Trong văn hóa Đông Á và Việt Nam, sao Khuê là biểu tượng của văn chương, học thuật. Một trong những bậc bác học lỗi lạc trong lịch sử được ví là sáng như sao Khuê chính là Nguyễn Trãi, người đã được Lê Thánh Tông cho tạc bia: Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo (tấm lòng ức Trai sáng tựa sao Khuê). Thế hệ con cháu đất Việt luôn nhớ về Nguyễn Trãi như một vị anh hùng dân tộc, một thi sĩ tài ba, một nhà ngoại giao và là nhà chiến lược quân sự xuất sắc. Năm 1980, ông được UNESCO phong tặng danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới.
Nguyễn Trãi (1380 – 1442) hiệu Ức Trai, quê Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, mẹ Trần Thị Thái con Trần Nguyên Đán – một quý tộc đời Trần. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, lớn lên mang mối nợ nước thù nhà khôn xiết, khắc sâu lời cha dặn nuôi chí lớn trả thù nhà, ông tìm giúp Lê Lợi hoạch định đường lối, chính sách, chiến lược sách lược khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, góp công lớn trong việc trong chiến thắng chung của dân tộc. Sau khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Nguyễn Trãi hy vọng sẽ cùng triều đình nhà Lê thực hiện một đường lối chính trị nhân nghĩa nhằm làm cho dân giàu nước mạnh:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.Thế nhưng, ông lại rơi vào bi kịch, triều đình bị quần thần thao túng, những bề tôi trung lương như Nguyễn Trãi bị giết hoặc bị dồn vào con đường cô độc.
“Hư danh thực họa thù kham tiếu, Chúng bang cô trung tuyệt khả liên”. Nguyễn Trãi bị nghi oan, sau đó được thả ra nhưng không còn được tin dùng như trước. Thời thế ép buộc con người “ưu thời ái quốc ấy” phải về ở ẩn ở Côn Sơn. Thời gian này tuy mang nỗi buồn cô đơn, chỉ biết chia sẻ với cây cỏ thiên nhiên, ông vẫn canh cánh một nỗi niềm lo cho dân cho nước: “Bui một tấm lòng ưu ái cũ; Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”, hơn hết là ước mong có được tiếng đàn vua Thuấn để “dân giàu đủ khắp đòi phương”.
Nhân nghĩa theo quan điểm Nguyễn Trãi là một tư tưởng, tư tưởng vì dân và an dân, nhân nghĩa chính là yêu nước thương dân, là đánh giặc cứu nước cứu dân, là đấu tranh để cho dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển, và hơn nữa là xây dựng một đất nước thái bình, nhân dân có cuộc sống phồn vinh tươi đẹp, muốn như vậy phải dựa vào sức mạnh của dân đó “là cầu hiền tài”. Đó là tư tưởng cao đẹp xuyên suốt cuộc đời của ông và sức sống của nó vẫn vang mãi đến muôn đời.
Tư tưởng lớn về lý tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi càng lấp lánh hơn bởi một tâm hồn nhạy cảm giàu chất thơ, một tâm hồn yêu nước thương dân, một tâm hồn nhạy cảm lãng mạn đa tình, biết nâng niu, trân trọng, bảo vệ cái đẹp. Chất sâu lắng nhất kết tinh trong ông mà chúng ta có thể cảm nhận được đó là tấm lòng luôn hướng về con người với tất cả niềm thương yêu trân trọng nhất. Ông yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên bằng một tâm hồn thanh cao, tinh tế, một thái độ trân trọng đối với những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc: “Ao cạn vớt bèo cấy muống; Trì thanh phát cỏ ương sen” hay “Hái cúc ương lan hương bén áo; Tìm mai đạp nguyệt tuyết xâm khăn”.
Cả cuộc đời sống giản dị trong sạch “Khó khăn phải đạo cháo càng ngon”, “Cơm ăn chẳng quản dưa muối; Áo mặc nài chi gấm thêu”. Tâm hồn của Nguyễn Trãi mãi là ngôi sao sáng mà vua Lê Thánh Tông đã ca ngợi “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”.
Lấp lánh như một ngôi sao Khuê trong tâm hồn nhạy cảm thanh tao, thi vị của một nhà thơ tài hoa nhưng không kém phần thâm thúy sắc bén, đầy mưu lược của một nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba, Nguyễn Trãi đã tạc mình vào hình ảnh dân tộc, tồn tại vĩnh hằng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, trong lịch sử dân tộc.
Thiên Hà