Những tòa nhà bằng gỗ đã đạt đến một tầm cao mới trong vài năm gần đây, bằng chứng là những tòa nhà chọc trời được xây dựng bằng vật liệu gỗ cao vút đã được hoàn thành hoặc đang được triển khai xây dựng ở các quốc gia như Na Uy, Thụy Sĩ và Úc. Trong khi đó, Singapore đã sở hữu tòa nhà gỗ lớn nhất Châu Á với khuôn viên trường đại học rộng 468.000 foot vuông (mở cửa vào tháng 5).
Mẫu bản vẽ mô phỏng “Thành phố gỗ” - Ảnh: edition.cnn.com/
Và giờ đây, Atrium Ljungberg, nhà phát triển bất động sản đã công bố kế hoạch xây dựng “thành phố gỗ” lớn nhất thế giới tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển từ năm 2025.
Theo thông cáo báo chí, Stockholm Wood City sẽ có 7.000 không gian văn phòng và 2.000 ngôi nhà ở phía Đông Nam thành phố, đồng thời dự án thành phố mới sẽ mang đến “một môi trường đô thị sôi động với sự kết hợp của nơi làm việc, nhà ở, nhà hàng và cửa hàng”. Với diện tích 250.000 mét vuông, Stockholm Wood City được mô tả là “dự án xây dựng bằng gỗ lớn nhất thế giới”.
Theo Atrium Ljungberg, công ty sở hữu khu bán lẻ trong khu công nghiệp cũ, dự án đang được xây dựng ở Sickla - khu phố có hơn 400 công ty. Nhà phát triển mô tả khu vực này là “thành phố năm phút” vì nơi làm việc, nhà ở, trung tâm giải trí và các tiện nghi đều cách nhau trong vòng 5 phút đi bộ.
Các nhà phát triển của Stockholm Wood City cho biết đây sẽ là dự án xây dựng bằng gỗ lớn nhất thế giới - Ảnh: Atrium Ljungberg
Gỗ được coi là vật liệu bền vững và được đưa vào những dự án xây dựng mới cho những ngôi nhà dành cho gia đình, các tòa nhà dân cư hoặc văn phòng có diện tích nhỏ. Annica Ånäs, Giám đốc điều hành của Atrium Ljungberg, cho biết trong một tuyên bố, sự phát triển trong việc sử dụng đa dạng vật liệu xây dựng ở quy mô này sẽ là “một cột mốc lịch sử cho khả năng đổi mới của Thụy Điển”.
Mặc dù một số chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại về nguy cơ hỏa hoạn của các tòa nhà bằng gỗ, nhưng những người ủng hộ cho rằng gỗ kỹ thuật cháy với tốc độ tương đối chậm và có thể dự đoán được, khiến vật liệu này an toàn hơn nhiều kết cấu thép thông thường.
Gỗ cũng là một “bể chứa carbon”, nghĩa là carbon dioxide được loại bỏ khỏi không khí bởi cây cối nay được lưu trữ trong vật liệu này, thay vì quay trở lại bầu khí quyển.
Những tòa nhà bằng gỗ được chứng minh là có chất lượng không khí trong nhà tốt hơn và được xây dựng với lượng khí thải carbon thấp hơn đáng kể so với những tòa nhà được làm bằng vật liệu thông thường. Một nghiên cứu trên tạp chí Nature năm 2022, công bố rằng việc xây dựng các tòa nhà gỗ cao tầng để làm nơi ở cho 90% cư dân thành phố mới từ nay đến năm 2100 sẽ giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 106 tỷ tấn (hành tinh chúng ta hiện đang thải ra khoảng 40 tỷ tấn carbon dioxide mỗi năm).
Thụy Điển hy vọng sẽ dẫn đầu sự đổi mới trong kiến trúc gỗ với 70% diện tích đất được bao phủ bởi rừng - Ảnh: Atrium Ljungberg
Sự chuyển đổi trong việc sử dụng vật liệu gỗ ở mức độ cao sẽ đòi hỏi phải trồng rừng để lấy gỗ bền vững mà không gây ra nạn phá rừng. Tuy nhiên, Thụy Điển là một quốc gia có xu hướng đổi mới bằng gỗ khi gần 70% diện tích đất được bao phủ bởi rừng.
Theo công ty tư vấn McKinsey, bất động sản có lượng khí thải carbon khổng lồ và chiếm gần 40% lượng khí thải toàn cầu. Atrium Ljungberg cho biết họ đang hy vọng xây dựng một mô hình cho các nhà phát triển khác bằng cách trở thành “chất xúc tác cho sự đổi mới”.
“Ngành công nghiệp của chúng ta để lại dấu ấn lớn và điều quan trọng là tạo ra sự khác biệt tích cực trong thời gian ngắn hạn và dài hạn,” Ånäs nói.
Những tòa nhà đầu tiên ở Stockholm Wood City, được thiết kế bởi công ty kiến trúc White Arkitekter và Henning Larsen, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Thanh Huyền
(Lược dịch)