Halloween là cách nói ngắn gọn của All Hallows’ Eve, hay Tối vọng Lễ Các Thánh. Sự kiện này được tổ chức tối 31 tháng 10, đêm trước ngày All Saints’ Day (hay All Hallows’ Day), tức Lễ Các Thánh. Ngày này đánh dấu điểm bắt đầu Tam nhật Các Thánh trong truyền thống Ki-tô giáo Tây phương, vốn kéo dài 3 ngày và kết thúc vào ngày All Souls’ Day, hay Lễ Các Đẳng Linh hồn. Ở phần lớn Châu Âu và Bắc Mỹ hiện nay, Halloween không còn là một sự kiện tôn giáo nữa.
Nguồn gốc lễ Halloween
Lễ Halloween bắt nguồn từ tục mừng năm mới Samhain của người Celt tại vùng đất ngày nay trải rộng lãnh thổ Ireland, Anh, và Pháp. Theo thông lệ, ngày đầu năm của người Celt rơi vào 1 tháng 11. Đây là thời điểm mùa hè kết thúc và mùa đông lạnh lẽo, u ám bắt đầu. Người Celt tin rằng đêm 31 tháng 10 là thời khắc cõi âm và dương thế hoà với nhau, linh hồn người chết về thăm nhà cũ và linh hồn người đã mất trong năm sẽ đi về thế giới bên kia. Sự hiện diện của những linh hồn này có thể phá hoại mùa màng, nhưng cũng giúp thầy tư tế, hay druid, dễ dàng dự đoán tương lai hơn. Vì vậy mà họ tổ chức lễ Samhain. Thầy tư tế đốt lửa thiêng, hiến tế lương thực và súc vật cho thần linh. Người Celt cũng mặc trang phục, giả làm phù thuỷ, yêu tinh, tiên, quỷ,… để tránh bị các linh hồn quấy rầy. Từ đó mà những nhân vật này gắn liền với ngày lễ. Khi kết thúc buổi lễ, mọi người lấy lửa thiêng nhóm lại lò sưởi mà trước đó họ đã dập tắt, tin rằng làm vậy thì họ sẽ được bảo vệ suốt mùa đông.
Vào năm 43 sau Công nguyên, Đế quốc La Mã đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ người Celt. Người La Mã dần tích hợp hai ngày lễ truyền thống của họ vào Samhain: lễ Feralia nhằm tưởng nhớ linh hồn người đã khuất và lễ tôn vinh Pomona, nữ thần cây trái. Bởi hình tượng của nữ thần Pomona là quả táo, tập tục bỏ táo vào thùng nước và dùng răng để lấy táo ra cũng bắt đầu du nhập vào Samhain.
Ngày 13 tháng 5 năm 609 sau Công nguyên, Giáo hoàng Bonifacio IV đặt ra ngày lễ tưởng nhớ các Thánh Tử đạo, ngày này trở thành truyền thống Ki-tô giáo Tây phương. Giáo hoàng Gregorio III sau đó dời ngày cử hành lễ từ 13 tháng 5 sang 1 tháng 11 và chế định toàn bộ các Thánh sẽ được tưởng nhớ vào ngày này. Vào năm 1000 sau Công nguyên, giáo hội đặt ra ngày Lễ Các Đẳng Linh hồn, tổ chức vào ngày 2 tháng 11 hàng năm. Hành động này được xem như một trong nhiều nỗ lực lấn át những lễ hội ngoại giáo, thay bằng các sự kiện được giáo hội chấp thuận.
Halloween đến Mỹ như thế nào?
Cải cách Kháng nghị quy định các tín hữu Tin lành không tổ chức những lễ hội tôn giáo nữa. Lớp người Anh Quốc di cư sang Mỹ, do đa phần theo đạo Tin lành, hầu như không tổ chức Halloween. Tuy nhiên, vì các thuộc địa phía nam thông thoáng hơn về giáo lý mà ngày lễ Halloween thường được tổ chức ở đây hơn là ở các thuộc địa phương bắc.
Trẻ em hoá trang xin kẹo đêm Halloween - Ảnh: britannica
Ngày Halloween dần kết hợp với các phong tục của thổ dân châu Mỹ, hình thành nên các sự kiện “tiệc vui chơi” nhằm mừng mùa màng bội thu. Các hoạt động phổ biến bao gồm kể chuyện ma, xem bói, nhảy múa, cùng các trò trêu ghẹo. Vào nửa sau thế kỷ 19, người Ireland gặp nạn đói lớn vì khoai tây gặp dịch bệnh nên di cư ồ ạt sang Mỹ, mang theo họ các phong tục lễ Halloween. Từ đây, ngày hội này được phổ biến ra toàn nước Mỹ.
Lịch sử trò “cho kẹo hay bị ghẹo”
Ảnh hưởng từ các phong tục Châu Âu, người Mỹ thường mặc đồ hoá trang vào tối Halloween đi gõ cửa từng nhà xin thức ăn hoặc tiền, từ đó hình thành tục lệ “cho kẹo hay bị ghẹo” ngày nay. Nguồn gốc của tập tục này thường được quy cho hoạt động tặng “bánh linh hồn” cho những người nghèo đói vào ngày Lễ Các Đẳng Linh hồn. Người được tặng bánh, đổi lại, phải nguyện cầu cho linh hồn những người thân đã khuất của người tặng. Giáo hội khuyến khích tục lệ này thay vì để thức ăn và rượu trước cửa nhà để bố thí các linh hồn vất vưởng, tránh cho chúng vào nhà quấy phá.
Cuối những năm 1800, Halloween dần được định hình thành ngày lễ dành cho cộng đồng hội họp vui chơi với nhau thay vì tập trung quá nhiều vào các yếu tố ma quỷ, bùa chú, hay các trò chọc phá. Đến đầu thế kỷ XX, các buổi tiệc Halloween dần trở thành cách ăn mừng ngày lễ phổ biến cho cả người lớn lẫn trẻ em. Những buổi tiệc này bao gồm nhiều trò chơi, món ăn, và đầy phục trang lễ hội.
Những hình tượng gắn liền với Halloween
Halloween luôn đi liền với bầu không khí bí ẩn, ma mị, cùng những thứ rùng rợn. Nếu lúc trước, Halloween chỉ dành cho linh hồn những người thân và bạn bè đã khuất, thì ngày nay, Halloween lại là đêm của những quái vật hung tợn như ma quỷ, phù thuỷ, ma cà rồng… Ngày này ta cũng thường tránh gặp mèo đen vì sợ chúng sẽ mang lại điềm xui xẻo. Niềm tin mê tín này xuất phát từ thời Trung Cổ, khi nhiều người nghi ngờ rằng các mụ phù thuỷ hoá thân thành mèo đen để tránh bị phát hiện. Bên cạnh mèo đen là lồng đèn bí ngô. Quả bí ngô (trước đây là củ cải) sẽ được khoét rỗng ruột; bên ngoài được khoét mắt, mũi, miệng, tạo thành một gương mặt đáng sợ; bên trong thắp nến.
Lồng đèn bí ngô - Ảnh: mentalfloss
Bên cạnh mèo đen, người ta còn sợ đi bên dưới thang dựa tường. Điều mê tín dị đoan này có lẽ bắt nguồn từ người Ai Cập cổ đại, vốn cho rằng hình tam giác (tạo từ thang, mặt đất, và tường) là một hình linh thiêng. Mà cũng rất có thể nguyên nhân đơn giản chỉ là đi dưới một cái thang đặt nghiêng không an toàn chút nào. Ngoài điều này, người ta còn kiêng cữ làm vỡ gương, bước chân lên các vết nứt trên đường, hay làm đổ muối trong ngày Halloween.
Huỳnh Trọng Nhân
(Tổng hợp và lược dịch)