Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Ngày số Pi

Ngày số Pi được nhà vật lý Larry Shaw sáng lập năm 1988.



Các nhà khoa học tại Exploratorium thuyết trình về Ngày số Pi trong lễ kỷ niệm 30 năm hưởng ứng ngày đặc biệt này tại San Francisco hôm 14/3/2017- Ảnh: Exploratorium

Hằng năm, cứ đến ngày 14/03, các nhà khoa học và giới yêu thích toán học toàn cầu lại mừng Ngày số Pi nhằm tôn vinh hằng số quan trọng này. Ngày số Pi, viết theo kiểu Mỹ là 3/14, tương đương với 3.14 - ba chữ số đầu của con số kéo dài đến vô tận.

Giáo viên toán khắp nước Mỹ thường nhắc đến dịp đặc biệt này. Các tiệm bánh đến ngày này cũng bán bánh giảm giá (do số “pi” trong tiếng Anh đọc tương tự “pie”, tức bánh nướng).

Ngày số Pi đầu tiên được tổ chức tại Exploratorium ở San Francisco, viện bảo tàng khoa học công nghệ với nhiều hiện vật cho phép người tham quan thử nghiệm tại chỗ. “Cha đẻ” của sự kiện, Larry Shaw, là một nhà vật lý làm việc tại bảo tàng hơn 15 năm tính tới thời điểm đó.

Sara Shaw, con gái của ông, có thuật lại cha cô nghĩ ra ý tưởng liên hệ số pi với ngày 14/3 trong một ngày nghỉ nọ: “Ông luôn thích kết hợp những thứ vui nhộn, kỳ thú với toán và khoa học. Đây là dịp mọi người có thể chung vui, học hỏi thêm về hai lĩnh vực này.”

Và thế là Ngày số Pi ra đời. Trong lần đầu tổ chức, các nhân viên Exploratorium đi thành vòng tròn bên trong khuôn viên bảo tàng, bởi số pi là tỷ lệ giữa chu vi hình tròn và đường kính của nó.



Larry Shaw, người sáng lập Ngày số Pi, dẫn đầu đoàn người đi vòng tròn trước Exploratorium tại San Francisco hôm thứ Ba, ngày 14/3/2017 - Ảnh: Exploratorium

Buổi lễ được tổ chức đúng lúc 1 giờ 59 phút chiều, ba con số tiếp theo 3,14 trong dãy số pi. Sau khi vui đùa, Shaw và vợ chuẩn bị bánh nướng trái cây cho mọi người thưởng thức. Sara Shaw cho biết trong những năm đầu tổ chức, Ngày số Pi chỉ là sự kiện nhỏ, người tham gia chỉ có nhân viên bảo tàng cùng một vài khách tham quan.

Cô nói: “Buổi lễ cũng nhỏ thôi, tôi nhớ hình như chỉ có 10 người tham gia. Rồi qua từng năm, số người cứ tăng lên. Lên đại học, tôi rời nhà đến ký túc xá ở rồi quay lại thì thấy nó đã trở thành một ngày lễ lớn.”

Tuy không nhớ rõ, Sara Shaw cũng từng đóng góp cho ngày đặc biệt này. Bố mẹ cô có kể cô nghe rằng vài năm sau Ngày số Pi đầu tiên, lúc Sara vẫn còn ở tiểu học, cô bé nhận ra 14/3 cũng là sinh nhật của Albert Einstein. Vậy là đến lần tổ chức tiếp theo, cha cô làm ra “Pi Shrine” - hiện vật hình tròn đặt tại một trong những phòng học tròn ở bảo tàng. Vậy là từ đó, cuộc diễu hành đã có điểm kết thúc - “Pi Shrine”. Theo thông tin từ trang web chính thức của Exploratorium, mọi người sẽ đi vòng quanh hiện vật này 3,14 lần rồi cùng hô lên “chúc mừng sinh nhật” để tưởng nhớ Einstein.

Đến tháng 3/2009, ngày lễ được nhiều người chú ý đến nỗi Hạ viện Hoa Kỳ năm đó chính thức công nhận 14/3 là Ngày số Pi. Sara nói: “Tôi nghĩ cha tôi rất vui khi tận mắt chứng kiến một ngày lễ nhỏ được đón nhận ngày càng rộng rãi.”

Ngày số Pi trở thành truyền thống hằng năm tại Exploratorium, ngay cả khi Shaw qua đời năm 2017. Samuel Sharkland, nhà phát triển chương trình tại Exploratorium, cho biết: “Đối với Exploratorium, Ngày số Pi rất đặc biệt. Mới đầu chỉ là buổi quây quần nho nhỏ của các nhân viên, nó ngày càng thu hút sự chú ý và rồi trở thành một sự kiện toàn cầu.”



Ngày 14/3/2013, trẻ em đến Exploratorium được chỉ cách nhận biết pi là tỷ lệ giữa đường kính và hình tròn tạo nên với đường kính đó - Ảnh: Exploratorium

Ông nhận xét: “Đôi khi toán là một thứ gì đó khá đáng sợ. Nhưng với những con số đặc biệt như pi này, người ta lại thích thú muốn khám phá.”

Vậy thì tại sao số pi lại quan trọng đến vậy?

Hàng thế kỷ nay, giới khoa học biết rằng dù lớn nhỏ thế nào, hình tròn luôn giữ tỷ lệ xác định giữa chu vi và đường kính. Song trước đây người ta không rõ làm sao có thể tính được tỷ lệ đó.

Nhà toán học Hy Lạp Archimedes là người đầu tiên ước lượng gần chính xác số pi vào năm 250 TCN. Bởi được tìm thấy nhờ thuật toán của Archimedes, số pi có khi được gọi là hằng số Archimedes.

Tiếp theo đó, các nhà toán học Trung Quốc và Ấn Độ bằng nhiều phương pháp khác nhau đã tính thêm được nhiều chữ số của pi hơn. Đến nay, chúng ta vẫn còn tìm thêm được các chữ số mới của hằng số kéo dài vô tận này.

Ngoài toán học, số pi còn được dùng trong thiên văn để tính quỹ đạo của các hành tinh trong Thái Dương Hệ hay trong vật lý để xem các sóng nước chuyển tải năng lượng như thế nào.

Năm 2022, Ngày số Pi được tổ chức lần thứ 35, cũng là lần đầu tiên tổ chức trực tiếp kể từ năm 2019 do các hạn chế đại dịch. Sharkland cho biết bên cạnh các tiết mục diễu hành, ca nhạc, và thức ăn, bảo tàng còn mời nhà toán học John Sims đến tuyển lọc các bài thơ nói về Ngày số Pi cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật liên quan khác. Các tác phẩm được chọn sẽ trưng bày tại bảo tàng đến hết ngày 31/3.

Sharkland hoài niệm: “Larry Shaw đã gầy dựng được văn hóa xoay quanh số pi, giúp mọi người gắn kết với thế giới quanh mình hơn. Càng hiểu được toán học vui bao nhiêu, thông qua các lễ hội hay các lát pizza như thế này, chúng ta lại xích lại gần nhau bấy nhiêu.”

Sara Shaw cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi công sức của cha cô nhằm gắn kết sự vui tươi với toán học đã thành công mỹ mãn và Ngày số Pi ngày càng được lan rộng: “Tiếc là xã hội chúng ta cứ quan niệm toán và khoa học là những thứ gì đó khô khan, khổ ải. Cha tôi lại thấy chúng rất vui và thú vị, và ông luôn muốn lan tỏa cảm xúc đó cho mọi người xung quanh.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán