Khởi nghiệp việc kinh doanh không phải là một chuyện dễ dàng, và nói theo cách nào đó thì đó là một sự tự tin thái quá của những người trẻ tuổi khi muốn đối mặt với những thách thức từ việc làm chủ một doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu bạn từng có hoài bão sẽ được làm chủ sở hữu một doanh nghiệp do chính bạn gầy dựng thì sau đây sẽ là những thách thức mà bạn cần phải lên kế hoạch để đối phó:
1. Bạn sẽ phải chịu đựng một thời gian dài thì công việc kinh doanh của bạn mới bắt đầu sinh ra lợi nhuận. Trong thực tế, bạn có thể sẽ phải đối mặt với việc thua lỗ trong vòng một năm hoặc là hơn. Và chi phí cho việc khởi nghiệp chuyện kinh doanh là rất tốn kém (bao gồm việc thuê mặt bằng, mua thiết bị và vật tư, trả tiền cho quảng cáo, việc tìm kiếm và tuyển dụng nhân viên...) và phải mất rất nhiều thời gian để có được lượng khách hàng trung thành, vì vậy bạn chỉ có thể mong chờ gặt hái được lợi nhuận sau nhiều tháng bám trụ vào việc kinh doanh của riêng mình. Do đó, khi thực hiện hoài bão của mình thì bạn phải biết chắc chắn những khoản chi cần thiết cho việc khởi nghiệp của riêng mình.
2. Bạn sẽ phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong kinh doanh. Dù cho bạn có ý tưởng kinh doanh sáng tạo và mới mẻ đến đâu thì cũng luôn có những doanh nghiệp cạnh tranh có cùng ý tưởng kinh doanh như bạn - điều đó có thể là do đối thủ của bạn nhận ra được ý tưởng kinh doanh của bạn là tuyệt vời nên họ đã sao chép nó, hoặc cũng có thể là do họ có cùng ý tưởng với bạn tại cùng một thời điểm. Điều này có thể là vô cùng bực bội, nhưng việc cạnh tranh trực tiếp là việc tất nhiên sẽ có trong kinh doanh. Bạn không thể bỏ qua nó và hy vọng nó không xảy ra. Điều duy nhất bạn có thể làm đó là nâng cấp sản phẩm của mình và lên kế hoạch kinh doanh mới để đảm bảo rằng bạn vẫn còn đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn so với những đối thủ khác.
3. Bạn sẽ phải làm việc cực lực hơn rất nhiều. Là chủ sở hữu một doanh nghiệp có nghĩa là bạn luôn phải đối mặt với công việc và những vấn đề tài chính. Không giống như cuộc sống của một nhân viên bình thường, bạn không thể có những phút thư giãn vào cuối ngày và để lại sự căng thẳng trong công việc lại phía sau. Nếu bạn thật sự có tâm huyết đối với việc kinh doanh của bạn và thật sự muốn làm cho nó phát đạt, thì bạn phải hy sinh mọi thứ.
4. Bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Có một sự thật là trong lúc bạn điều hành doanh nghiệp của mình thì bạn không thể tránh khỏi việc la mắng hay quở trách ai đó, và tất nhiên là họ sẽ có những phàn nàn và không hài lòng. Hãy chuẩn bị tâm lý cho một thực tế rằng không phải tất cả mọi người sẽ thích công việc kinh doanh của bạn, và đừng bao giờ để cho điều đó làm bạn nản chí.
5. Thuế là một trong những thử thách khiến bạn đau đầu nhất. Khi bạn sở hữu một doanh nghiệp, bạn không chỉ phải nộp thuế thu nhập, mà còn phải nộp thuế tự doanh, thuế cho nhân viên và những khoản thuế khác. Vì vậy, khi bạn thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình, thì việc thuê một chuyên gia về thuế để làm cố vấn là điều đương nhiên.
Mặc dù có những thử thách, khó khăn như thế, nhưng việc sở hữu một doanh nghiệp là một quyết định đúng đắn. Nếu bạn đã sẵn sàng, thì đừng chần chờ và hãy tận hưởng những trải nghiệm trong cuộc sống!
Trần Đình Phú
(Lược dịch)