Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Sự cạnh tranh giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở Châu Phi

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gia hạn cam kết thúc đẩy đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào Châu Phi và cảnh báo Châu Phi về các khoản nợ quá mức của Trung Quốc, Nhật Bản cam kết sẽ có thêm hàng tỷ đô la tài trợ khi các doanh nghiệp Trung Quốc nhanh chóng mở rộng sự hiện diện ở lục địa này. Tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi tại Yokohama vào tháng 8/2019, Thủ tướng Abe cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đã thâm nhập vào thị trường Châu Phi và sẽ đầu tư nhiều hơn nữa. Ông cho rằng cần thiết của xã hội dân sự, an ninh và hợp tác quân sự, và nhấn mạnh sự thay đổi của Nhật Bản trong chính sách đối với Châu Phi. Theo ông Abe, trong 3 năm qua, đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào Châu Phi đạt 20 tỷ USD, và chính phủ Nhật Bản sẽ nỗ lực đầu tư tư nhân Nhật Bản trong những năm tới. Tại thủ đô Nairobi của Kenya khi hội nghị được tổ chức cách đây 3 năm (2016) - Thủ tướng Abe đã cam kết hỗ trợ phát triển hợp tác công tư 30 tỷ USD cho Châu Phi trong 3 năm. Năm 2018, Trung Quốc đã đề nghị tăng gấp đôi số tiền đó tại Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Châu Phi tại Bắc Kinh. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Châu Phi, với 204 tỷ USD trong năm 2018.



Dưới thời ông Abe, Nhật Bản đang thay đổi chiến lược đối với Châu Phi - nơi có truyền thống nhận viện trợ phát triển. Nhật Bản hiện tại muốn đầu tư vào lĩnh vực tư nhân Châu Phi. Hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp Trung Quốc có mặt ở Châu Phi, kiểm soát các dự án lớn như đường sắt ở Kenya và Ethiopia. Các công ty Trung Quốc cũng là những nhà thầu chính trong xây dựng đập, đường bộ, sân bay, viễn thông và được hỗ trợ từ Ngân hàng Exim Bank của Trung Quốc hoặc của chính phủ. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, trong năm 2017, đầu tư của Trung Quốc vào Châu Phi lên tới 43 tỷ USD - gấp khoảng 5 lần so với Nhật Bản. Tại Yokohama, các nước Châu Phi kêu gọi các dự án hợp tác công tư (PPP - public-private partnership) nhiều hơn giữa các chính phủ và các thực thể kinh doanh Nhật Bản. Chủ tịch Ủy ban Liên minh Châu Phi, ông Moussa Faki cho biết, mô hình PPP là phương pháp lý tưởng để đạt được sự phát triển bền vững ở lục địa này. Nhưng Thủ tướng Abe cũng nêu lên mối lo ngại về việc nợ quá mức ở Châu Phi về các khoản vay của Bắc Kinh thông qua “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”, cung cấp hàng tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng. Nếu các quốc gia đối tác chìm trong nợ nần, nó sẽ làm cản trở mọi nỗ lực thâm nhập thị trường. Tokyo đã thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng và đánh giá quản lý rủi ro. Trung Quốc đã bị cáo buộc là cho vay vô trách nhiệm ở Châu Phi bằng cách cung cấp các khoản vay cho các quốc gia không có khả năng trả nợ. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng mình đang giúp Châu Phi phát triển trong khi các nước khác từ bỏ lục địa này. Trong 2 năm qua, Bắc Kinh cũng đã xóa nợ hàng triệu USD cho gần 10 quốc gia Châu Phi khi họ phải chật vật để trả nợ.



Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Châu Phi tại Diễn đàn về hợp tác Trung Quốc - Châu Phi

Ngoài đầu tư và thương mại, Thủ tướng Abe đã tìm cách tiếp cận mới vì hòa bình và ổn định nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của Châu Phi. Trung Quốc tăng cường hợp tác an ninh và quân sự với các nước Châu Phi. Năm 2015, Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ quân sự 100 triệu USD cho Liên minh Châu Phi trong vòng 5 năm. Ông Abe phát biểu tại hội nghị rằng Tokyo đã sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào việc thúc đẩy hòa bình ở các nước Châu Phi. Cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản một lần nữa diễn ra ở Châu Phi, Tokyo có kế hoạch sẽ đổ thêm viện trợ vào lục địa và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh - trong nhiều thập kỷ đã đổ tiền vào Châu Phi. Trong Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi, Nhật Bản cam kết viện trợ hơn 300 tỷ yên (tương đương 2,83 tỷ USD) cho Châu Phi. Nhật Bản trước đây đã sử dụng các cuộc họp để chỉ trích các hoạt động cho vay của Trung Quốc ở Châu Phi, cho rằng mức nợ không thực tế được phát sinh của các nước Châu Phi (điều mà Trung Quốc luôn bác bỏ). Thương mại của Nhật Bản với Châu Phi so với Trung Quốc tương đối nhỏ, mà thậm chí còn bị thu hẹp. Nhật Bản triển khai Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi (TICAD - Tokyo International Conference on African Development) vào năm 1993 để vực dậy sự quan tâm đến lục địa này, tìm nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp, và thị trường cho các sản phẩm của Nhật Bản. Sau Nhật Bản một thập kỷ, Trung Quốc bắt đầu tổ chức một sự kiện cạnh tranh, Diễn đàn về hợp tác Trung Quốc - Châu Phi. Và Trung Quốc tuyên bố: "Nhật Bản là người cộng tác của Châu Phi trước đây - và không nhất thiết phải làm chủ."

Mặc dù cả 2 nền kinh tế lớn châu Á đã xâm nhập vào Châu Phi, nhưng quy mô thì khác nhau rất nhiều. Trong khi Nhật Bản tìm cách xây dựng lại nền kinh tế đang gặp khó khăn trong bối cảnh suy thoái, thì Trung Quốc đang tăng cường giao thương với các nước Châu Phi, kết quả là ​​thương mại giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng gấp đôi 2 hai thập kỷ qua - đạt 204,2 tỷ USD vào năm 2018 (tăng 20% ​​so với năm 2017).  Thông qua “Sáng kiến Vành đai và Con đường” nhằm hồi sinh Con đường tơ lụa để kết nối Châu Á với Châu Âu và Châu Phi đã tạo điều kiện cho Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt tiêu chuẩn Addis Ababa - Djibouti của Kenya. Bắc Kinh cũng đang xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Zambia, Angola và Nigeria. Thương mại của Nhật Bản với Châu Phi chỉ là một phần nhỏ so với Trung Quốc. Trong năm 2017, xuất khẩu của Nhật Bản sang lục địa này đạt 7,8 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 8,7 tỷ USD, (theo số liệu tổng hợp của Viện Công nghệ Massachusetts).

Hiện tại, Nhật Bản muốn mở rộng sự hiện diện của mình ở Châu Phi, và các nhà phân tích đánh giá cao TICAD năm 2019 cả về số tiền mà Tokyo cam kết cho sự phát triển của Châu Phi và cách thay thế Trung Quốc. Ông Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc cho biết, Châu Phi là một khu vực kinh tế quan trọng đối với Nhật Bản, cả về thương mại và đầu tư. Nhật Bản đã thiết lập một số liên kết mạnh mẽ với các quốc gia Châu Phi thông qua viện trợ nước ngoài. Động thái của Nhật Bản được thúc đẩy bởi cả lợi ích kinh tế và chính trị. Về mặt kinh tế, Nhật Bản cần bảo đảm và duy trì sự hiện diện, liên kết với các quốc gia Châu Phi trong khi mở ra các thị trường và cơ hội mới chống lại Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, Nhật Bản đã đưa ra dự án Hành lang tăng trưởng Á - Phi (Asia-Africa Growth Corridor), một thỏa thuận hợp tác kinh tế với Ấn Độ và các nước Châu Phi.

Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh các dự án cơ sở hạ tầng ở Châu Phi. Cảng Mombasa đang được xây dựng trên bờ biển Kenya, Nhật Bản cũng đang tài trợ cho việc xây dựng đường dây truyền tải đô thị Kampala, lấy nguồn điện từ đập Karuma ở Uganda. Tại Tanzania, Nhật Bản cung cấp kinh phí cho cầu vượt của Cơ quan Đường sắt Tanzania-Zambia (Tazara). Và thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Tokyo cũng giúp các nước Châu Phi cải thiện năng suất lúa bằng công nghệ Nhật Bản. Có gần 1.000 công ty Nhật Bản - bao gồm các nhà sản xuất ô tô như Nissan và Toyota - hoạt động ở Châu Phi, nhưng đó chỉ là 1/10 so với số doanh nghiệp Trung Quốc tại Phi Châu.

Nhật Bản không thể ngăn Trung Quốc sở hữu Châu Phi khi nói đến phiếu bầu của các quốc gia Châu Phi trong các cơ quan quốc tế. Đã quá muộn, Trung Quốc đã sở hữu phiếu bầu của hầu hết các quốc gia Châu Phi. Nhật Bản có một nhiệm vụ mới ở Châu Phi là cứu Châu Phi khỏi bẫy nợ của Trung Quốc, viễn cảnh một số quốc gia Châu Phi mắc nợ Trung Quốc cuối cùng phải nhượng lại quyền kiểm soát tài sản quan trọng quốc gia cho Bắc Kinh, và trở thành bán thuộc địa ngày nay. Đó là những gì đã xảy ra ở các quốc gia như Sri Lanka, nơi Bắc Kinh sở hữu 2 cảng lớn bằng cách chuyển đổi các khoản vay thành vốn chủ sở hữu. Nhật Bản hy vọng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách cung cấp viện trợ - thay vì cho các quốc gia Châu Phi vay tiền - và tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong thông điệp tại Hội nghị quốc tế Tokyo về Phát triển Châu Phi được tổ chức tại Yokohama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảnh báo các nhà lãnh đạo Châu Phi về những nguy cơ của việc mắc nợ quá mức đối với Bắc Kinh.

Từ khi các quốc gia Châu Phi độc lập vào những năm 1960, các cường quốc đã viện trợ cho các quốc gia này vì những lá phiếu tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn toàn cầu. Trong Chiến tranh Lạnh là sự cạnh tranh siêu cường giữa Mỹ và Liên Xô. Ngày nay, sự hỗ trợ của Trung Quốc hoặc Nhật Bản đang diễn ra với vùng lãnh hải ở Biển Đông, 39 quốc gia Châu Phi đứng về phía Trung Quốc trong một vụ kiện của Tòa án Công lý Quốc tế năm 2016. Chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với Châu Phi đã trở nên cấp bách hơn trước đây để cố gắng chống lại “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của Trung Quốc bằng chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Nhật Bản đã cố gắng thúc đẩy mối quan tâm ngày càng tăng của Châu Phi về các điều khoản của các thỏa thuận phát triển của Trung Quốc, vốn thường liên quan đến các khoản vay lớn của chính phủ Trung Quốc cho các chính phủ Châu Phi. Trong khi đó, Tokyo có đề nghị riêng cho Châu Phi: Các dự án cơ sở hạ tầng có chất lượng cao với các điều khoản hấp dẫn hơn so với Trung Quốc, ví dụ các dự án được tài trợ bởi chính phủ Nhật Bản sử dụng lao động Châu Phi, trong khi các dự án Trung Quốc thường xuyên nhập khẩu hàng ngàn lao động Trung Quốc, dẫn đến nhiều sự phẫn nộ của người dân Châu Phi. Các dự án của Nhật Bản có các điều khoản hạn chế hơn so với các đề nghị của Trung Quốc.

Ở một mức độ nào đó, Nhật Bản đang hy vọng khai thác ý thức ngày càng tăng ở Châu Phi rằng việc đặt tất cả tương lai vào Bắc Kinh là không hoàn toàn khôn ngoan. Thay vì cạnh tranh trực tiếp, Nhật Bản đã cố gắng tạo sự khác biệt với Trung Quốc bằng cách nhấn mạnh chất lượng của cơ sở hạ tầng có thể xây dựng ở Châu Phi. Khi những lo ngại gia tăng về việc cho vay của nhà nước Trung Quốc đẩy các nước Châu Phi vào tình trạng nợ nần nhiều hơn, Nhật Bản đã nhấn mạnh sự bền vững tài chính và quan hệ đối tác trong khu vực tư nhân không tăng vay nợ của chính phủ. 

Sung Tích
(Tổng hợp)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán