Emma Willard, tên thật là Emma Hart (1787-1870), là nhà giáo dục có công lớn trong việc mở rộng cánh cửa học đường cho nhiều phụ nữ Mỹ. Không chỉ dạy học, bà còn thành lập trường cao học dành riêng cho sinh viên nữ tại Troy, New York, mang tên Troy Female Seminary. Bà cũng đi khắp nước Mỹ và nhiều nơi khác nhằm cất lên tiếng nói đòi quyền bình đẳng trong học tập cho phụ nữ. Bà là người tiên phong đưa các môn toán, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội vào chương trình giảng dạy dành cho nữ sinh.
Chân dung Emma Willard - Ảnh: Emma Willard School, Troy, New York
Những năm tháng đầu đời
Emma Hart sinh ngày 23 tháng 2 năm 1787 tại vùng nông thôn ở Berlin, Bang Connecticut, Mỹ, và là con gái áp út của một gia đình nông dân. Bố của Emma lúc nào cũng khuyến khích con cái mình phải tự đọc sách và tự tư duy. Vì vậy mà Emma được dịp thể hiện đức tính hiếu học của mình. Cô bé này cũng tự do tham gia trò chuyện những đề tài lúc bấy giờ được cho là độc quyền của nam giới như chính trị, triết học, thời sự thế giới, và toán học. Lên 15 tuổi, Emma mới được đi học tại ngôi trường ở địa phương. Là một người nhanh nhạy, Emma đã trở thành giáo viên ngay từ khi 17 tuổi và sau đó, vào năm 19 tuổi, cô còn làm người đứng đầu ngôi trường cô từng theo học.
Sự nghiệp
Năm 1807, Emma rời Berlin đến công tác tại Westfield, Massachusetts, trước khi đảm nhiệm chức vị hiệu trưởng tại một học viện dành cho nữ sinh ở Middlebury, Vermont. Tuy chỉ mới 20 tuổi, Emma khá thành công trong cả việc giảng dạy lẫn điều hành nhà trường.
Bà kết hôn với Tiến sĩ John Willard năm 1809 và đổi sang họ Willard từ lúc này. Như cha mình trước đây, chồng bà cũng động viên bà theo đuổi con đường học thuật. Nhờ đọc sách giáo khoa của cháu trai chồng mà Emma nhận ra được khác biệt đáng kể giữa chương trình học dành của nữ sinh và nam sinh lúc bấy giờ. Từ đó, bà sử dụng những quyển sách giáo khoa của cháu để tự mày mò môn hình học và triết học.
Emma Willard tin rằng nữ giới cũng có khả năng lĩnh hội các môn học nặng về lý thuyết như toán học, triết học, khoa học không khác gì nam giới. Vì vậy mà bà mở trường nội trú cho nữ sinh ngay tại ngôi nhà của mình ở Middlebury. Trong những năm hoạt động, ngôi trường của Emma đã minh chứng phụ nữ có thể đảm nhiệm cương vị giáo viên và các học sinh nữ có thể thấm nhuần các tác phẩm kinh điển lẫn các môn khoa học bấy giờ chỉ dành riêng cho các bạn nam cùng trang lứa. Bà muốn lan toả ý tưởng này, tạo nên tầm ảnh hưởng trên phạm vi rộng hơn.
Năm 1818, Emma đưa ra đề xuất thành lập trường dòng dành riêng cho nữ sinh tương tự như hàng loạt các cơ sở giáo dục cho nam sinh tồn tại lúc bấy giờ. Ý tưởng của bà được trình bày rõ ràng trong một đề xuất trình lên cơ quan lập pháp tại New York vào năm 1819. Trong đề xuất, bà có nói nền giáo dục dành cho nữ sinh hiện tại “chỉ mới tập trung vào chuyện chưng diện vẻ đẹp và sắc trẻ của phụ nữ” mà không để ý rằng “thẩm mỹ của nam giới, bất kể đó là gì, đều trở thành tiêu chuẩn định hình nên sắc đẹp nơi người phụ nữ”. Ngoài ra, bà còn đanh thép cho rằng tôn giáo dạy “phụ nữ cũng là những cá thể hữu tri… chứ không phải chỉ là những vệ tinh xoay quanh đàn ông”.
Đề xuất của Emma đi ngược lại dư luận lúc bấy giờ và vì vậy bà bị các nhà lập pháp cười cợt. Nhiều người còn cho rằng giáo dục các nữ sinh là đi ngược lại ý chỉ của Chúa. Nhưng cuối cùng, Dewitt Clinton, thị trưởng New York lúc bấy giờ, chấp thuận đề xuất của bà và vì vậy Troy Female Seminary - trường dành cho các sinh viên nữ bán trú lẫn nội trú - được thành lập vào tháng 9 năm 1821.
Đây là trường cao học đầu tiên tại Mỹ dành riêng cho các sinh viên nữ có tổ chức các môn toán, khoa học tự nhiên, và khoa học xã hội. Bên cạnh đó còn có các môn như lịch sử, địa lý, và triết học. Tuy biết rằng gần như toàn bộ những sinh viên nữ ra trường rồi cũng sẽ làm nội trợ, Emma vẫn dẫn dắt ngôi trường đi đến thành công vang dội, biến nó thành một hình mẫu cơ sở giáo dục toàn diện dành cho nữ sinh. Tính đến năm 1831, nhà trường đã tiếp nhận hơn 300 học viên.
Ngoài công việc giảng dạy, Emma Willard còn biên soạn nhiều quyển sách giáo khoa thuộc các lĩnh vực khác nhau. Ta có thể điểm qua một số đầu sách sau:
“History of the United States, or Republic of America” (1828)
“A Treatise on the Motive Powers which Produce the Circulation of the Blood” (1846)
“Astronography; or Astronomical Geography” (1854)
“Morals for the Young” (1857)
Tuy là nhân vật nổi danh trong lịch sử nữ quyền, Emma Willard không đi theo ủng hộ phong trào đòi quyền bình đẳng bầu cử cho nữ giới. Bà tin rằng giáo dục là vấn đề quan trọng và cấp thiết hơn. Được biết một trong những nữ sinh tốt nghiệp từ Troy Female Seminary, Elizabeth Cady Stanton, sau này trở thành nhà lãnh đạo phong trào bình quyền cho phụ nữ.
Những năm tháng cuối đời
Sau khi chồng bà - ông John Willard - qua đời, Emma đi diễn thuyết khắp Châu Âu. Năm 1831, bà xuất bản tập thơ “The Fulfilment of a Promise” với bài thơ nổi tiếng nhất “Rocked in the Cradle of the Deep”. Bà tiếp tục làm hiệu trưởng trường Troy Female Seminary cho đến năm 1838, khi con trai và con dâu bà tiếp quản chức vụ quản lý ngôi trường. Mãi cho đến lúc mất, bà vẫn nắm vai trò cố vấn cho ngôi trường, thi thoảng lại đi dạy hay tổ chức buổi diễn thuyết.
Những năm cuối đời, Emma dành thời gian đi du lịch, giảng dạy ở các cơ sở đại học, và viết lách. Bà có công thành lập các ngôi trường nữ sinh tại Athens, Hy Lạp. Bà cũng xuất bản nhiều bài báo về giáo dục và đi khắp nước Mỹ thuyết giảng, đẩy mạnh vai trò của giáo dục. Năm 1854, bà đại diện Mỹ đến dự Hội nghị Giáo dục Thế giới tại London.
Emma Willard mất ngày 15 tháng 4 năm 1870 tại Troy, New York và được chôn cất tại Nghĩa trang Oakwood. Ngôi trường gắn liền với tên tuổi của bà, Troy Female Seminary, được đổi tên thành Emma Willard School vào năm 1895 để tưởng nhớ công lao người sáng lập. Hiện nay, ngôi trường vẫn là cơ sở giáo dục nội trú và bán trú dành cho các nữ sinh từ lớp 9 đến các bậc học cao hơn. Không chỉ giữ vững chất lượng giáo dục từ lúc hình thành, ngôi trường còn là nơi giúp các bạn nữ sinh trổ tài hội hoạ và nghệ thuật trình diễn, cũng như học tập cộng đồng và tham gia hàng loạt các môn thể thao liên trường khác nhau.
Thành công của Willard cho thấy rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo phụ nữ cũng được có cơ hội học tập như nam giới. Từ Troy Female Seminary, các trường dòng khác cũng nhận ra rằng tích hợp thêm các môn học khác vào chương trình giảng dạy mặc cho những lời chỉ trích là điều nên làm. Các áng văn của Emma Willard về quyền được học tập của phụ nữ cũng được các chính trị gia nổi tiếng cùng thời, như James Monroe và Thomas Jefferson chẳng hạn, ủng hộ.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)