Trang chủ»Nhân vật - Sự kiện

Nhân vật - Sự kiện

Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế

Năm 2000, Liên Hợp Quốc công bố chọn ngày 21/02 hàng năm làm Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế. Theo UNESCO, đây là dịp tôn vinh ngôn ngữ, phương tiện thể hiện thế giới muôn màu muôn vẻ, đồng thời cam kết bảo vệ tất cả các ngôn ngữ với vai trò di sản của nhân loại và hướng đến giáo dục tiếng mẹ đẻ chất lượng cho tất cả mọi người.



Trẻ em 6 tuổi tại lớp dạy chữ ở vùng cao Việt Nam. Đây là lớp học đặc biệt dành cho đồng bào dân tộc thiểu số dạy song song cả tiếng Việt lẫn tiếng mẹ đẻ của học sinh - Ảnh: Lê Vũ Hoàng/UNICEF

Lịch sử thành lập

Trước đây, ngày này được gọi là Ngày Phong trào Ngôn ngữ hay Ngày Ngôn ngữ Liệt sĩ tổ chức vào 21/02 mỗi năm tại Bangladesh. Sự kiện nhằm tưởng nhớ những liệt sĩ đã quả cảm đứng lên chống lại lệnh áp đặt người dân Đông Pakistan phải nói tiếng Urdu, qua đó đưa Bangla trở thành ngôn ngữ chính thức 20 năm trước khi đất nước này đổi tên thành Bangladesh như hiện nay. Đến tháng 11/1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố lấy Ngày Phong trào Ngôn ngữ nói trên làm Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hoan nghênh sáng kiến này trong nghị quyết công bố năm 2002.

Ngày 16/5/2007, trong Nghị quyết A/RES/61/266, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước thành viên “thúc đẩy công tác bảo tồn, bảo vệ tất cả các ngôn ngữ được sử dụng tại các cộng đồng khác nhau trên thế giới”. Trong cùng nghị quyết, 2008 được chọn làm Năm Ngôn ngữ Quốc tế nhằm thắt chặt tình đoàn kết quốc tế trong tính đa dạng và sự thấu hiểu lẫn nhau thông qua lan toả tinh thần đa ngôn ngữ và đa văn hoá. Đại Hội đồng còn cử UNESCO làm đơn vị đứng đầu điều phối các sự kiện trong năm.

Người ta ngày càng hiểu rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với sự phát triển của trẻ, với việc đảm bảo đa dạng và giao thoa giữa các nền văn hoá với nhau. Ngôn ngữ củng cố hợp tác đa phương, giúp mọi người thụ hưởng nền giáo dục chất lượng. Không chỉ xây dựng các xã hội sở hữu kho tri thức khổng lồ, rộng mở với tất cả các thành viên trong cộng đồng, ngôn ngữ còn giúp bảo tồn di sản văn hoá, vận động các chính phủ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào mục tiêu phát triển bền vững.

Giáo dục đa ngữ - chìa khoá thay đổi nền giáo dục

Giáo dục đa ngữ với nền tảng tiếng mẹ đẻ giúp nhiều đối tượng được tiếp cận các hoạt động học tập hơn, nhất là các đối tượng có tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ yếu thế, ngôn ngữ của nhóm dân tộc thiểu số, hay ngôn ngữ của nhóm dân bản địa. Có đến 40% số dân trên toàn thế giới phải nghe giảng bằng ngôn ngữ họ hiểu được, nói được. Tuy vậy, tình hình hiện tại đã có nhiều tiến triển khi chúng ta hiểu rõ hơn tầm quan trọng của giáo dục đa ngữ, nhất là với các khối lớp nhỏ.

Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế thừa nhận ngôn ngữ và việc làm chủ nhiều ngôn ngữ có thể thúc đẩy một xã hội rộng mở hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững là không bỏ lại bất kỳ ai phía sau. UNESCO khuyến khích, đẩy mạnh giáo dục đa ngôn ngữ trên nền tảng tiếng mẹ đẻ, tức bắt đầu với ngôn ngữ người học quen thuộc nhất rồi chuyển sang lĩnh hội các ngôn ngữ khác. Phương pháp này giúp người học có tiếng mẹ đẻ khác với ngôn ngữ giảng dạy chính thức có thể quen dần với môi trường học tập, từ đó có thể học tốt hơn.

Năng lực đa ngôn ngữ giúp hình thành xã hội cởi mở, dung hoà, hoà hợp nhiều nền văn hoá, thế giới quan, và hệ tri thức khác nhau. Vì vậy mà chủ đề của Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế năm 2023, cũng là lần tổ chức sự kiện thứ 24, mang tên “Giáo dục đa ngữ - Chìa khoá thay đổi nền giáo dục”. Chủ đề này theo sát các khuyến nghị đặt ra trong Hội nghị Thượng đỉnh về Thay đổi Giáo dục, cũng như nhấn mạnh vào ngôn ngữ và nền giáo dục của người dân bản địa.

Giữ gìn sự đa dạng ngôn ngữ

Ngôn ngữ, cùng với những yếu tố có mối liên hệ phức tạp với nó như bản sắc, giao tiếp, hoà nhập xã hội, giáo dục và phát triển, đều là những cấu phần quan trọng đối với xã hội loài người. Song, đối mặt với tiến trình toàn cầu hoá, tất cả đều đứng trước nguy cơ biến mất. Khi một ngôn ngữ phai nhạt, kho tàng văn hoá đa dạng gắn liền với nó cũng dần mai một. Truyền thống, ký ức tập thể, lối tư duy và thể hiện độc đáo - những nguồn tài nguyên quý báu mở ra nhiều cơ hội, hướng đến tương lai tươi sáng - cũng theo đó mà biến mất.

Cứ hai tuần trôi qua, một ngôn ngữ lại “chết đi”, cuốn theo nó cả một nền văn hoá và di sản tri thức đặc sắc. Ít nhất 43% trong số hơn 6.000 ngôn ngữ còn tồn tại trên thế giới đứng trước nguy cơ bị “tuyệt chủng”. Chỉ khoảng vài trăm ngôn ngữ là được sử dụng trong các hoạt động giảng dạy hay trong các tương tác công cộng, và số ngôn ngữ sử dụng trên không gian kỹ thuật số còn ít hơn.

Các xã hội đa ngữ và đa văn hoá tồn tại được là nhờ sự đa dạng ngôn ngữ. Ngôn ngữ lan toả và bảo tồn tri thức truyền thống và văn hoá bền vững với thời gian. Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế được thành lập là để thúc đẩy sự đa dạng văn hoá và ngôn ngữ đó, cũng như khuyến khích việc tiếp thu, lĩnh hội nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Các sự kiện đáng chú ý năm 2023

Sự kiện tôn vinh Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế do UNESCO tổ chức năm 2023 đề ra những mục tiêu sau:

• Tăng cường giáo dục đa ngữ ngay từ mầm non, xem đó là chìa khoá giúp thay đổi nền giáo dục trong bối cảnh đa ngôn ngữ.

• Hỗ trợ học tập thông qua giáo dục đa ngôn ngữ và tiếp nhận nhiều ngôn ngữ khác nhau trong bối cảnh thế giới thay đổi vũ bão và chuẩn bị cho những tình huống khẩn cấp, khủng hoảng;

• Hồi phục những ngôn ngữ đang dần biến mất hay có nguy cơ “tuyệt chủng”.

Mỗi quốc gia cũng có cách tôn vinh của riêng mình. Tại Ấn Độ ngày 17/02/2023, phát ngôn viên Hiệp hội Punjab, ông Kultar Singh Sandhwan tổ chức hội nghị với các học giả và nhà hoạt động ngôn ngữ nhằm phổ biến tiếng Punjab. Trong lúc thảo luận, phía học giả và các nhà hoạt động ngôn ngữ cho rằng công tác pháp lý tại Toà án Tối cao Punjab và Haryana cũng như các toà án thuộc cấp cần phải sử dụng tiếng Punjab. Các cơ quan chính phủ lẫn tư nhân sở tại cũng được khuyến khích sử dụng Punjab làm ngôn ngữ thứ nhất trên các biển báo, bảng hiệu vào Ngày Tiếng mẹ đẻ Quốc tế.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán