Một trong những công trình độc đáo nhất tại Nhật Bản - Tháp Nakagin - sẽ bị san phẳng vào tháng 4/2022, theo thông báo từ nhóm chủ sở hữu mới. Vậy là sau nhiều năm thương lượng, toà nhà từng được kỳ vọng là kiến trúc tương lai của Nhật Bản cuối cùng cũng an bài số phận.
Tháp Nakagin với kiến trúc độc đáo - Ảnh: Tsuno Yoshikazu/AFP/Getty Images
Hoàn thành năm 1972, Tháp Nakagin bao gồm 144 phòng gắn với hai lõi bê tông. Mỗi phòng là một căn hộ rộng 10 mét vuông, có một cửa sổ tròn lớn ở giữa. Nội thất được “xây sẵn”, liền một khối với các bức tường, trần và sàn nhà.
Đây là một ví dụ điển hình của xu hướng kiến trúc chuyển hoá (Metabolism) - vốn trỗi dậy từ sau Thế chiến II, ấp ủ một tầm nhìn táo bạo cho các thành phố tại Nhật Bản. Không chỉ đi theo xu hướng sản xuất đại trà và ứng dụng công nghệ trong xây dựng, trường phái này còn lấy cảm hứng từ thiên nhiên, xem kiến trúc cũng như cơ thể sống, bao gồm các bộ phận được “cài cắm” vào một “cơ thể” lớn hơn, có khả năng được thay thế tương tự các tế bào chết dần được thay thế bằng các tế bào mới.
Một căn hộ bên trong Tháp Nakagin - Ảnh: Carl Court/Getty Images
Kurokawa Kisho - một trong những kiến trúc sư trẻ tuổi nhất đi theo trường phái này - là cha đẻ của Nakagin. Ông đặt ra tầm nhìn rằng mỗi căn phòng của toà tháp sẽ được thay thế mỗi 25 năm. Đáng buồn thay, toà tháp càng ngày càng xuống cấp rồi bị bỏ hoang. Một số được chuyển thành kho hàng hay văn phòng, hay cho giới yêu thích kiến trúc thuê trong ngắn hạn.
Vào năm 2007, nhóm chủ sở hữu lúc bấy giờ biểu quyết bán tòa tháp cho bên phát triển bất động sản để họ san phẳng và xây mới. Song, bên mua tuyên bố phá sản lúc suy thoái kinh tế năm 2008 lên đỉnh điểm. Số phận của toà nhà rơi vào thế bất định trong nhiều năm liền.
Phòng tắm trong một khu căn hộ thuộc Tháp Nakagin - Ảnh: Carl Court/Getty Images
Nhóm sở hữu quyết định bán tòa nhà lần nữa vào năm 2021 và cuối cùng cũng được tổ chức bất động sản Capsule Tower Building (CTB) mua lại. Shindo Takashi, phát ngôn viên của tổ chức, cho biết những cư dân cuối cùng trong toà nhà đã dọn ra vào tháng 3/2022, nên ngày phá dỡ được ấn định là ngày 12/4.
Nhiều người đã ngỏ ý muốn bảo tồn tòa tháp này, bao gồm Kurokawa, trước khi ông qua đời năm 2007. Nhiều đơn kiến nghị và chiến dịch được phát động, kêu gọi tòa nhà nên được xem là một trong các di sản kiến trúc của Nhật Bản. (Tuy trường phái chuyển hóa tạo được tiếng vang lớn, rất ít bản vẽ được triển khai xây dựng và Tháp Nakagin là một trong những ví dụ ít ỏi vẫn còn trụ đến thời điểm này.)
Dự án Bảo tồn và Cải tạo Tháp Nakagin không những yêu cầu các cơ quan chức năng can thiệp mà còn dự định nộp đơn xin UNESCO bảo vệ công trình này. Song, cả hai kiến nghị trên đều bất thành, theo Maeda Tatsuyuki, một trong những thành viên của dự án, người từng mua 15 căn hộ từ năm 2010 cho đến đợt bán cuối cùng năm 2021. Ông cho biết: “Hiện pháp luật Nhật Bản chưa có các quy định bảo tồn những di sản kiến trúc như thế này. Thật tiếc là một trong những công trình đặc trưng của nền kiến trúc Nhật Bản thời hiện đại sẽ ra đi mãi mãi.”
Maeda cho biết nỗ lực huy động 2-3 tỷ yên nhằm sửa sang lại phòng ốc và loại bỏ amiăng bị đình trệ vì đại dịch Covid-19. Kể từ đó, dự án chuyển sang huy động vốn để cải tạo lại một số căn phòng cụ thể, hy vọng rằng chúng có thể được “tháo dỡ” và được dự án mua lại.
Maeda phát biểu: “Chúng tôi quyết bảo vệ các căn phòng này đến cùng, ngay cả khi phần còn lại của tòa tháp bị phá sập. Nhiều căn phòng vẫn chưa quá xuống cấp nên sẽ được cải tạo. Quả thật tòa nhà này có nét quyến rũ kỳ lạ, thu hút bất kỳ ai. Những người trước kia chọn đó làm nơi ở của mình đều có óc sáng tạo riêng biệt, tạo thành một cộng đồng thú vị. Tôi khá buồn khi cộng đồng đó tan rã, song vẫn ấp ủ hy vọng rằng nó có thể chuyển sang tồn tại ở một dạng khác.”
Nhiều người mong muốn bảo tồn di sản hy vọng các căn phòng rộng 10 mét vuông có thể được mua lại và biến thành một bảo tàng - Ảnh: Carl Court/Getty Images
Hãng kiến trúc của Kurokawa, vẫn hoạt động sau khi người sáng lập qua đời, thông báo rằng hãng dự định sẽ lưu giữ kiến trúc này trên “không gian kỹ thuật số”.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)