Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Cửa lùa linh động, kiểu cách, giúp tối đa hóa không gian

Từng rất phổ biến thời Victoria, cửa lùa dần đi vào dĩ vãng vào giữa những năm 1920, nhường chỗ cho loại cửa bản lề. Song, gần đây, cửa lùa đã tái xuất vì phù hợp với nhu cầu tiết kiệm không gian, hướng tới các giải pháp vị lai.



Ảnh: ECLISSE

Thiết kế ít được chú ý này dần trở nên phổ biến trong các kiến trúc nội thất hiện đại nhờ thúc đẩy sự sáng tạo và tính đa năng. Chúng có thể chia phòng hiệu quả, ít bị chỏi, giúp tiết kiệm không gian, và toát lên vẻ độc đáo, quý phái, tạo thêm nét thơ cho ngôi nhà ấm cúng.

Vì rất khó có thể tìm thấy cửa lùa ở những ngôi nhà truyền thống, nhiều người vẫn chưa biết cửa lùa hoạt động thế nào. Có thể hiểu đơn giản là những cánh cửa sẽ trượt trên đoạn ray đi vào một khoảng trống bên trong hốc tường và “biến mất” thay vì được mở bật ra theo trục bản lề như hầu hết các loại cửa ra vào hiện nay. Bởi không quét một cung tròn như cửa bản lề, cửa lùa chừa ra chỗ trống đủ lớn cho đồ nội thất hay để tiện di chuyển, đồng thời tạo cảm giác không gian thoáng đạt hơn. Giới thiết kế, kiến trúc, và các chủ sở hữu nhà riêng đánh giá cửa lùa là một lựa chọn hữu ích giúp tiết kiệm không gian - điểm cộng vô cùng lớn khi chỗ ở ngày càng thu hẹp và giá đất ngày càng đắt đỏ.



Ảnh: ECLISSE

Cách lắp đặt cửa lùa

Muốn xây cửa lùa, trước hết bạn cần có một khoảng trống âm tường cho cửa đẩy vào. Tiến trình lắp đặt cửa lùa vì thế có phần phức tạp hơn các loại cửa thường. Tuy vậy, bạn cũng có thể tham khảo một số bước đơn giản dưới đây. Cũng cần lưu ý là mỗi mẫu cửa hay nhãn hiệu sẽ có cách lắp khá khác nhau, nên tốt nhất là bạn cần thực hiện đúng hướng dẫn lắp đặt của nhà sản xuất:

1. Trước khi khoan cắt hay tháo dỡ bất cứ thứ gì, cần đảm bảo tường nhà bạn đủ khoảng trống chứa cửa. Bạn cần: kiểm tra độ dày của tường (chỉ cần gấp đôi bề dày cánh cửa là đủ); xem đó là tường chịu tải trọng của tòa nhà hay chỉ đơn giản là tường chia gian (nếu là tường chịu lực, bạn phải đặt gối đệm tạm thời lên phía trên tường trong lúc khoan tường làm cửa); xem có đường điện hay đường ống nước âm tường không (nếu có thì đó không phải là tường thích hợp làm cửa lùa).

2. Xác định chính xác vị trí lắp cửa bằng cách đo đạc và đánh dấu lên tường.

3. Khoét rỗng phần tường nguyên khối hay phần vữa tường để chừa khoảng trống cho cửa. Cần mặc đồ bảo hộ và thận trọng khi khoét tường.

4. Lắp ray trên và ray dưới khung cửa vào khoảng trống vừa khoét. Lắp trục dọc của cửa vào hai thanh ray.

5. Lắp bánh trượt vào ray, bánh trượt này sẽ gắn chặt vào mặt sau cánh cửa.

6. Trượt cửa vào hốc tường, kiểm tra xem cửa có trượt dễ dàng hay không.

7. Lắp đặt tay nắm cửa và các loại khóa, chốt khác nếu cần.

8. Sơn đè hay dán đè giấy lên phần tường xung quanh cửa lùa và đặt thêm gạch hay trát vữa bịt các chỗ hở.

Thỏa sức sáng tạo với cửa lùa

Sau khi đã biết cách lắp đặt, bạn cũng nên đọc qua các lựa chọn cửa lùa cũng như các công dụng đa dạng của chúng.

Tối đa hóa không gian

Cửa lùa nổi tiếng với khả năng tối đa hóa không gian sống cho tổ ấm của bạn. Nhiều chuyên gia còn cho rằng mỗi cửa lùa giúp bạn dư ra trung bình 1 mét vuông diện tích sàn so với cửa bản lề thông thường. Không chỉ vậy, cửa lùa còn tận dụng tối ưu phần tường và cho ta cảm giác gọn gàng, ngăn nắp. Vậy nên cửa lùa không chỉ phù hợp cho những không gian nhỏ như tủ quần áo, phòng ngủ, phòng tắm - những nơi “tấc đất tấc vàng” - mà còn cho những căn phòng rộng rãi bởi chúng tạo cảm giác thoáng đạt. Nói cách khác, cửa lùa hoàn toàn có thể thay thế bất kỳ loại cửa bản lề chiếm dụng không gian nào.



Ảnh:Marea/Altopiano/Linvisibile

Chia gian phòng

Lối sống linh động hiện nay khiến ta càng chú ý hơn đến môi trường sinh hoạt đa chức năng, dễ đáp ứng các nhu cầu liên tục thay đổi của con người hiện đại. Xét về phương diện này, cửa lùa có thể liên kết hay phân chia các gian nhà một cách linh động, thông suốt, vừa cho cảm giác phân chia rõ rệt mà lại giúp ta di chuyển giữa các gian phòng dễ dàng hơn.

Tăng tính riêng tư

Nội thất hiện đại trọng dụng sự thông thoáng, không gian mở, song những đặc tính này lại thường phạm đến đời tư. Vấn đề càng hệ trọng khi trong thời đại dịch, ngày càng có nhiều người học tập, làm việc tại nhà. Không chỉ liên kết các không gian khi được mở, cửa lùa còn có thể là rào chắn vững vàng giúp giảm tiếng ồn, tạo bầu không khí tĩnh lặng khi đóng chặt. Đây chính là giải pháp chia gian hoàn hảo, giúp bạn có được phòng ngủ yên tĩnh trong một căn hộ studio nhỏ hẹp chẳng hạn. Khi không còn sử dụng, ta có thể đóng chặt cửa dẫn đến gian phòng, tạo thêm một lớp ngăn riêng tư tiện lợi.



Cửa kéo âm tường - Ảnh: ADL

Tôn tạo thiết kế

Nói đến cửa lùa không thể không nhắc đến khả năng sáng tạo vô biên. Không chỉ có nhiều mẫu mã thiết kế, cửa lùa còn có nhiều dạng chất liệu - gỗ, kính, kim loại, hay hỗn hợp - và có thể phối với nhiều loại tay nắm, tay đẩy. Nhà thiết kế vì vậy có thể chọn màu tương phản cho cửa lùa, làm nó nổi bật so với căn phòng, hoặc chọn màu tương hợp, khiến cửa hòa làm một với nền tường, đúng phong cách tối giản. Cũng có thể sử dụng các cửa lùa với nhiều kiểu dạng khác nhau để gây được những hiệu ứng khác nhau. Bạn có thể chọn cửa quá khổ, cửa dẹp, hoặc cửa uốn lượn. Bạn có thể chọn cửa lùa một cánh hay cửa lùa hai cánh nếu ngăn chia giữa hai gian phòng rộng.

Thuận tiện di chuyển

Cửa lùa là lựa chọn tuyệt vời nếu nhà bạn có người phải ngồi xe lăn hay gặp khó khăn khi di chuyển. Thay vì phải nhoài người ra phía trước để vịn tay nắm, họ giờ đây chỉ cần đẩy nhẹ cửa sang bên và ra vào các phòng một cách tự do. Tất nhiên, ta cũng cần phải tính đến thiết kế của cửa và nhu cầu di chuyển của người trong nhà. Song, hai nhân tố sau vẫn đáng quan tâm nhất: khoảng mở của cửa đủ rộng cho xe lăn đi qua và tay vịn đủ thấp giúp người ngồi xe có thể với tới. Cách mở cửa cũng cần thuận tiện nhất; ngoài những loại cửa dùng tay đẩy, ta có thể thiết kế cửa mở tự động nhờ cảm biến hay công tắc.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán