Được người đời ca tụng là một đại thi hào lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Nguyễn Du đã trở thành một tượng đài văn học lớn không ai có thể thay thế.
Tượng đài cụ Nguyễn Du tại quê nhà - Ảnh: soanbai.edu.vn
Cuộc đời
Nguyễn Du (1766 - 1820) tên tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sống trong triều đại Lê mạt, Nguyễn sơ. Song thân của Nguyễn Du là cụ Nguyễn Nghiễm và bà Trần Thị Tần.
Dòng tộc của Nguyễn Du có truyền thống khoa hoạn nhiều đời, nổi bật nhất là ở thời Lê mạt. Cuộc đời của thi hào họ Nguyễn trải qua nhiều thăng trầm, thời gian giàu sang phú quý “chẳng tày gang”, ông đã phải chịu kiếp đời gian truân lưu lạc. Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chỉ mới 13 tuổi là một mất mát lớn về tinh thần đối với Nguyễn Du. Những biến chuyển dữ dội của xã hội nửa phong kiến nửa cuối thế kỷ XVIII đã làm mất đi gốc rễ quý tộc của gia đình Nguyễn Du. Ông bắt đầu cuộc sống nương tựa này đây mai đó sau khi chứng kiến hoàn cảnh ly tán của gia đình.
Cũng từ đây, Nguyễn Du bắt đầu từ bỏ phẩm chất quý tộc, bước chân vào lối sống bình dân cơ cực, từ bỏ tư tưởng lập công danh và rời xa con đường hoạn lộ. Tuy nhiên, mong muốn sống cuộc sống ẩn dật, nhàn hạ của Nguyễn Du khép lại sau khi ông đỗ kỳ thi Hương vào năm 1783. Nguyễn Du lấy vợ là con gái của Đoàn Nguyễn Thục, đồng thời được tập ấm chức Chánh thủ hiệu từ người cha nuôi họ Hà. Từ đây, con đường hoạn lộ của Nguyễn Du vô cùng hanh thông khi liên tiếp giữ các chức quan: tri huyện, tri phủ, Đông các đại học sĩ (ngũ phẩm), tước Du Đức hầu, Cai bạ (tứ phẩm), Cần chánh điện học sĩ (chính tam phẩm), Hữa tham tri bộ Lễ (tòng nhị phẩm).
Tác phẩm
Có thể nói thiên tài Nguyễn Du được tạo nên từ nhiều yếu tố từ gia đình, hoàn cảnh sống và cả chính bản thân ông. Gia đình với cội rễ quý tộc với truyền thống làm quan và sáng tác văn chương phần nào đã nuôi lớn hồn thơ trong ông. Với trái tim nhân hậu, khi chứng kiến hoàn cảnh loạn lạc của xã hội giữa các cuộc chiến tranh của các tập đoàn phong kiến, ông dành cho nhân dân sự đồng cảm và thương xót sâu sắc gửi vào những tác phẩm văn học, vừa để phản ánh thực trạng, vừa thể hiện tấm lòng bao la của Nguyễn Du. Quan trọng hơn hết, chính trái tim giàu cảm xúc và tài năng thiên bẩm đã tạo nên một thi hào lớn của dân tộc vang danh sử sách nước nhà và thế giới.
Có thể chia những tác phẩm của Nguyễn Du làm 2 nhóm là nhóm tác phẩm viết bằng chữ Nôm và nhóm tác phẩm viết bằng chữ Hán.
Ở nhóm tác phẩm viết bằng chữ Nôm không thể không kể đến Truyện Kiều với 3.254 câu thơ lục bát truyền thống được vang danh khắp thế giới khi được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác nhau. Bên cạnh đó còn là những bài thơ viết về thân phận con người đương thời, đặc biệt là kiếp đời gian truân của phụ nữ như: Độc Tiểu Thanh ký, Văn chiêu hồn, Thác lời trai phường nón.
Ở nhóm tác phẩm sáng tác bằng chữ Hán, Nguyễn Du có cho mình 249 bài nằm trọn trong 3 tập thơ lớn là Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam Trung tạp ngâm (40 bài), Bắc Hành tạp lục (131 bài).
Minh Thanh
(Tổng hợp)