Nhà vô địch bị quên lãng này đã từng làm mưa làm gió trong môn thể thao gây sốt tại Mỹ trong thời kỳ phân biệt chủng tộc vẫn còn là một vấn đề lớn.
Chân dung của “Major” Taylor - Ảnh: Hirarchivum Press/Alamy Stock Photo
Nhiều người đã nghe qua câu chuyện của những vận động viên da đen lưu danh sách sử. Jackie Robinson bứt phá trong làng bóng chày vào năm 1947. Jesse Owens, một vận động viên điền kinh, đã phá vỡ hình ảnh Aryan thượng đẳng của Adolf Hitler khi chiến thắng tại kỳ Olympic 1936 ở Berlin. Jack Johnson, một tay quyền anh cừ khôi, đã chống lại mọi định kiến về người da đen đầu thế kỷ 20. Song, ít ai từng nghe qua cái tên Marshall Taylor - một hiện tượng nổi lên trước Johnson một thập kỷ và làm mưa làm gió trong các kỳ đua xe đạp, môn thể thao đỉnh cao lúc bấy giờ.
Chiếc xe đạp đầu tiên từ một gia đình khá giả
Taylor sinh năm 1878 tại vùng ngoại ô thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana. Cha là một cựu chiến binh nghèo từng tham gia Nội Chiến. Khi Taylor lên 8, cha cậu được thuê làm huấn luyện viên cho nhà Southards. Taylor nhanh chóng kết bạn với cậu con trai tên Dan của gia đình Southards và cả hai thân thiết đến độ Taylor được gia đình này chào đón, còn được tặng cả một chiếc xe đạp mới.
Khi Taylor lên 13, nhà Southards chuyển sang Chicago sinh sống, để lại chiếc xe đạp cho cậu. Chủ hàng xe đạp trong khu vực biết được Taylor có khả năng biểu diễn với xe, bèn thuê cậu đến diễn trò trước cửa hàng nhằm thu hút khách. Vì Taylor luôn mặc quân phục mỗi khi trình diễn, biệt danh “Thiếu tá” dần được gắn liền với tên tuổi của cậu.
Khởi nghiệp ở Đông Mỹ
Taylor nhanh chóng trở thành đệ tử của Louis de Franklin Munger - một tay đua xe đạp chuyển sang ngành sản xuất. Munger hứa hẹn sẽ tìm cho tay đua trẻ chỗ ở, cũng như tập luyện cho cậu và hướng dẫn khẩu phần ăn hợp lý. Tháng 6 năm 1895, Munger lén đưa Taylor vào cuộc đua xe đạp 75 dặm (120,7 km) với phần thưởng chung cuộc lên đến 300 USD. Tay đua da đen duy nhất tiến vào vạch xuất phát trong những tiếng la ó phản đối và những lời đe doạ của các đối thủ da trắng xung quanh. Đây là một cảnh tượng sẽ còn lặp lại nhiều lần trong suốt sự nghiệp của Taylor. Song, cậu không màng đến những lời nói đó và ung dung bỏ xa các tay đua còn lại mà tiến đến vạch đích.
Sau màn chào sân ấn tượng đó, Taylor có tham gia thêm một số kỳ đua khác. Nhưng trong thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc hãy còn nặng nề, cơ hội dành cho cậu vô cùng ít ỏi. Munger bèn thuyết phục Taylor đến Worcester, Massachusetts, nơi sẽ có nhiều đất cho cậu trai trẻ dụng sức, mà ông cũng có chỗ để kinh doanh.
Tại thành phố bên bờ đông này, Taylor được đón chào nồng hậu hơn. Cậu gia nhập câu lạc bộ đua xe đạp dành cho người da đen và giành chiến thắng trong nhiều sự kiện năm 1896. Mùa hè năm đó, cậu cũng trở về quê nhà ở Indiana và tiện thể lập kỷ lục không chính thức trong hai chặng đua 1 dặm và 1/5 dặm (tương đương 1,6 km và 320 m) tại đường đua Capital City mới mở. Không may là sau khi chiến thắng, cậu đã bị cấm đến đường đua này vĩnh viễn.
Trở thành nhà vô địch da đen tầm cỡ quốc tế
Không lâu sau sinh nhật lần thứ 18, Taylor có màn biểu diễn ấn tượng trong giải chuyên nghiệp diễn ra tại Madison Square Garden ở thành phố New York, nơi cậu đánh bại nhà vô địch Eddie Bald trong trận đua nước rút 1 dặm. Chàng trai trẻ còn tham gia vào nội dung đua tích lũy, tức xem ai chạy được quãng đường dài nhất trong vòng 6 ngày liền. Tuy mệt mỏi và bị ảo giác, chàng “Thiếu tá” vẫn giành được vị trí thứ 8.
Bởi đua xe đạp là môn thể thao gây sốt tại Mỹ thời bấy giờ, không khó để Taylor trở thành một ngôi sao nhờ cả vào tài năng của cậu lẫn chuyện cậu là một vận động viên da đen thi đấu trong một môi trường vẫn còn rất phân biệt chủng tộc. Nhiều bài báo viết về Taylor có kể lại những rắc rối mà cậu thường xuyên gặp phải, nhưng cũng không quên châm chọc màu da của cậu. Có lần cậu còn bị bất tỉnh nhân sự do bị một tay đua da trắng đá khỏi xe đạp và bóp cổ. Mặc cho những lần bị đe doạ như vậy, Taylor vẫn kiên cường bám trụ đường đua và thắng hết lần này đến lần khác. Song, cậu vẫn lỡ mất cơ hội trở thành nhà vô địch quốc gia trong nội dung đạp nước rút năm 1897 và 1898 bởi cuộc thi được tổ chức ở những bang miền Nam nước Mỹ, nơi nạn phân biệt chủng tộc còn dữ dội gấp nhiều lần. Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra; cuối năm 1898, Taylor lập được nhiều kỷ lục thế giới và được báo chí tán dương hết lời.
Đỉnh cao trong sự nghiệp của Taylor là năm 1899, khi giải Vô địch Thế giới diễn ra tại Montreal, Canada. Cậu giành chiến thắng ở nội dung 1 dặm, trở thành người da đen thứ hai trong lịch sử giành được chức vô địch trong bất kỳ môn thể thao nào (trước đó George Dixon trở thành nhà vô địch quyền anh năm 1890). Về sau, Taylor có trả lời phỏng vấn rằng bài quốc ca “Star Spangled Banner” nghe được khi đó khiến ông cảm thấy “rõ chất Mỹ trong mình”, hơn cả lúc sinh sống tại Mỹ.
Người hâm mộ và những cuộc đua quốc tế
Là một người mộ đạo, Taylor từng nhiều lần từ chối các cuộc đua với giải thưởng hấp dẫn tại Châu Âu. Phải đến lúc được hứa hẹn sẽ không phải đua vào ngày Sa-bát, anh mới vượt Đại Tây Dương vào tháng 3 năm 1901. Tại đấu trường mới, Taylor tiếp tục giữ vững tên tuổi và thành tích khi đánh bại nhiều nhà vô địch từ Đức, Ý, Đan Mạch, và Pháp trong nhiều giải đua khác nhau. Tuy vẫn gây chú ý bởi màu da của mình, Taylor được nhiệt liệt đón chào tại bất cứ sự kiện nào anh tham gia, nhất là tại Pháp, nơi người hâm mộ yêu thích tính tình thân thiện và thái độ hòa nhã của anh.
Taylor tham gia nhiều cuộc đua hơn, dành nhiều năm tại các nước Châu Âu và có lần qua cả Úc trước khi quay lại quê nhà trong một thời gian ngắn. Tại Mỹ, Taylor kết hôn với Daisy Morris và cả hai có một người con gái duy nhất tên Rita Sydney - đặt theo tên thành phố tại Úc nơi cô bé được sinh ra. Bẵng đi vài năm, Taylor tái xuất tại đấu trường Châu Âu năm 1907. Đã gần 30 tuổi, “Thiếu tá” bắt đầu cuộc đua chậm chạp, nhưng sau đó đã lấy lại phong độ và đánh bại hai đương kim vô địch người Pháp vào mùa hè năm đó và tiếp tục được giới báo chí săn đuổi. Tuy vẫn tham gia đua vào hai năm tiếp theo, dần dần, vì thể lực không còn cho phép, vị “Thiếu tá” tuyên bố giải nghệ năm 1910.
Cuộc vật lộn với nghèo khó và những năm cuối đời
Mặc dù sở hữu số tài sản khổng lồ khi giã từ đường đua, Taylor mất một khoản tiền lớn sau đó do đầu tư sai hướng. Vì vậy mà suốt phần đời còn lại, ông phải liên tục vật lộn với nghèo khó.
Năm 1920, ông có cho ra mắt cuốn tự truyện “The Fastest Bicycle Rider in the World” (tạm dịch: “Tay đua xe đạp nhanh nhất thế giới”). Song lúc đó, vợ ông đã bỏ đi, còn ông buộc phải bán căn nhà của mình. Tệ hơn, cuốn sách của ông không được người Mỹ đón nhận bởi những năm tháng rực rỡ tại quê nhà của vị “Thiếu tá” nhanh nhẹn ngày nào đã trôi vào dĩ vãng. Taylor sống quãng đời còn lại trong cảnh nghèo túng, không xu dính túi tại Chicago. Ông trút hơi thở cuối cùng vào tháng 6/1932 tại Bệnh viện Hạt Cook và được chôn tại một ngôi mộ không tên ở Nghĩa trang Mount Glenwood.
Ảnh: Van Norman
May mắn thay, di sản ông để lại không bị phai mờ theo thời gian. Vào năm 1948, một nhà sản xuất xe đạp tên Frank Schwinn đã chi một số tiền lớn để huyền thoại đua xe có thể được an táng đúng nghĩa. Di cốt của Taylor giờ được đặt trong một khu vực trang trọng ở nghĩa trang. Trong những năm gần đây, nhiều người đã chú ý đến “Thiếu tá” Taylor hơn. Một câu lạc bộ đua xe đạp mang tên ông được thành lập. Một pho tượng tưởng niệm ông cũng được dựng tại “quê nhà thứ hai” của ông - Worcester. Hy vọng rằng ông sẽ còn được biết đến nhiều hơn, được vinh danh nhiều hơn, tên tuổi lan xa hơn, cũng bởi ông chính là người tiên phong cho những Johnson, Owens, Robinson,… sau này.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)