Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Lạc Sơn Đại Phật

Tượng Phật khổng lồ ở núi Lạc Sơn là một trong những điểm du lịch tuyệt vời nhất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Lạc Sơn Đại Phật nằm ở ngọn Thê Loan mé Đông núi Nga My thành phố Lạc Sơn. Mặt tượng quay về hướng hội tụ của ba dòng sông Mân, Thanh Y và Đại Đô.



Toàn cảnh Lạc Sơn Đại Phật

Tượng Phật được chạm khắc vào vách đá núi Nga My và được mô tả như sau: “Ngọn núi lộ ra tượng Phật, tượng Phật cũng mất dần vào núi”. Tượng được tạc theo hình Phật Di Lặc, một đệ tử của Đức Thích Mậu Ni, người sáng lập ra Phật giáo. Tượng chiếm toàn bộ sườn đồi. Đầu chạm vách đá, hai tay đặt trên đầu gối, khuôn mặt hiện rõ nét thanh thản và mắt hướng về thành phố Lạc Sơn.



Bàn chân Đức Phật đủ lớn cho hơn 100 người ngồi

Đức Phật cao 71m; vai rộng 28m; đầu dài 14,7m, rộng 10m; tai rủ dài 6,2m; mắt rộng 3,3m. Mỗi bàn chân trần dài 11m, rộng 8,5m, đủ lớn cho hơn 100 người ngồi.

Bức tượng khổng lồ đầy cảm hứng thu hút nhiều Phật tử mộ đạo đến đây quỳ gối cầu phước lành. Lạc Sơn Đại Phật được xem là tác phẩm điêu khắc bằng đá lớn nhất và cao nhất thế giới. Năm 1996, tượng được bổ sung vào danh sách di sản thiên nhiên văn hóa thế giới. Tuy nhiên, tượng cần được trùng tu lại do có nhiều phần bị hư hỏng.

Theo các tài liệu, bức tượng khổng lồ bắt đầu được tạc vào năm 713, triều đại nhà Đường và phải mất 90 năm để hoàn thành. Tượng Phật trải qua hàng trăm năm bị xói mòn bởi nước và độ ẩm không khí. Nước đọng lại trên vùng bụng của bức tượng làm suy yếu cấu trúc, kết quả là lá cây và nấm mọc trên thân tượng. Mưa axit đã làm mũi tượng Phật lấm tấm đốm đen và khóe mắt trông ngân ngấn nước.



Đầu tượng Phật hư hại ít nhiều theo thời gian

Dù có nhiều phần nhỏ bị hư hại nhưng đáng ngạc nhiên là bức tượng vẫn còn nguyên vẹn, nhờ vào hệ thống thoát nước ngầm cổ. Một số đoạn thoát nước ẩn trong các búi tóc, cổ, và các rãnh phía sau tai, ngực. Những lỗ hổng này giúp tượng Phật tránh được sự xói mòn nghiêm trọng. Đến nay bức tượng đã hơn 1.200 năm tuổi.

Nếu muốn nhìn thật gần bức tượng, du khách có thể đi theo con đường lót ván ngoạn mục dọc theo vách đá. Bên phải Đức Phật là mội lối đi dốc đứng 250 bậc, gồm 9 vòng zic zac. Đây chính là con đường cửu khúc nổi tiếng. Khi đi xuống, du khách sẽ cảm thấy chóng mặt như thể đang ở trên một vực thẳm nguy hiểm.



Lối đi hình zic zac

Trên đỉnh vách đá, ngang với đầu của tượng Phật là một hành lang mà du khách có thể thư giãn và ngắm nhìn kỹ lưỡng những chi tiết trên đầu Đức Phật. Dọc theo những lối mòn trên vách đá có hai pho tượng đáng chú ý, được chạm khắc vào đời nhà Đường. Du khách có thể thấy hàng loạt các tác phẩm điêu khắc đá trông như những gian nhà và những ngôi chùa cổ tích được tạc tinh tế tỉ mỉ, thể hiện kỹ năng xây dựng và kỹ thuật điêu khắc đời Đường.



Hành lang để du khách ngắm nhìn Đức Phật

Ngoài ra, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh Đức Phật bằng phà và không thể không thán phục kỹ thuật tuyệt vời của các nhà điêu khắc cổ đại.



Chiêm ngưỡng toàn cảnh Lạc Sơn Đại Phật bằng phà

Minh Nhật
Theo Chinadiscover
Ảnh: Internet

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán