Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)

Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund, viết tắt IMF) chính thức được thành lập vào ngày 27/12/1945 với 29 quốc gia thành viên. IMF bắt đầu hoạt động và tiến hành cho vay khoản đầu tiên vào ngày 8/5/1947.

Trụ sở chính đặt tại Washington, D.C. - Hoa Kỳ, IMF là một tổ chức quốc tế giám sát hệ thống tài chính toàn cầu, theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu.

Ảnh hưởng của IMF đối với kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng nhờ sự tham gia ngày càng đông của các quốc gia thành viên. Hiện IMF có 188 thành viên, nhiều hơn 6 lần so với số lượng thành viên ban đầu.

Nguồn vốn của IMF chủ yếu do các thành viên đóng góp theo cổ phần. Vốn cổ phần được tính bằng quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Right SDR) - đơn vị tính toán tiền tệ của IMF. Hiện thành viên có vốn cổ phần lớn nhất IMF là Mỹ với 42,1 tỷ SDR (khoảng 64 tỷ USD) và thành viên nhỏ nhất là Tuvalu với 1,8 triệu SDR (khoảng 2,7 triệu USD). Các nước có tỉ lệ góp vốn ít tại IMF rất khó tham gia tranh cử chức Tổng giám đốc điều hành cũng như can thiệp vào hoạt động của tổ chức này.

Hội đồng Thống đốc IMF tiến hành rà soát vốn cổ phần tổng thể theo định kỳ, thường là 5 năm/lần. Bất kỳ thay đổi nào trong vốn cổ phần phải được thông qua bởi 85% tổng số quyền biểu quyết. Có hai vấn đề chính được đề cập trong một đợt rà soát vốn cổ phần tổng thể là quy mô của sự gia tăng tổng thể và sự phân bố gia tăng giữa các quốc gia thành viên.

IMF với mục tiêu là tạo một quỹ tương trợ tài chính mạnh mẽ, thiết lập duy trì sự ổn định tài chính nhằm cho vay khi có khủng hoảng kinh tế hay một quốc gia có đồng tiền lạm phát. IMF sử dụng quỹ này để cho vay, giúp các quốc gia vượt qua khủng hoảng kinh tế như trường hợp Hàn Quốc, Thái Lan (1998) và gần đây là các nước trong khối EU như Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Các quốc gia khi vay tại IMF phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt do IMF đặt ra như hạn chế chi tiêu công, thắt lưng buộc bụng… IMF không hỗ trợ để phát triển về xã hội, điều này khác với Ngân hàng Thế giới (World Bank) là đặt mục đích giúp những nước nghèo phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng những chính sách của IMF thường làm các cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn vì sự hà khắc của một số biện pháp thắt lưng buộc bụng mà IMF đưa ra. Các quốc gia thường cố gắng tìm những biện pháp có thể để giải quyết vấn đề của đất nước mình trước khi yêu cầu sự trợ giúp từ IMF.

Nhưng dù thế nào, với những rủi ro ngày càng tăng trong hệ thống tài chính toàn cầu, IMF sẽ bận rộn trong những năm tới, tiếp tục vai trò hỗ trợ của mình để giúp các quốc gia ổn định giá cả hàng hóa, theo đuổi chính sách mở rộng và giảm lạm phát.

Năm 1976, Việt Nam chính thức kế tục quy chế hội viên của IMF từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa và được quyền vay tại IMF với khoảng 200 triệu USD từ năm 1976 - 1981. Vào năm 1984, Việt Nam bắt đầu phát sinh nợ quá hạn với IMF. Trong giai đoạn 1985 - 10/1993, IMF đình chỉ quyền vay vốn của Việt Nam mặc dù quan hệ giữa Việt Nam và IMF được duy trì thông qua đối thoại chính sách dưới hình thức đánh giá về kinh tế của IMF và các tổ chức tài chính quốc tế khác.

Việt Nam nối lại quan hệ tài chính với IMF vào tháng 10/1993. Từ năm 1993 - 2004, IMF cung cấp cho Việt Nam khoản vay với tổng vốn cam kết 1.094 triệu USD và được giải chi hơn 880 triệu USD.

Từ tháng 4/2004 đến nay, IMF không còn chương trình cho Việt Nam vay vốn nhưng vẫn tiến hành nhiều hoạt động như tư vấn về chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam hàng năm trong các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, thương mại, cải cách doanh nghiệp nhà nước, tiền tệ, ngoại hối, thanh tra ngân hàng, cải cách thuế (tư vấn cho Bộ Tài chính), xác định mục tiêu lạm phát, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố… Ngoài ra, cán bộ ngân hàng nhà nước và các ngành liên quan được tham dự các khóa đào tạo, hội thảo ngắn hạn và được cấp học bổng dài hạn theo chương trình đào tạo do IMF tổ chức.

Hiện nay cổ phần của Việt Nam tại IMF là 460,7 triệu SDR, chiếm 0,193% tổng khối lượng cổ phần và có tỷ lệ phiếu bầu là 0,212% tổng số quyền bỏ phiếu. Việt Nam thuộc nhóm Đông Nam Á với 13 nước thành viên.

Hàng năm theo định kỳ, IMF thường xuyên cử hai đoàn công tác: đoàn Điều IV và đoàn công tác cập nhật đánh giá vào Việt Nam. Ngoài ra, đã có ba Phó Tổng Giám đốc của IMF đã vào thăm và làm việc tại Việt Nam, gồm: Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của IMF ông John Lipsky, ông Takatoshi Kato Nguyên Phó Tổng Giám đốc của IMF, ông Naoyuki Shinohara hiện là Phó Tổng Giám đốc của IMF đã nhiều lần vào Việt Nam tham dự các hội nghị quốc tế cấp cao tại Việt Nam.

Đoàn cấp cao Việt Nam hàng năm cũng tích cực tham gia Hội nghị Thường niên IMF/WB để trao đổi và cập nhật tình hình kinh tế thế giới.

IMF

Thành viên: 188 quốc gia

Trụ sở chính: Washington DC

Ban điều hành: 24 thành viên đại diện cho các nước hoặc các nhóm nước

Nhân viên: Khoảng 2.503 từ 144 quốc gia

Tổng vốn cổ phần: 360 tỷ USD (tính đến 14/3/2013)

Quốc gia vay nhiều nhất: Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland (tính đến 7/3/2013)

Khoản vay dự phòng lớn nhất: Mexico, Ba Lan, Colombia (tính đến 7/3/2013)

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán