Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Thị trường chứng khoán London

Trong thời đại ngày nay dù ở thời điểm nào, nơi đâu thì thị trường chứng khoán cũng luôn là đề tài sôi nổi để bàn luận. Trên các mặt báo, tạp chí cũng như các cổng truyền thông khác thì chứng khoán luôn là một đề mục nóng bỏng. Nhưng có một nghịch lý là ít ai thực sự quan tâm đến sự ra đời của thị trường chứng khoán cũng như sự phát triển của thị trường chứng khoán trong lịch sử.



Ngày nay thị trường chứng khoán London - LSE là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters/Toby Melville

Ngay từ những năm 1600, khi mà các công ty hàng hải phát triển rất mạnh ở các nước như Anh, Pháp, Hà Lan, họ thường xuyên tổ chức các chuyến thám hiểm đến Đông Ấn để tìm các mặt hàng hóa quý hiếm. Tuy nhiên do ít nhà thám hiểm đủ sức trả chi phí cho cuộc thám hiểm dẫn đến sự ra đời của các công ty trách nhiệm hữu hạn để huy động vốn từ nhà đầu tư thông qua hình thức vay nợ và chia một phần lợi nhuận tương ứng sau mỗi cuộc thám hiểm. Tuy nhiên, theo báo Imperial Gazetteer của Ấn Độ, khi đó thì những chuyến hải hành đầu tiên của Anh đến Ấn Độ Dương đều không thành công và các chủ nợ tịch thu tài sản cá nhân của những người huy động vốn. Ngay sau đó, dưới sự cho phép của nữ hoàng Anh, một nhóm thương nhân đã thành lập một công ty đặt tên là Công ty Đông Ấn. Công ty này giới hạn trách nhiệm của mỗi thành viên đầu tư với số tiền đầu tư của họ. Nếu thất bại luật pháp sẽ tịch thu số tiền mà họ đã đầu tư. Ý tưởng này được phổ biến rộng rãi và phát triển mạnh với sự ra đời của khoảng 160 công ty cổ phần vào năm 1695. Sau đó là hàng loạt công ty phát hành cổ phiếu nữa xuất hiện thúc đẩy việc giao thương tại Châu Âu.

Kèm theo sự xuất hiện của hàng loạt công ty phát hành cổ phiếu dẫn tới sự ra đời của Sở giao dịch chứng khoán London. Đầu tiên họ không có các trung tâm, tòa nhà giao dịch hay những phương pháp đặt lệnh giao dịch phức tạp nào. Thay vào đó, các bên bán, mua, môi giới gặp nhau ở các quán cà phê khắp London. Nếu công ty nào muốn bán cổ phiếu hoặc phát hành nợ, họ sẽ dán thông báo trên cửa các quán cà phê hay gửi thư đến nhà tài trợ. Đặc biệt, các hoạt động giao dịch diễn ra rất sôi động ở 2 quán cà phê Jonathan và Garraway trong khu phố Exchange Alley.

Năm 1748, một trận hỏa hoạn xảy ra và thiêu rụi khu phố Exhange Alley. Một nhóm giao dịch viên giàu có hiến một tòa nhà làm Sở giao dịch chứng khoán vào năm 1773. Từ đó trung tâm giao dịch chứng khoán London (London Stock Exchange - LSE) ra đời. Đến năm 1801, LSE được điều chỉnh lại thành sàn giao dịch kiểu mẫu và là đầu mối tài chính trọng yếu của thế giới kể cả khi đã bị Mỹ vượt qua.

Ngày nay, thị trường chứng khoán London - LSE là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới với lượng vốn huy động IPO vượt qua HongKong và NYSE - TTCK New York của Mỹ. 

Các sự kiện hoạt động gần đây
- Cuối tháng 11 năm 2006, Nasdaq sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ có động thái chào giá khoảng 2,7 tỉ bảng Anh tức là khoảng 5,3 tỉ USD (tỉ giá tiền tệ thời gian đó) nhằm mua lại LSE, kèm theo là một bảng báo cáo chi tiết dài 48 trang nhưng bị từ chối.
- Theo số liệu thống kê năm 2006 của thị trường chứng khoán London - LSE, lượng tiền huy động lên đến 58,4 tỉ USD, nhiều gấp 4 lần so với thị trường Nasdaq của Mỹ. Thông tin này làm gia tăng nỗ lực bảo vệ LSE trước sự chào đón của Nasdaq.
- LSE cũng bỏ xa các đối thủ như NYSE và HongKong về khả năng huy động vốn IPO khi mà ngày càng nhiều các tập đoàn tài chính, tiền tệ, các công ty cổ phần từ khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ… lựa chọn London làm địa điểm niêm yết cổ phiếu.
- Theo thống kê năm 2008 của thị trường chứng khoán London: Tổng số công ty niêm yết trên LSE là 3.579 công ty trên khắp thế giới với số vốn huy động lên đến hàng nghìn tỉ USD. Đây là thị trường duy nhất trên thế giới có lượng vốn hóa của công ty niêm yết nước ngoài lớn hơn vốn của các công ty niêm yết trong nước. Thực hiện thành công 55 triệu giao dịch trong năm 2008. Năm 2006 và 2007, LSE đã “qua mặt” NYSE về quy mô IPO và huy động vốn. Năm 2007, tại LSE đã có 52 tỉ USD được huy động qua hình thức IPO và 60 tỉ USD huy động qua các hình thức khác. LSE cũng quy tụ nhiều quỹ đầu tư trên thế giới (được quản lý bởi LSE) với nguồn vốn lên đến 43 tỉ USD.

Tổng doanh thu LSE đạt được trong các năm từ 2005-2010
Năm 2005: 244 triệu bảng Anh
Năm 2006: 291 triệu bảng Anh
Năm 2007: 350 triệu bảng Anh
Năm 2008: 546 triệu bảng Anh
Năm 2009: 671 triệu bảng Anh
Năm 2010: 628 triệu bảng Anh

Đại Đồng
(Tổng hợp)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán