Trang chủ»Văn học - Nghệ thuật»Mỹ thuật (kiến trúc)

Mỹ thuật (kiến trúc)

Những vật dụng thường ngày trong tranh Van Gogh

Cuốn sách mới của Alexandra Van Dongen, quản lý phụ trách bảo tàng mỹ thuật, hé lộ nhiều điều thú vị về những bức tranh nổi tiếng nhất của Van Gogh. Những nội dung mới mẻ này cũng sẽ được thể hiện trong cuộc triển lãm ở Van Gogh House tại Zundert, một ngôi làng phía Nam Hà Lan, cũng là nơi ‘chôn rau cắt rốn’ của hoạ sĩ.

Van Dongen khuyến khích chúng ta chú ý đến những chi tiết nhỏ nhặt trong tranh Van Gogh và tin rằng “một khi nghiền ngẫm về những vật dụng được ông khắc họa, ta sẽ hiểu hơn về tranh Van Gogh”.

Van Dongen, chịu trách nhiệm các triển lãm lịch sử tại Boijmans Van Beuningen - một viện bảo tàng tại Rotterdam, hiểu rất rõ về các bức tranh và các hiện vật trong tranh: “Vincent chú ý đến từng đặc tính của các vật thể đời thường mà ông đưa vào tranh, lột tả nó chân thực hết sức có thể.”
Dưới đây là 5 ví dụ tiêu biểu.

“Still-life with Potatoes”



Bức “Still-life with Potatoes” (1886-1987) của Van Gogh và chiếc nồi sành “Parisienne” ngoài đời thật (tranh: Bảo tàng Boijmans Van Beuningen ở Rotterdam và bộ sưu tập tư nhân; hiện vật: Guy Mombel)

Xác định được loại sành được vẽ trong tranh giúp ấn định thời điểm bức tranh hoàn thành. “Still-life with Potatoes” (tạm dịch: “Tranh tĩnh vật với khoai tây”) từng được cho là hoàn thành vào tháng 9/1885 tại Nuenen, ngôi làng phía Nam Hà Lan nơi bố mẹ Van Gogh sinh sống. Nhưng Van Dongen phát hiện nồi sành trong tranh là kiểu “Parisienne” nổi tiếng vùng Vallauris ở phía Đông Nam nước Pháp.

Bà cho rằng nhiều khả năng bức tranh này được vẽ sau khi Van Gogh đặt chân đến Paris vào tháng 2/1886. Giả thuyết này được khẳng định khi có nghiên cứu xác định bức tranh từng thuộc sở hữu của công ty Tasset et L’Hôte ở Paris. Rất có thể chiếc nồi sành trong tranh là một vật dụng trong bếp của Theo - em trai Vincent, bởi nồi Vallauris có mặt trong rất nhiều ngôi nhà tại Paris.

“Still-life with Coffee Pot”

Van Gogh thuê “căn nhà vàng” tại Arles vào tháng 5/1888. Phấn khích lần đầu tiên thuê được nhà, Vincent có viết cho Theo rằng: “Anh giờ đã có thể pha cà phê hay nấu nước dùng rồi, trong nhà còn có chiếc bàn với hai cái ghế nữa.”



Bức “Still-life with Coffee Pot” (tháng 5/1888) của Van Gogh và chiếc cốc ca-rô (tranh: Bộ sưu tập Goulandris ở Athens; hiện vật: Jos van der Kleij-Penders)

Trong số những vật dụng Vincent đã mua có “một chiếc cốc đựng sữa sọc ca-rô xanh dương và trắng”. Van Dongen xác định đây là chiếc cốc sành sản xuất vào cuối thế kỷ 19 tại nhà máy Sarreguemines tọa lạc ở Pháp, giáp biên với Đức.

Van Gogh rất thích những cặp màu bổ sung như xanh dương và cam, và thường tự nhận xét tranh của ông là “các sắc độ khác nhau của màu xanh dương được thổi hồn vào nhờ đứng cạnh các sắc độ vàng-cam khác nhau”. Đây có lẽ là lý do ông ta chọn mua chiếc cốc trên. Bao quanh chiếc cốc là nền màu cam nhạt và bên ngoài là khung màu trắng.

“Still Life”



Bức “Still Life” (tháng 5/1888) của Van Gogh và chiếc bình xuất xứ từ Stoke-on-Trent (tranh: Quỹ Barnes ở Philadelphia; hiện vật: Bộ sưu tập tư nhân)

Chiếc bình xanh đậm ở ngoài rìa bên phải bức “Still Life with Coffee Pot” (tạm dịch: “Tranh tĩnh vật với cốc cà phê”) biến thành bình cắm hoa ở trung tâm bức “Still Life” (tạm dịch: “Tĩnh vật”), được hoàn thành cùng tuần với bức trước. Chuyên gia đồ gốm Dimitrios Bastas xác định chiếc bình được làm từ sành majolica ở Anh, cụ thể thì nơi làm ra nó là hãng đồ gốm Thomas Forester vùng Stoke-on-Trent. Loại đồ gốm này được xuất khẩu sang Pháp và rất có thể được Van Gogh mua ở Arles (hoặc ở Paris và được ông mang đến Arles).

Van Gogh có lẽ biết nguồn gốc chiếc bình bởi ông gọi nó là “bình majolica với hoạ tiết màu đỏ, xanh lá, và nâu”. Một lần nữa, Van Gogh vẽ chiếc bình xanh trên một nền màu bổ sung - màu cam nhạt. Trên thân bình là hoạ tiết hình cò, anh đào, và trúc được in nổi - những hình ảnh mang đậm dấu ấn Nhật Bản khiến Van Gogh thích thú. Song, cố họa sĩ vẫn nhận ra chiếc bình được làm từ sành majolica ở Châu Âu chứ không xuất xứ từ Nhật Bản.

Chân dung Joseph Roulin và La Mousmé



Bức “La Mousmé” (tháng 8/1888) của Van Gogh và chiếc ghế liễu ngoài đời thật (tranh: Phòng Trưng bày Nghệ thuật Quốc gia ở Washington, D.C.; hiện vật: Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam)

Vào tháng 8/1888, Van Gogh vẽ hai bức tranh có cùng hình ảnh chiếc ghế liễu - một bức chân dung của Joseph Roulin, bức còn lại là chân dung của cô bé 12 tuổi được ông gọi là “La Mousmé”, phỏng theo từ tiếng Nhật mang nghĩa “cô gái trẻ”.



Bức “Portrait of Joseph Roulin” (tháng 8/1888) của Van Gogh và bản thảo (tranh: Bảo tàng Nghệ thuật ở Boston; hiện vật: Bộ sưu tập tư nhân)

Đối với Roulin, Van Gogh than phiền rằng: “Ông ta quá cứng người khi tạo dáng, vì vậy mà tôi phải vẽ ông tới hai lần, lần thứ hai chỉ trong một buổi duy nhất.” Bức tranh đầu mô phỏng cảnh người đưa thư ngồi trên ghế liễu; còn bức thứ hai chỉ là một dạng ký họa. Có thể cho rằng chiếc ghế hình xoắn nhìn vậy nhưng chưa chắc đã thoải mái (hoặc Van Gogh buộc Roulin giữ nguyên tư thế quá lâu).

Trước khi vào viện tâm thần, Van Gogh bỏ lại nội thất ở nhà hàng xóm - vợ chồng Marie và Joseph Ginoux. Một năm sau, vừa mới rời viện, ông nói cặp vợ chồng chỉ cần trả lại cho ông giường nệm và chiếc gương, còn lại cứ giữ nếu thích, kể cả cái ghế. Tuy trong tranh đường cong tay ghế nhìn có vẻ bị cường điệu quá mức, ảnh chụp chiếc ghế ngoài đời thật cho thấy Van Gogh đã vẽ khá thực tế.

Chiếc ghế liễu sau đó được truyền lại cho cháu gái Marie Ginoux - Marie Jonquet - và sau đó được Marc Tralbaut - một chuyên gia Van Gogh người Bỉ - mua lại vào năm 1960. Chín năm sau, chiếc ghế được trao cho Bảo tàng Van Gogh sắp thành lập; song, do cấu trúc quá yếu, nó được giữ nguyên trong kho. Hiện vật này không thể trưng bày trong cuộc triển lãm Zundert, vì vậy mà Van Gogh House phải nhờ nghệ nhân đồ thất Rien Stuijts tại Zundert làm một bản sao mang đến buổi triển lãm.

Hoa hướng dương



Bức “Sunflowers” (tháng 8/1888) của Van Gogh và chiếc bình xuất xứ ở miền Nam nước Pháp (tranh: Bảo tàng Tranh Quốc gia ở London; hiện vật: Martin Bailey ở London)

Bức “Sunflowers” (tạm dịch: “Hoa hướng dương”) nức tiếng, hoàn thành tháng 8/1888 có vẽ một “chiếc bình sành màu vàng”. Tuy từng rất phổ biến, loại bình được Van Gogh sử dụng (tức loại không có quai) giờ lại hiếm có khó tìm. Những chiếc bình như thế được làm tại phía Nam nước Pháp, thường dùng để đựng thức ăn và được người dân nơi đó gọi là pots à confit (tức “bình dự trữ”). Chiếc bình sành làm bằng bàn xoay được tráng men cả trong lẫn ngoài. Nửa trên thân bình phía ngoài được tráng một lớp men chì, làm thành màu vàng óng.

Khác với các hoạ sĩ thế kỷ 19 thường chọn những chiếc bình sặc sỡ để vẽ tranh hoa tĩnh vật, Van Gogh tìm đến những chiếc bình có màu sắc khiêm nhường hơn. Khi tận tay cầm chiếc bình trên, ta dễ thấy bình khó có thể cắm cả đóa hướng dương. Ngay cả khi được đổ đầy nước, chiếc bình khó thể cắm nhiều hơn vài ba bông hoa, chứ đừng nói đến 15 bông như được mô tả trong “Sunflowers”. Miệng bình rộng, càng làm cho các bông hoa khó đứng thẳng hơn.

Nhiều khả năng là Van Gogh kết hợp chiếc bình và đóa hoa trong tâm trí, rồi từ đó mới vẽ nên bức tranh. Ông có lẽ cắm đoá hoa vào một chiếc bình khác, chắc chắn hơn rồi đặt chiếc bình đó gần chiếc bình sành vàng xong mới ngồi xuống vẽ.

Vậy là chỉ cần xem xét, nghiền ngẫm một số đồ vật trong tranh Van Gogh, ta có thể nhận ra được nhiều điều thú vị. Cuốn sách chuẩn bị xuất bản của Van Dongen và cuộc triển lãm tại Zundert sẽ giúp bạn chú ý hơn đến những chi tiết đầy tinh tế này.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán