Từ những năm 1900 mãi cho đến đầu thập niên 60, do tình trạng thất nghiệp nên người dân ở Singapore lấy việc bán hàng rong làm kế sinh nhai. Người ta ước tính có khoảng 50.000 người bán hàng rong trên các đường phố khi Singapore trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1965. Lúc bấy giờ chính phủ có thái độ cởi mở đối với hoạt động bán hàng rong trên phố vì đó chính là cách để những người dân thất nghiệp có thể kiếm sống một cách lương thiện. Đến cuối thập niên 60, tình trạng thất nghiệp đã được cải thiện. Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và công nghiệp, tỷ lệ công ăn việc làm đã tăng lên đáng kể. Hoạt động bán hàng rong trở thành một nghề sinh lợi vì sức mua của người tiêu dùng tăng lên, và đến năm 1968, số lượng người bán hàng rong đã tăng lên một cách đáng kể. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng người bán hàng rong trên phố vào thời điểm đó đã làm phát sinh những vấn đề sau (theo báo cáo của Bộ Môi trường Singapore năm 1993):
- Vệ sinh
- Quản lý thực phẩm phế thải do những người bán hàng rong vứt bỏ bừa bãi.
- Làm sạch đường phố, vì các con phố và hệ thống thoát nước thải bị tắc nghẽn bởi các hoạt động bán hàng rong.
- Mỹ quan đô thị xuống cấp. Một số khu vực trông giống như những khu ổ chuột.
Vì vậy, chính phủ đã hành động và áp dụng chính sách "ba giai đoạn" nhằm loại bỏ hoạt động buôn bán trên đường phố. Giai đoạn đầu bao gồm việc di chuyển những người bán hàng rong từ những con phố chính đến những con phố nhỏ và các con hẻm, và cung cấp các dịch vụ chợ cơ bản. Một cuộc khảo sát người bán hàng rong trên toàn hòn đảo được tiến hành vào giữa tháng 9 năm 1968 và tháng 2 năm 1969. Khoảng 18.000 người bán hàng rong được đăng ký trong cuộc khảo sát và được cấp phép hoạt động. Sau đợt khảo sát, việc đăng ký kinh doanh dành cho những người bán hàng rong đã khép lại và giấy phép mới chỉ được cấp cho những người khó khăn về tài chính. Chính sách hạn chế được áp dụng nhằm buộc những người khỏe mạnh vào làm việc trong các lĩnh vực có hiệu quả cao của nền kinh tế. Tiếp đến, trong năm 1971 chính phủ bắt đầu xây dựng các khu chợ ngoài trời trong thành phố và tại các khu dân cư ở ngoại ô dành cho những người bán hàng rong. Các khu chợ này có tên gọi là "chợ truyền thống". Đến tháng 2 năm 1986, giai đoạn hai kết thúc và 103 ngôi chợ truyền thống đã được xây dựng. Một trong những mục tiêu khác của chính phủ đối với chợ truyền thống là cung cấp nguồn thực phẩm tại các khu dân cư như một phần của khái niệm thành phố vệ tinh của HDB (Cơ quan Phát triển nhà ở). Giai đoạn cuối, cũng là giai đoạn hiện tại, là lập chính sách cải tạo các chợ truyền thống hiện có và đảm bảo không để xuất hiện các chợ không chính thức.
Mặc dù các chợ truyền thống có vẻ như đang mất dần đi, nó vẫn là một bộ phận gắn liền trong đời sống của đất nước Singapore và của một nhóm khách hàng trung thành. Một số ngôi chợ cũng đã tạo được tiếng tăm cho mình như chợ Kandang Kerbau trong khu Ấn Độ thu nhỏ, chợ Pasir Panjang… Ngày nay con cái của những người bán hàng rong vẫn tiếp tục lui tới các chợ truyền thống này.
Ở Singapore, các siêu thị đã xuất hiện từ rất sớm. Hai siêu thị lâu đời nhất là Cold Storage, thành lập năm 1903 (theo Business Times - 1981) và Fitzpatrick's, đăng ký thành lập năm 1947. Kỷ nguyên siêu thị được cho là bắt đầu từ năm 1974, khi xuất hiện hệ thống chuỗi siêu thị khổng lồ Yaohan của Nhật Bản với siêu thị rộng 56.000 feet vuông (≈ 5.202 m2) trên đại lộ Orchard - con phố mua sắm ở Singapore. Sức hấp dẫn của Yaohan bao gồm giá cả đặc biệt, bãi đậu xe, các quầy ẩm thực và thức ăn nhanh, các khu vui chơi dành cho trẻ em. Những thứ này đã cách mạng hóa hoạt động mua sắm. Cùng thời gian đó, tại các khu dân cư HDB, một cuộc cách mạng khác cũng đang diễn ra. Đại hội Công đoàn quốc gia (NTUC), Liên đoàn lao động công nghiệp tiên phong (PIEU) và Tổ chức lao động công nghiệp Singapore đã đứng ra thành lập các hợp tác xã với mục tiêu bình ổn giá các loại thực phẩm thiết yếu. Ban đầu việc bình ổn giá chỉ áp dụng cho các thành viên liên kết của họ, nhưng sau đó nó được mở rộng ra công chúng. NTUC thành lập hợp tác xã đầu tiên vào tháng 6 năm 1973 tại khu dân cư Toa Payoh, và sau đó thành lập ba hợp hợp tác xã khác vào tháng 3 năm 1975. PIEU thành lập hợp tác xã vào tháng 12 năm 1974 tại khu dân cư Jurong và một hợp tác xã khác được thành lập vào tháng 5 năm 1975.
NTUC Fairprice được thành lập với sứ mệnh điều tiết và bình ổn giá sinh hoạt dành cho các gia đình có thu nhập thấp ở Singapore
Hiện nay những nhà đầu tư siêu thị chính ở Singapore là NTUC Fairprice và Cold Storage. Mới đây hai công ty siêu thị quốc tế Tops và đại siêu thị Carefour cũng đã triển khai hoạt động kinh doanh tại đây. NTUC Fairprice là nhà bán lẻ hàng đầu tại Singapore với 60 siêu thị trải đều khắp hòn đảo này. Với xuất phát điểm từ đầu những năm 70, sứ mệnh thành lập của nó là điều tiết và bình ổn giá sinh hoạt dành cho các gia đình có thu nhập thấp ở Singapore. Cold Storage đăng ký thành lập tại Singapore vào tháng 8 năm 1903. Năm 1905, công ty mở cơ sở kinh doanh đầu tiên trên phố Orchard và ngày nay, Cold Storage quản lý 20 siêu thị trên khắp quốc đảo.
Tops, một liên doanh được thành lập tháng 3 năm 1996 giữa công ty siêu thị khổng lồ Royal Ahold của Hà Lan và Tập đoàn Kuok của Malaysia, đã ký kết hợp đồng thuê 11 mặt bằng từ Tập đoàn Emporium Holding cuối 1988. Tập đoàn Emporium Holding điều hành 16 siêu thị Oriental ở đây (theo Straits Times - 1997). Siêu thị mới nhất của Tops được khai trương tháng 9 năm 1997 với niềm kiêu hãnh về diện tích sàn của nó tại Singapore. Gần đây Carefour cũng mở các đại siêu thị của mình và có kế hoạch mở tổng cộng 5 đại siêu thị trong 5 năm tới (theo The Retailer - 1997). Hiện tại, Carefour sở hữu siêu thị 88.000 feet vuông (≈ 8.175 m2) với hai tầng, trong đó 50.000 feet vuông (≈ 4.645 m2) dành cho hàng tạp hóa và thực phẩm. Các nhà đầu tư mới nhất trong lĩnh vực siêu thị này đang thu hút khách hàng bằng việc cung cấp sản phẩm tươi sạch với mức giá thấp, cách bố trí và trình bày đẹp hơn, ngành hàng đa dạng hơn, chất lượng tốt hơn (theo Straits Times - 1997a).
Sung Tích
Ảnh: Internet