ thống ngân hàng: giai đoạn năm 1970 đến nay
Ngành ngân hàng Mỹ trải qua một cuộc cách mạng. Công nghệ đã thay đổi cách người Mỹ tiếp cận các dịch vụ tài chính. Dịch vụ ngân hàng qua điện thoại (telephone banking), thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, máy rút tiền tự động trở nên phổ biến, ngân hàng và tiền tệ điện tử đang phát triển. Các kỹ thuật kiểm tra ngân hàng cũng đã thay đổi. Ngày nay, các giám sát OCC sử dụng máy tính và công nghệ để đảm bảo các ngân hàng hiểu, kiểm soát những rủi ro của một thế giới các dịch vụ tài chính mới và phức tạp.
OCC giám sát các ngân hàng quốc gia Mỹ và thực thi những luật ngân hàng liên bang. Nhiều công cụ đã đổi khác, nhưng với OCC, nhiệm vụ cơ bản vẫn giữ nguyên như những ngày đầu dưới thời Tổng thống Lincoln: nhằm đảm bảo một hệ thống ngân hàng quốc gia cạnh tranh, an toàn hỗ trợ cho công dân, cộng đồng và nền kinh tế Mỹ.
Trần Hồng Điệp
Theo www.factmonster.com