Chợ truyền thống được hình thành tại Singapore vào đầu những năm 70 để tái bố trí những người bán hàng rong trên phố vào các khu vực được tổ chức tốt và sạch sẽ hơn. Ngoài các cửa hàng nhỏ trong các khu dân cư, những chợ truyền thống này vẫn là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho người dân Singapore. Thực phẩm bán ở chợ có giá rẻ và tươi sạch. Những khu chợ này nằm tại các vị trí thuận lợi trong khu dân cư. Qua thời gian, với nền kinh tế phát triển, cộng với sự giàu có và những thay đổi xã hội và nhân khẩu học, mức sống của người dân đã được cải thiện. Điều này đã tác động đến phong cách tiêu dùng của người dân Singapre.
Trong một nghiên cứu của Swee và Chin (1985), người dân Singapore được cho là ngày càng "Tây hóa" và có xu hướng quan tâm đến hình ảnh và sự tiện lợi. Xu hướng này được khẳng định trong báo cáo của Cold Storage về nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiều sản phẩm phương Tây độc quyền mà siêu thị nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thay đổi trong thị hiếu và phong cách sống của người dân Singapore. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khái niệm một xã hội không tiền mặt đang rất phổ biến tại Singapore và người tiêu dùng Singapore ngày nay được giáo dục tốt hơn, có sức mua cao hơn và tinh tế hơn trong những lựa chọn của mình. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy với con số phụ nữ tham gia lực lượng lao động ngày càng lớn, tác động của nó đối với giờ giấc hoạt động của các siêu thị và các loại thực phẩm tiện lợi là không thể tránh khỏi. Các siêu thị phải điều chỉnh giờ giấc hoạt động cho phù hợp với các gia đình đi làm giờ hành chính và phải nằm tại các vị trí thuận tiện để giúp cho việc mua sắm nhanh chóng và dễ dàng. Trên cơ sở của những thay đổi này, nhu cầu của người dân Singapore đã thay đổi theo hướng ủng hộ siêu thị tự phục vụ hơn là chợ truyền thống.
Theo tạp chí The Economist (1995), nhiều quốc gia châu Á như Đài Loan, Thái Lan, Singapore và Hong Kong đang chấp nhận "một cuộc cách mạng bán lẻ", trong đó "giai cấp trung lưu" có khả năng mua sắm nhiều loại hàng hóa khác ngoài những sản phẩm thiết yếu tại các siêu thị hiện đại. Báo cáo của The Survey Research Singapore (1995) cũng cho thấy, khách hàng mua sắm tại siêu thị ở Singapore thường là những người có thu nhập cao và một yếu tố tương tự có liên quan đến phát hiện này là địa vị xã hội. Những người tiêu dùng có thu nhập cao thường có ý thức về địa vị xã hội của họ, và vì thế, thích mua sắm ở siêu thị hơn.
Chúng ta có thể chứng kiến sự phát triển của siêu thị ở Đài Loan, quốc gia có hơn một nửa dân số mua sắm tại các siêu thị hiện đại trong năm 1995 so với 3% trong năm 1987. Tại Hàn Quốc, số lượng siêu thị đã tăng từ 7.325 trong năm 1984 lên đến 17.918 trong năm 1992 (Talacko - 1995). Tại Singapore, không có bất kỳ con số thống kê chắc chắn nào về số người tiêu dùng yêu thích mô hình mua sắm siêu thị. Báo cáo của Cold Storage chỉ lấy dẫn chứng một siêu thị địa phương hiện đại, với 20 chuỗi siêu thị, cho biết rằng họ đang khuếch trương hoạt động tại địa phương để đáp ứng nhu cầu siêu thị ngày càng tăng cao.
Nhu cầu siêu thị ngày càng tăng này cũng thể hiện qua báo cáo của Lum's (1997) về bức tranh siêu thị địa phương. Báo cáo cho rằng "chiếc bánh vẫn đủ lớn" để chia đều cho tất cả các nhà đầu tư siêu thị chính - một thị trường ước tính trị giá khoảng từ 1,5 tỷ đến 1,6 tỷ SGD hàng năm (Straits Times - 1997). Carefour đã lên kế hoạch xây dựng tổng cộng 5 đại siêu thị trong vòng năm năm (The Retailer - 1997). Tất cả những biểu hiện trên đã chứng minh người tiêu dùng có nhu cầu ngày càng tăng đối với siêu thị hiện đại.
Trong khi siêu thị hiện đại ngày một tăng lên theo số lượng, các nghiên cứu cho thấy rằng vẫn tồn tại nhu cầu đối với chợ truyền thống ở khu vực. Tại Singapore, các chợ truyền thống và chuỗi cửa hàng thực phẩm đang thử nghiệm một phong cách mới là "chợ truyền thống hạng sang" để thu hút những khách hàng yêu thích chợ truyền thống (Retail World - 1996).
Tại Malaysia, quốc gia có cấu trúc và mức phát triển kinh tế - xã hội giống Singapore, một nghiên cứu được tiến hành nhằm khảo sát đặc điểm nhân khẩu học và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến sự lựa chọn các cửa hàng bán lẻ để mua sắm thực phẩm. Mặc dù hệ thống siêu thị bán lẻ thực phẩm du nhập vào Malaysia vào những năm 60, các cửa hàng bán lẻ và chợ truyền thống bản địa vẫn là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng (Zain và Ismail - 1989).
Coupe (1994) cũng đưa ra một báo cáo cho biết "người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ cao tuổi, vẫn còn trung thành với việc mua sắm thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống" ở Hong Kong và Singapore. Một nghiên cứu về hành vi mua sắm thực phẩm được tiến hành vào giữa những năm 80 cho thấy, mặc dù 77% trong số 500 đối tượng nghiên cứu đến siêu thị ít nhất một lần mỗi tuần, có đến 97% người tham gia mua sắm thực phẩm tươi sống tại các chợ đường phố (truyền thống). Nguyên nhân của thực tế này là do người tiêu dùng Hong Kong cho rằng thịt cá đông lạnh và rau quả đóng gói không phải là thực phẩm tươi sống (Ho & Lau -1988).
Điều tương tự cũng xảy ra tại Singapore vào đầu thập niên 80, khi chính phủ quyết định nhập khẩu thịt đông lạnh để cung cấp cho người dân vì diện tích đất giới hạn và các vấn đề khác (như ô nhiễm) liên quan đến hoạt động chăn nuôi lợn và gia cầm (The Straits Times -1981). Một chiến dịch được tung ra nhằm giáo dục người dân hiểu lý do đưa ra quyết định nhập khẩu thịt đông lạnh trong lúc vẫn có một sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chợ truyền thống. Các nghiên cứu và báo cáo đã cho thấy một thực tế rằng chợ truyền thống vẫn còn tồn tại trong một thời gian nữa, đặc biệt đối với "thế hệ cao tuổi", bởi họ vẫn tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng chỉ có chợ truyền thống mới cung cấp thịt cá và các loại rau quả tươi sạch. Lý thuyết về đặc điểm hoàn cảnh người tiêu dùng (Wells & Prensky – 1996), đặc biệt là yếu tố nhận thức và thái độ, đóng một vai trò then chốt trong sự tác động đến hành vi tiêu dùng của "thế hệ cao tuổi" tại Singapore, trong khi khoa học đã chứng minh rằng thực phẩm đông lạnh là hoàn toàn tươi sạch, nhưng với thái độ bảo thủ đến cùng, những người này vẫn đinh ninh rằng chỉ có chợ truyền thống mới cung cấp thực phẩm tươi sạch.
Những thuộc tính từ "gói các lợi ích", mà người tiêu dùng cảm nhận, sẽ mang lại cho họ giá trị và sự thỏa mãn khách hàng cao nhất. Yếu tố về nhân khẩu học đóng vai trò quan trọng trong việc xác định sở thích của người tiêu dùng đối với siêu thị hay chợ truyền thống trong giai đoạn lịch sử phát triển của Singapore.
Trần Nguyễn