Tháp Tái tạo (Regenerative High-Rise - RHR) là ý tưởng của công ty kiến trúc Haptic và hãng kỹ thuật Ramboll. Kiến trúc lắp ghép làm từ gỗ này dự kiến sẽ thay đổi bộ mặt nhiều địa điểm trên thế giới.
Tháp Tái tạo (RHR) là ý tưởng cho mô hình nhà cao tầng lắp ghép kiểu mới - Ảnh: Forbes Massie
Được phát triển bởi Raboll và Haptic Green - ban nghiên cứu của Haptic, ý tưởng thiết kế như trên đặt mục tiêu đảm bảo các tòa nhà cao tầng đủ linh động để phục vụ nhiều mục đích khác nhau mà không cần phải kéo đổ để xây mới. Thiết kế dự kiến được ứng dụng cho các khu vực phức tạp tại trung tâm thành phố, vốn thường không được để ý đến.
Kiến trúc “linh động trước biến đổi”
Các công trình RHR có thể dùng làm nhà ở, văn phòng, phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hoặc thậm chí các xưởng sản xuất; nhìn chung, thiết kế này có thể sử dụng với bất kỳ mục đích nào và hoàn toàn có thể thay đổi để phù hợp mục đích sử dụng mới. Nhóm phát triển cho biết: “Dự án này nhằm tạo ra kiến trúc cao tầng phù hợp định hướng phát triển bền vững, dễ thích nghi, có thể triển khai tại mọi thành phố trên thế giới”.
Ảnh: www.dezeen.com
Sáng kiến này chỉ là một trong những dự án hợp tác giữa Haptic và Ramboll nhằm xây những tòa nhà hữu dụng và linh động hơn là những kỳ quan cao chót vót. Ý tưởng cũng hướng đến vấn đề dấu chân carbon do những dự án nhà cao tầng để lại. Nhóm phát triển mong muốn “tạo ra một kiểu kiến trúc cao tầng thành thị kiểu mới” trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết.
Tomas Stokke, giám đốc Haptic, giải thích: “Chúng ta cần những công trình linh động trước biến đổi hơn. Đã quá nhiều tòa nhà xây chưa được bao lâu đã bị san phẳng bởi không thể đáp ứng mục đích sử dụng mới.”
Cấu trúc gỗ ép chéo
Thiết kế RHR chủ yếu là cấu trúc gỗ hỗn hợp gồm các sàn cố định. Ván gỗ ép chéo sẽ lát những tầng sàn này. Trong khi đó hỗn hợp thép và gỗ dán nhiều lớp sẽ đóng vai trò cột chịu lực, còn lõi tòa nhà làm bằng bê tông cốt thép.
Mỗi sàn chính có thể chịu được tải trọng của 2-3 tầng phụ và những tầng này có thể “lắp vào” hoặc “dỡ ra” tuỳ mục đích sử dụng. Quy trình tháo lắp toà nhà sẽ được đơn vị bảo trì trên cùng tòa nhà thực hiện. Vị trí trên cùng cũng là nơi những tầng phụ có thể được câu lên và thay mới.
Phối cảnh mặt tiền tòa nhà RHR - Ảnh: Forbes Massie
Mục đích làm khung nhà bằng gỗ hỗn hợp là nhằm mang lại vẻ ngoài ấm cúng hơn so với những kiến trúc bằng bê tông hay lắp kính, tức đa số các tòa nhà cao tầng hiện nay.
Gỗ cũng ít để lại dấu chân carbon hơn hai vật liệu kia, nên được Ramboll xem là “một trong những vật liệu xây dựng tốt nhất”.
Shonn Mills, giám đốc toàn cầu ban xây dựng nhà cao tầng của Ramboll, giải thích: “Gỗ là loại vật liệu ít để lại dấu chân carbon, có tính thẩm mỹ cao, và cũng cách nhiệt rất tốt, mà lại vô cùng hiệu quả khi kết hợp với các vật liệu khác. Khác với những nhà thiết kế khắt khe về chuyện dùng gỗ thật, các dự án RHR muốn kết hợp giữa gỗ, sắt, và bê tông nhằm tận dụng được ưu điểm của cả ba loại vật liệu này.”
Cắt giảm lượng khí thải carbon
Nhóm thực hiện dự án hy vọng rằng với định hướng linh động, dễ thích nghi, tòa nhà sẽ giảm được tối đa tổng lượng dấu chân carbon trong suốt khoảng thời gian nó tồn tại.
Stokke trình bày: “Linh động trước những biến đổi có thể xảy ra trong tương lai đồng nghĩa dấu chân carbon mà tòa nhà để lại trong suốt quá trình tồn tại cũng được giảm thiểu. Phần lõi và các “sàn cứng” của tòa nhà có tuổi thọ 100 năm hoặc hơn, trong khi những tầng phụ có thể được thay thế thường xuyên hơn.”
“Kiến trúc tương lai”
Nhóm của Haptic và Ramboll sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng RHR và chuẩn bị bắt tay vào viết bài nghiên cứu nhằm tổng hợp lại những gì họ đã tìm hiểu được.
Stokke cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất, thảo luận ý tưởng này với một số khách hàng tiềm năng, có ý định xây dựng thực tế. Theo chúng tôi, tính linh hoạt là đặc điểm thiết yếu của kiểu kiến trúc này cũng như các thiết kế kiến trúc tương lai.”
Các căn nhà kiểu này sẽ được xây một phần từ gỗ - Ảnh: Forbes Massie
Nói đến các dự án đi ngược lại truyền thống kiến trúc nhà cao tầng phải kể đến Schmidt Hammer Lasse, tòa nhà cao 100 mét hiện được xây dựng tại Đan Mạch, dự kiến sẽ là tòa nhà gỗ cao nhất trong lịch sử sau khi hoàn thành.
Hãng kiến trúc ADDP hiện tại cũng thiết kế hai tòa nhà cao tầng xây theo lối lắp ghép ở Singapore. Công trình này được kỳ vọng sẽ giảm được tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn sở tại.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)