Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Trí tuệ nhân tạo (AI) của EU trên thị trường thế giới

Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự đoán sẽ trở nên quan trọng trong nhiều lĩnh vực của đời sống. Trên khắp Châu Âu, các chính phủ đã công bố chiến lược quốc gia về hỗ trợ phát triển và ứng dụng AI. Chiến lược AI của Liên minh Châu Âu (European Union’s AI strategy) yêu cầu các nước thành viên đưa ra các chiến lược hay chương trình AI quốc gia vào giữa năm 2019. Cho đến nay, ít nhất 7 quốc gia thành viên EU - Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Phần Lan, Đức, Thụy Điển, và Vương quốc Anh - và khu vực Bắc Âu -Baltic đã công bố các chiến lược AI. Áo, Cộng hòa Séc, Estonia, Ý, Latvia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovenia, Slovakia và Tây Ban Nha đang trong quá trình soạn thảo kế hoạch.



Chiến lược AI của Pháp do Cédric Villani hoạch định gồm 4 lĩnh vực mà ngành công nghiệp Pháp cần ứng dụng và xác định, đóng vai trò dẫn đầu ở cấp độ toàn cầu, cạnh tranh với các quốc gia ngoài Châu Âu, các lĩnh vực này là y tế, giao thông và di động, môi trường, quốc phòng - an ninh. Chiến lược này rất chi tiết trong việc tăng cường các nỗ lực AI của Pháp và Châu Âu, tập trung vào dữ liệu có sẵn cho AI, biến dữ liệu thành lợi ích chung bằng cách cấp cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập thông tin từ các dự án do chính phủ tài trợ và khuyến khích các công ty tư nhân công khai dữ liệu của mình. Nghiên cứu học thuật của Pháp luôn đi đầu trong các phát triển toàn cầu về toán học và AI, nhưng tiến bộ khoa học của Pháp không phải lúc nào cũng chuyển thành các ứng dụng kinh tế và công nghiệp cụ thể. Chiến lược khuyến nghị cần tăng gấp 3 số người được đào tạo về AI trong 3 năm tới. Để đạt được điều này cần có mức lương cao nhất trong các tổ chức nghiên cứu và trường đại học. Chiến lược này cũng đề cập về tác động của AI đối với thị trường lao động, sự phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, và các vấn đề về đạo đức của trí tuệ nhân tạo. Chính phủ Pháp cần thành lập một ủy ban công nghệ số và đạo đức của AI công khai và thúc đẩy giáo dục công cộng. Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo đã bước vào một kỷ nguyên mới, mang đến nhiều hy vọng. Villani, người đi đầu trong chiến lược AI bày tỏ niềm tin là Pháp - Châu Âu cùng hợp tác với sự tự tin và quyết tâm trở thành một phần của cuộc cách mạng AI. Châu Âu tin rằng bất cứ ai trở thành người lãnh đạo trong lĩnh vực AI sẽ trở thành người thống trị thế giới và nhận xét về tầm quan trọng của chiến lược của AI, trong đó Pháp và Châu Âu có thể được coi là trung tâm.



Năm 2018, chính phủ Đức đã tăng tốc các vấn đề về AI sau khi bị chỉ trích là chậm trễ. Chính phủ đã lên kế hoạch về chiến lược AI, tháng 8/2018 hội đồng kỹ thuật số được thành lập, tháng 11/2018 công bố chiến lược AI. Trong năm 2018, chính phủ, các bộ, các công ty tư nhân và các tổ chức của chính phủ đã tổ chức các hội nghị, tham vấn và điều trần với các chuyên gia về AI. Với chiến lược “National Strategy for Artificial Intelligence - AI made in Germany” Berlin có cách tiếp cận khác với Paris. Chiến lược này là kết quả của một cuộc tham vấn toàn bộ dưới sự lãnh đạo của các bộ giáo dục và nghiên cứu, kinh tế và năng lượng, lao động và các vấn đề xã hội. Theo đó, chiến lược tập trung chủ yếu vào nghiên cứu, kinh tế và xã hội. Chiến lược còn tập trung vào việc bảo tồn sức mạnh của ngành công nghiệp Đức - đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ, bằng cách đảm bảo rằng AI sẽ không cho phép các quốc gia khác vượt qua Đức về kinh tế, AI sẽ giúp các sản phẩm của Đức đứng đầu thế giới. Chiến lược cũng đề cập đến tác động của AI đối với khí hậu, hành chính công và y tế. Chính phủ Đức coi các yêu cầu về đạo đức và pháp lý của người dùng là một phần không thể thiếu của thương hiệu tương lai về những sản phẩm AI được sản xuất tại Đức. Về vấn đề này, Berlin tuân theo mục tiêu tuyên bố của Ủy ban Châu Âu để Châu Âu trở thành người dẫn đầu về đạo đức của trí tuệ nhân tạo, trong khi chiến lược của Pháp nhấn mạnh vào các cơ hội thì người Đức tập trung vào việc duy trì hiện trạng.

Mặc dù chưa công bố chiến lược AI quốc gia, Ý đã nỗ lực đối với những thách thức công nghệ mới rộng hơn trong chương trình nghị sự kỹ thuật số năm 2008, Chiến lược tăng trưởng kỹ thuật số 2014-2020 (Digital Growth Strategy 2014-2020), và kế hoạch triển khai băng thông rộng tốc độ cao. Ý thừa nhận rằng đã chậm trễ đối với sự phát triển công nghệ cùng với Châu Âu. Theo Chiến lược tăng trưởng kỹ thuật số 2014-2020 của Ý đã thảo luận, việc lưu giữ văn hóa giữa các khu vực, quản lý tài nguyên... là nguyên nhân chính của sự chậm trễ. Phương pháp tiếp cận AI của Ý tập trung vào giáo dục và đào tạo, dịch vụ công cộng và nền kinh tế, đặc biệt chính phủ chú ý đến AI trong các dịch vụ công cộng. “Artificial Intelligence: At the Service of Citizens” (được công bố vào tháng 3/2018 và dự kiến sẽ được cập nhật 3 năm một lần) là tài liệu quan trọng nhất liên quan đến AI mà chính phủ Ý đã công bố cho đến nay. Tài liệu được viết bởi một nhóm đặc nhiệm AI trong Cơ quan Kỹ thuật số Ý (một cơ quan kỹ thuật trong Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được giao nhiệm vụ đảm bảo thực hiện các mục tiêu được nêu trong Chương trình nghị sự kỹ thuật số của EU). Tháng 4 năm 2018, Ủy ban Châu Âu kêu gọi phát triển các phương pháp tiếp cận quốc gia đối với AI, thúc đẩy chính phủ Ý về chiến lược AI quốc gia và dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm 2019. Tháng 5 năm 2019, bản thảo đề xuất chiến lược AI của Ý đã hoàn thành, tập trung vào chuỗi công việc chính với sự hướng dẫn của Ủy ban Châu Âu là: nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, và công nghiệp; giáo dục, đào tạo kỹ năng; định giá dữ liệu; đạo đức và quy định; tăng cường hành chính công. Các lĩnh vực mà Ý nên tập trung đầu tư để tận dụng chuyên môn quốc gia là: internet, sản xuất, robotics, các dịch vụ như tài chính, y tế, và sáng tạo; giao thông vận tải, thực phẩm, và năng lượng; hành chính công; văn hóa, và nhân văn kỹ thuật số. AI là cơ hội cho sự phục hưng quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường - với mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy sự phát triển bền vững và phục vụ lợi ích chung.



EU hy vọng rằng sự phối hợp của các sáng kiến AI quốc gia sẽ tạo ra một khuôn khổ thống nhất về đầu tư và pháp luật giữa các quốc gia thành viên. Tháng 4 năm 2018, các quốc gia thành viên EU đã ký “Tuyên bố hợp tác về trí tuệ nhân tạo” (Declaration of Cooperation on Artificial Intelligence), cam kết hợp tác với nhau để giải quyết các câu hỏi về xã hội, kinh tế, pháp lý và đạo đức liên quan đến AI, cũng như để đảm bảo rằng EU trở nên cạnh tranh trong khu vực. Tháng 12 năm 2018, Ủy ban Châu Âu đã chỉ định 52 chuyên gia vào Nhóm chuyên gia cấp cao về trí tuệ nhân tạo và đã đưa ra quy định về “Hướng dẫn đạo đức của trí tuệ nhân tạo” (Ethics Guidelines for Trustworthy AI) vào tháng 4 năm 2019. Để EU đóng vai trò trong việc điều phối này, các quốc gia thành viên cần chấp nhận giá trị chung với các đối tác Châu Âu. Mục đích chính của “Kế hoạch phối hợp của EU về trí tuệ nhân tạo” (Coordinated Plan on Artificial Intelligence) là: Tăng cường đầu tư và thúc đẩy các ứng dụng AI đáng tin cậy và “đạo đức & an toàn theo thiết kế”; Xây dựng và triển khai các chương trình nghị sự hợp tác về nghiên cứu, phát triển và đổi mới được chia sẻ giữa ngành công nghiệp và học thuật; Áp dụng các chương trình và hệ thống học tập đào tạo; Đảm bảo rằng các cơ quan hành chính nhà nước ở Châu Âu là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc sử dụng AI; Triển khai với sự hướng dẫn của các chuyên gia về phát triển và sử dụng công nghệ, để thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức toàn cầu và biến Châu Âu trở thành lãnh đạo toàn cầu trong đạo đức của trí tuệ nhân tạo.

Chủ tịch của Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ sẽ là một thành phần quan trọng của chiến lược kỹ thuật số Châu Âu, mà là nền tảng của kế hoạch phát triển “AI made in Europe” (AI được sản xuất tại Châu Âu), tạo ra các sản phẩm có tính đạo đức hơn những sản phẩm AI được tạo ra ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Với kế hoạch của EU để phân biệt chính mình trong AI bằng cách tập trung vào việc xây dựng các hệ thống đáng tin cậy là hầu như không có bằng chứng nào cho thấy người tiêu dùng đang đòi hỏi các hệ thống AI đạo đức hơn (thị trường như vậy sẽ nhỏ). EU không phải là nơi duy nhất xem xét đạo đức của AI. Hai đối thủ cạnh tranh chính của Châu Âu là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều cam kết để đảm bảo đạo đức trí tuệ nhân tạo. Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp về AI hỗ trợ tầm nhìn phát triển, sử dụng công nghệ AI và đã đưa ra kế hoạch phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho AI bao gồm đạo đức. Hơn nữa, các cơ quan của Hoa Kỳ như Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra các sáng kiến cho các lĩnh vực của ngành để đảm bảo sử dụng AI một cách có đạo đức trong các lĩnh vực tương ứng. Tại Trung Quốc, Học viện Trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh (Beijing Academy of Artificial Intelligence) do chính phủ hậu thuẫn đã phát triển Nguyên tắc AI Bắc Kinh (Beijing AI Principles). Hiệp hội Trí tuệ nhân tạo Trung Quốc cũng đã hình thành các hướng dẫn đạo đức của riêng mình. Nhiều quốc gia ngoài Châu Âu như Hoa Kỳ đã ký kết nguyên tắc AI với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tập trung vào quản lý AI có trách nhiệm. Châu Âu không có lợi thế cạnh tranh trong việc sản xuất các hệ thống đạo đức trí tuệ nhân tạo. Các nhà nghiên cứu của EU đang tụt hậu so với Hoa Kỳ trong việc giải quyết đạo đức trí tuệ nhân tạo. Vì theo các tài liệu nghiên cứu đã được chấp nhận tại hội nghị FAT/ML 2018 (Fairness, Accuracy and Transparency in Machine Learning) được tổ chức tại Stockholm thì chỉ có 5% các tác giả là người Châu Âu, 85% là người Mỹ. AI sẽ rất quan trọng đối với tương lai của Châu Âu, nhưng một AI có đạo đức sẽ không đủ để EU vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh. Các nhà lãnh đạo tương lai về AI cuối cùng sẽ định hướng cho hướng đi của mình và Châu Âu nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau nếu không thể theo kịp các lĩnh vực quan trọng nhất.



Nhiều quốc gia đang chạy đua để đạt được lợi thế đổi mới toàn cầu về trí tuệ nhân tạo vì AI là công nghệ nền tảng có thể tăng sức cạnh tranh, tăng năng suất, bảo vệ an ninh quốc gia và giúp giải quyết các thách thức xã hội. Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ có vị thế tương đối trong nền kinh tế AI. Bất chấp sáng kiến AI táo bạo của Trung Quốc, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu, Trung Quốc đứng thứ hai, và Liên minh Châu Âu tụt lại phía sau. Trật tự này có thể thay đổi trong những năm tới vì Trung Quốc dường như đang đạt được tiến bộ nhanh hơn cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, khi kiểm soát quy mô của lực lượng lao động ở ba khu vực, vị trí dẫn đầu hiện tại của Mỹ chiếm ưu thế, trong khi Trung Quốc tụt xuống vị trí thứ ba, sau Liên minh Châu Âu. Hoa Kỳ gặt hái những lợi ích kinh tế to lớn từ làn sóng đổi mới kỹ thuật số với các công ty công nghệ thành công nhất thế giới như Amazon, Apple, Facebook, Google, Intel và Microsoft... Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ hiện đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh chính cho sự lãnh đạo toàn cầu về AI. Trong tổng số 100 điểm khả dụng trong phương pháp tính điểm về AI, Hoa Kỳ dẫn đầu với 44,2 điểm, tiếp theo là Trung Quốc với 32,3 điểm và EU với 23,5 điểm. Hoa Kỳ có nhiều start-up AI nhất với hệ sinh thái khởi nghiệp AI đã nhận được vốn đầu tư tư nhân và đầu tư mạo hiểm nhiều nhất, dẫn đầu trong việc phát triển chất bán dẫn truyền thống và chip máy tính cung cấp năng lượng cho các hệ thống AI. AI Hoa Kỳ ít học thuật hơn EU và Trung Quốc, nhưng tạo ra các giá trị chất lượng hơn và Hoa Kỳ có ít số lượng AI hơn Liên minh Châu Âu nhưng tài năng của Hoa kỳ lại ưu tú hơn. Trung Quốc đi trước Liên minh Châu Âu về AI và dường như đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Hoa Kỳ. Về đầu tư mạo hiểm và tài trợ vốn cổ phần tư nhân, các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc nhận được nhiều tài trợ hơn so với các công ty khởi nghiệp ở Mỹ trong năm 2017. Tuy nhiên, Trung Quốc đứng sau Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu về tài năng AI chất lượng cao. Một số quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu, bao gồm cả Ý, có nhiều nhà nghiên cứu AI được xếp hạng trong top 10% quốc tế so với Trung Quốc (năm 2017). Tuy nhiên, Trung Quốc đã đạt được tiến bộ trong hầu hết các số liệu, và vượt xa đáng kể Liên minh Châu Âu về tài trợ và áp dụng AI.

Liên minh Châu Âu có khả năng cạnh tranh với Hoa Kỳ và Trung Quốc, vì có nhiều nhà nghiên cứu AI. Tuy nhiên, có một sự mất kết nối giữa số lượng tài năng AI ở EU và việc áp dụng và tài trợ AI thương mại. Nếu các công ty khởi nghiệp AI ở Hoa Kỳ và Trung Quốc đều nhận được nhiều vốn đầu tư mạo hiểm và tài trợ vốn tư nhân trong năm 2017 hơn so với các công ty khởi nghiệp AI của EU nhận được trong 3 năm (từ năm 2016 đến năm 2018). Vị thế Liên minh Châu Âu giảm không những làm ảnh hưởng đến việc hưởng các lợi ích kinh tế và xã hội của AI, mà còn ảnh hưởng đến quản trị AI toàn cầu, vốn là mục tiêu của Ủy ban Châu Âu. 

Trung Quốc, EU và Hoa Kỳ có những lĩnh vực khác nhau mà họ có thể cải thiện để cạnh tranh trong nền kinh tế AI. Trung Quốc cần mở rộng giảng dạy các môn học liên quan đến AI ở cấp đại học, khuyến khích chất lượng nghiên cứu hơn số lượng và thúc đẩy văn hóa quảng bá dữ liệu mở. Trong khi đó, EU cần phát triển các chính sách khuyến khích nhân tài ở lại EU, chuyển thành công nghiên cứu vào các ứng dụng kinh doanh, khuyến khích phát triển các công ty lớn để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường toàn cầu và cải cách các quy định để cho phép sử dụng dữ liệu tốt hơn cho AI. Để Hoa Kỳ tối đa hóa vị trí dẫn đầu, cần tập trung vào các chính sách phát triển cơ sở tài năng trong nước, cho phép tài năng AI nước ngoài di cư, và tăng động lực cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán