Trang chủ»Kinh tế

Kinh tế

Xem dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng để được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Ths. NGUYỄN THÀNH MINH CHÁNH (Giảng viên Khoa Kinh doanh - Luật, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn) - Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ,việc sản xuất, kinh doanh, giao thương của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng và ảnh hưởng đến các hợp đồng đã ký kết giữa các doanh nghiệp, dẫn đến việc vi phạm hợp đồng của các doanh nghiệp và xảy ra những tranh chấp liên quan đến sự kiện bất khả kháng. Nhưng để hiểu như thế nào để coi dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng và liệu các công ty bị ảnh hưởng có được miễn trách nhiệm bồi thường do vi phạm hợp đồng thì cần lưu ý một số vấn đề riêng biệt do pháp luật quy định.



Ảnh: tapchitoaan.vn

Sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng

Theo Từ điển Luật học thì “Sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể tiên liệu được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong điều kiện và khả năng cho phép (lũ lụt, động đất, núi lửa, chiến tranh,…)[1]. Theo khái niệm này thì sự kiện bất khả kháng là trường hợp khi xuất hiện một sự việc, hiện tượng mà con người không thể kiểm soát được như lũ lụt, động đất, núi lửa… hay các cuộc chiến tranh, phản động xảy ra khiến cho một cá nhân, tổ chức bị cản trở không thể thực hiện được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng.

Và theo quy định pháp luật, sự kiện bất khả kháng là sự kiện được sử dụng để miễn trách nhiệm dân sự cho người vi phạm hợp đồng[2]. Tuy nhiên, không phải lúc nào bên không thực hiện được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng đều có thể sử dụng sự kiện bất khả kháng nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ mà phải tùy từng trường hợp và dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ.

Để xác định sự kiện bất khả kháng trong một hợp đồng, bài viết này so sánh và đối chiếu các yếu tố chính của các điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng theo tiêu chí khác nhau của các quy định pháp luật:

Bộ luật Dân sự giải thích “Sự kiện bất khả kháng” là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép[3]. Tức là, sự việc, hiện tượng được coi là sự kiện bất khả kháng khi các sự việc, hiện tượng cá nhân, tổ chức không thể lường trước, kiểm soát được và sự việc, hiện tượng để lại hậu quả không thể nào phòng tránh và khắc phục được, mặc dù đã thực hiện các biện pháp cần thiết cho phép.

Như vậy, từ phân tích trên, để miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm phải chứng minh dịch Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng.

Theo Luật Thương mại thì “Sự kiện bất khả kháng” là trường hợp được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng[4] và khi sự kiện bất khả kháng xảy ra, để được miễn trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm phải thông báo kịp thời và phải chứng minh các hiện tượng, sự kiện xảy ra làm ảnh hưởng đến công việc, nhiệm vụ thực hiện hợp đồng và nằm ngoài sự tính toán của họ, mang tính khách quan và nó không thể ngăn chặn hay không thể khắc phục được hậu quả mặc dù đã thực hiện các biện pháp cần thiết cho phép.

Như vậy, pháp luật thương mại cho phép bên vi phạm có thể miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng nếu chứng minh dịch Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng.

Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán quốc tế (Công ước Viên 1980) thì bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm nếu bên vi phạm chứng minh được rằng việc không thực hiện ấy là do một trở ngại khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của họ và họ không thể tính toán được, mang tính khách quan và nó không thể ngăn chặn hay không thể khắc phục được hậu quả mặc dù đã thực hiện các biện pháp cần thiết cho phép[5].

Theo quy định này, để một sự kiện xảy ra được miễn trách nhiệm nếu bên vi phạm chứng minh được rằng: Sự kiện này xảy ra một cách khách quan, tức là sự kiện xảy ra không thuộc vào ý chí của các bên trong hợp đồng; Sự kiện không thể lường trước được, tức là các bên trong hợp đồng không thể kiểm soát được sự việc, hiện tượng đó xảy ra; Sự kiện xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã thực hiện các biện pháp cần thiết cho phép, tức là khi sự kiện xảy ra bên có nghĩa vụ đã thông báo cho bên kia biết về sự kiện đó để áp dụng các biện pháp cần thiết nhưng vẫn không thể khắc phục được.

Do đó, theo Công ước Viên 1980 để xem dịch Covid-19 được miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng nếu nó thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 79 Công ước Viên 1980.

Bảng so sánh các tiêu chí xác định một sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng

(Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác trong hợp đồng)



Tác giả tổng hợp và phân tích - Ảnh: tapchitoaan.vn

Tiêu chí để được miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng

Bất kể hình thức tiêu chí nào giữa các quy định pháp luật để được miễn trách nhiệm vi phạm hợp đồng do sự kiện bất khả kháng gây ra thì bên có nghĩa vụ (bên vi phạm) phải thiết lập ít nhất 3 điểm sau:

(1) Có một sự kiện bất khả kháng theo điều khoản của hợp đồng;

(2) Sự chậm trễ trong quá trình thực hiện hợp đồng là do sự kiện bất khả kháng;

(3) Bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên kia biết về việc không thực hiện được hợp đồng do sự kiện bất khả kháng gây ra trong một khoảng thời gian nhất định.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng sự kiện bất khả kháng do dịch Covid-19 gây ra để được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng thì:

(1) Xem xét các điều khoản hợp đồng và sự kiện dịch bệnh; hậu quả do dịch bệnh gây ra là điều kiện bất khả kháng hay không? Cần phải thực hiện những nghĩa vụ nào để xem dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng được miễn trách nhiệm như nghĩa vụ phải thông báo, nghĩa vụ thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả…;

(2) Thu thập và sắp xếp các bằng chứng về sự chậm trễ hoặc cản trở thực hiện nghĩa vụ hợp đồng do sự kiện bất khả kháng là dịch Covid-19 gây ra;

(3) Xem xét các bằng chứng về tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng liên quan đến hợp đồng như thế nào và các biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến chuỗi cung ứng;

(4) Xem xét và áp dụng các biện pháp giảm thiểu thích hợp để tránh hoặc giảm tác động đến hiệu suất của hợp đồng./.

Xuất khẩu gạo – Ảnh: Đại đoàn kết

[1] Từ điển Luật học (2006), Nxb. Tư pháp, tr.679.

[2] Từ điển Luật học (2006), Nxb. Tư pháp, tr.679.

[3] Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4] Điểm b khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005.

[5] Khoản 1 Điều 79 Công ước Viên 1980.

Theo Ths. NGUYỄN THÀNH MINH CHÁNH
tapchitoaan.vn

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán