Tiến sĩ Andreas Stoffers - người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ Đức và có kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam - đã phân tích những thách thức và triển vọng trong việc khai thác ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam.
Trong khi ASEAN đang phát triển thành một con hổ, thì kinh tế Việt Nam đang trở thành một chú mèo. Kết quả là, các nhà quan sát thị trường nước ngoài đang đặt ra câu hỏi: liệu nền kinh tế Đông Nam Á này có còn là một mục tiêu khả thi cho các hoạt động ngân hàng bán lẻ.
Những năm qua, có nhiều mối đe dọa ngành ngân hàng Việt Nam, trong đó có các khoản vay và tín dụng được gia hạn dường như không hạn chế, tiền đổ vào các lĩnh vực hiệu suất thấp, đầu tư sai vào lĩnh vực bất động sản bong bóng, tham nhũng, tỉ lệ nợ xấu tăng lên hai con số…
Đồng thời, kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn lỏng lẻo đối với một hệ thống ngân hàng kém hiệu quả và không minh bạch. Do lạm phát tăng cao, các sản phẩm bảo đảm với phạm vi đầu tư dài hạn dường như không hấp dẫn khách hàng ngân hàng bán lẻ. Thiếu sản phẩm đầu tư, buộc khách hàng ngân hàng bán lẻ phân bổ lại tiền của họ vào các đầu tư nguy hiểm hơn, chẳng hạn như đầu tư vào các ngân hàng thị trường xám hay vào các sản phẩm hiệu suất thấp như gạch, vàng.
Nhiều quản lý ngân hàng cấp cao Việt Nam còn thiếu chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và chưa có chiến lược ngành rõ ràng. Đáng chú ý, chỉ có một vài ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tận dụng nhân tài là các chuyên gia ngân hàng bán lẻ quốc tế khi số người nước ngoài ở các vị trí quản lý cấp cao vẫn còn ít. Và trong vài trường hợp thuê người nước ngoài, phía Việt Nam phần nào không tin tưởng và cố gắng đặt họ dưới sự kiểm soát chặt chẽ.
Ngành ngân hàng Việt Nam đã đi qua nhiều thăng trầm
Hiện nay, về cơ bản tình hình có vẻ tốt hơn so với một năm trước đây. Tỷ giá VND-USD đã ổn định, lạm phát hai con số dường như đã được kiểm soát và cũng đã có các biện pháp mạnh mẽ chống lại hệ thống ngân hàng thân thiết. Các vụ bắt giữ quản lý cấp cao ngân hàng ACB là một dấu hiệu mạnh mẽ cho một chính sách mới trong lĩnh vực ngân hàng. Dưới sự hướng dẫn của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, sự thành công trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước đang gửi đi những tín hiệu tích cực cho ngành ngân hàng và ngân hàng bán lẻ.
Tái cấp vốn ngân hàng, sáp nhập các ngân hàng nhỏ, tư nhân hóa trong khu vực nhà nước, gia hạn thời hạn huy động vàng đến 30/6/2013, áp dụng các tiêu chuẩn quản lý rủi ro quốc tế cũng như nâng cấp việc giám sát, kiểm soát và các quy định là những bước đi đúng đắn.
Thị trường ngân hàng bán lẻ vẫn thú vị
Việt Nam có dân số trẻ. Trên tổng số dân 90 triệu người, 20% có tài khoản ngân hàng. Trong những năm gần đây, Việt Nam phát triển thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng gấp ba lần từ 440 USD năm 2002 lên 1.374 USD năm 2011, và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng. Tháng 10 năm 2012 chứng kiến sự gia tăng trong tăng trưởng việc làm. Nếu nhìn vào cấu trúc sản xuất, trong cùng một tháng sản xuất hàng điện tử tăng mạnh hơn so với các sản phẩm khác. Đây là một dấu hiệu tích cực.
Việt Nam đang đứng ở ngã tư đường. Chúng ta cần phải di chuyển về phía trước theo hướng sản xuất nhiều hơn nữa các hàng hóa tinh vi, nhiều vốn để duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế, cùng với mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư xứng đáng cho ngành ngân hàng bán lẻ quốc gia và quốc tế. Bên cạnh tầng lớp thượng lưu hiện có ở các thành phố lớn, một tầng lớp trung lưu khác đang nổi lên với một nhu cầu ngày càng tăng cho các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Những tiếp cận thành công trong ngành ngân hàng bán lẻ
Giám đốc điều hành ANZ, Tareq Muhmood, cho biết các ngân hàng nội địa hiện nắm giữ 90% thị phần ngân hàng bán lẻ. Trong những năm gần đây, các ngân hàng bán lẻ nước ngoài nổi lên như những đối thủ cạnh tranh nặng ký. Các ngân hàng như ANZ, Standard Chartered, HSBC, Shinhan Vina, Hong Leong và Citi đang cung cấp các dịch vụ bán lẻ với mạng lưới và tính chuyên môn quốc tế cao. Ví dụ, ANZ đã có 10 chi nhánh, điểm giao dịch tại Việt Nam và 3 văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ. 80% khách hàng của ANZ là người Việt Nam. Các ngân hàng bán lẻ phải đối mặt với thực tế rằng khách hàng Việt Nam có nhu cầu không giống với khách hàng tại các thị trường khác.
Trong khi đó, ngân hàng Citi cũng đang hướng đến tầng lớp giàu có mới nổi với các dịch vụ như kéo dài giờ hoạt động. Trong khi Citi, Standard Chartered và ANZ (sau khi bán cổ phần tại Sacombank) đang cố gắng tự đi theo con đường của mình trong thị trường ngân hàng bán lẻ, HSBC có một cách tiếp cận khác là vừa tự hoạt động, vừa hợp tác chiến lược với Techcombank. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho Techcombank, khiến ngân hàng này như một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.
Khách hàng Việt Nam cần giá trị thực của tiền, chứ không phải những sản phẩm được gọi là "thẻ Bạch kim" không có các dịch vụ thích hợp. Bên cạnh đó, những sản phẩm ngân hàng bán lẻ hấp dẫn khác - đặc biệt là sản phẩm đầu tư cần được phát triển. Trong một nền kinh tế đang phát triển với tốc độ lạm phát được kiểm soát, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng có thể là một nguồn doanh thu ổn định.
Ngành ngân hàng Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn thu, tập trung nhiều hơn vào doanh thu dựa trên lệ phí và hoa hồng. Một hệ thống ngân hàng bán lẻ hiện đại sẽ hỗ trợ cho việc đạt được mục tiêu này.
Cần phải làm gì?
Việt Nam cần tiếp tục phát triển một ngành công nghiệp ngân hàng hiện đại và minh bạch. Nếu các ngân hàng bán lẻ Việt Nam muốn tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, họ nên cởi mở hơn với những ý tưởng từ bên ngoài.
Hiện nay, có rất ít người nước ngoài nắm giữ vị trí cấp cao trong ngành ngân hàng Việt Nam. Maritime Bank đã có một hướng cởi mở hơn, thuê cựu CEO khu vực châu Á của khối ngân hàng bán lẻ của Deutsche Bank làm Tổng Giám đốc điều hành.
Các ngân hàng khác vẫn chưa sẵn lòng nhường lại quyền cho những người nước ngoài có năng lực. Ngay cả ở mức độ làm việc, một số chuyên gia nước ngoài gặp phải khó khăn và sự không tin tưởng bởi các đối tác trong nước. Nhiều ngân hàng nước ngoài có những ý tưởng hay, thích hợp cho thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam. Xem xét đến các hoạt động hợp tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thiết lập một hệ thống ngân hàng bán lẻ hiệu quả. Các nhà tư vấn, đầu tư nước ngoài có thể sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện những ý tưởng hay, sản phẩm phù hợp, quy trình và quy định hiệu quả và mang tầm quốc tế.
Tóm lại, nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn là một thử thách, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội hiếm có cho những ai sẵn sàng đầu tư đúng lúc.
Trần Hồng Điệp
Theo www.vir.com.vn