Sally Ride là một phi hành gia tiên phong, một nhà vật lý tài năng, và là một nhà giáo tận tuỵ người Mỹ. Bà sinh ngày 26/5/1951 và mất ngày 23/7/2012 tại California. Không chỉ là phụ nữ Hoa Kỳ đầu tiên bay vào vũ trụ rộng lớn, bà còn hết lòng phấn đấu làm gương cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bé gái, noi theo trên con đường khám phá khoa học.
Sally Ride - Ảnh: Getty Images
Những năm đầu đời
Là chị cả trong gia đình hai chị em, Sally Ride có cha là nhà khoa học chính trị và mẹ là tư vấn viên. Tuy không ai có chuyên môn về vật lý, cha mẹ bà vẫn vun đắp niềm đam mê khoa học ở con gái từ khi còn bé, theo lời kể của bà.
Ride theo học tại trường nữ sinh cấp ba Westlake, sau đó chuyển đến một trường dự bị đại học ở Los Angeles nhờ học bổng thể thao. Tốt nghiệp chương trình phổ thông năm 1968, bà thử sức với bộ môn quần vợt từng giúp bà đạt được học bổng, song lại quay trở về con đường học thuật, nhập học tại Đại học Stanford. Ride tốt nghiệp cử nhân năm 1973, có trong tay hai tấm bằng: Ngôn ngữ Anh và Vật lý học. Bà tiếp tục học lên cao hơn và có được bằng Thạc sĩ Khoa học năm 1975 rồi bằng tiến sĩ ngành Vật lý năm 1978.
Hoàn tất việc học, Ride nộp hồ sơ gia nhập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Đánh bại hàng nghìn đối thủ khác, bà trở thành một trong 6 người phụ nữ đầu tiên được tổ chức danh giá này nhận vào vị trí phi hành gia. Đạt được bằng tiến sĩ vật lý thiên văn, Ride bắt đầu khoá huấn luyện nghiêm ngặt năm 1978 để chuẩn bị hoạt động trong môi trường ngoài không gian.
Sự nghiệp tại NASA
Hoàn thành khoá huấn luyện vào tháng 8/1979, Sally Ride được cấp bằng lái tàu vũ trụ và được đưa vào danh sách các ứng viên cho vị trí chuyên viên phi hành đoàn. Tuy vậy, công việc đầu tiên của Ride lại là nhân viên liên lạc giữa mặt đất và các phi hành gia (CAPCOM) trong phi vụ tàu con thoi thứ Hai (tháng 11/1981) và thứ Ba (tháng 3/1982) của Mỹ.
Sally Ride từng là chuyên viên trên tàu con thoi Challenger - Ảnh: NASA
Khoảnh khắc lịch sử cuối cùng cũng đến. Ngày 18/6/1983, Ride, lúc này 32 tuổi, bước chân lên tàu con thoi Challenger, trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào không gian. Trong phi vụ STS-7 này, bà đã giúp phóng thành công hai vệ tinh truyền thông của Canada và Indonesia, sử dụng cánh tay robot để đưa vệ tinh vào quỹ đạo và thu hồi vệ tinh cũ, đồng thời thực hiện nhiều thí nghiệm khác. Phi vụ kết thúc sau 6 ngày, toàn bộ phi hành đoàn trở về mặt đất an toàn.
Ngày 05/10/1984, Sally Ride tiếp tục lên tàu Challenger tham gia phi vụ khác với cô bạn thân thiết từ thuở nhỏ - Kathryn Sullivan. Đây là dấu mốc trọng đại cho cả hai khi Ride trở thành nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên bay vào không gian 2 lần còn Sullivan là nữ phi hành gia Mỹ đầu tiên đi bộ ngoài không gian. Trong phi vụ STS-41-G này, Sally Ride tiếp tục vào vị trí chuyên viên, dùng cánh tay robot để khử băng bám bên ngoài vỏ tàu và điều chỉnh ăng-ten radar. Toàn bộ phi hành đoàn đáp đất an toàn 9 ngày sau đó.
Ride tiếp tục tập luyện chuẩn bị cho phi vụ Challenger thứ 3 của mình. Không may, vào ngày 28/01/1986, con tàu nổ tung sau khi phóng. Thảm hoạ này khiến NASA phải hoãn tất cả các phi vụ tàu con thoi trong 2 năm. Sally Ride sau đó góp mặt vào uỷ ban do tổng thống Mỹ lập nên nhằm điều tra nguyên nhân Challenger phát nổ. Năm 2003, Ride một lần nữa tham gia uỷ ban điều tra tương tự sau khi tàu con thoi Columbia gặp nạn ngoài không gian.
Ngày 11/02/1986, chủ tịch uỷ ban điều tra vụ nổ tàu con thoi Challenger, William Rogers, cùng Sally Ride xem xét mặt cắt ngang đoạn tên lửa chỗ Vòng O - bộ phận được cho là đã gặp vấn đề trong lúc phóng tàu Challenger ngày 28/01 trước đó - Ảnh: Getty Images
Công tác ngoài NASA
Tuy rời NASA năm 1987, Sally Ride vẫn không từ bỏ nhiệt huyết của mình với khoa học và thiên văn. Hai năm sau, bà bắt đầu giảng dạy vật lý tại Đại học California ở San Diego, đồng thời gia nhập Trung tâm An ninh và Kiểm soát Vũ khí Quốc tế tại trường.
Tin rằng mầm non tương lai, đặc biệt là các bé gái, cần được khuyến khích tìm hiểu khoa học nhiều hơn nữa, Ride tích cực phát động nhiều chương trình và dẫn dắt nhiều tổ chức hoạt động nâng cao năng lực khoa học trong giáo dục vào những năm 1990, hỗ trợ những học sinh nữ trẻ tuổi có hứng thú với khoa học, toán học, hay công nghệ. Năm 2001, Sally Ride cùng bạn đời Tam O’Shaughnessy thành lập công ty Sally Ride Science chuyên cung cấp các chương trình, sản phẩm giúp phái nữ theo đuổi đam mê khoa học và toán học. Một trong những dự án thành công của công ty là MoonKam, cho phép học sinh có thể chụp hình Mặt Trăng từ các vệ tinh ngoài không gian.
Bên cạnh đó, Sally Ride còn là tác giả 5 quyển sách khoa học dành cho thiếu nhi “To Space and Back” (tạm dịch: “Tìm hiểu về không gian”); “Voyager”; “The Third Planet” (tạm dịch: “Hành tinh thứ ba”); “The Mystery of Mars” (tạm dịch: “Bí ẩn Sao Hoả”); và “Exploring Our Solar System” (tạm dịch: “Khám phá Hệ Mặt Trời”) và hợp tác viết nhiều đầu sách khác cũng dành cho trẻ em.
Sally Ride qua đời năm 2012 sau 17 tháng chống chọi với ung thư tuyến tuỵ.
Di sản
Sau khi qua đời không lâu, Ride được truy tặng nhiều huân chương danh giá. Năm 2013, Tổng thống Obama truy tặng Huân chương Tự do cho bà, phát biểu rằng: “Là người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào không gian, Sally Ride không chỉ là vượt lên trên tấm kính định kiến giới, bà bứt tốc phá vỡ nó. Và rồi khi quay về mặt đất, bà dành cả đời mình giúp các bé gái thành công hơn trong mảng toán, khoa học, kỹ thuật.” Ride còn được truy tặng Huân chương Thám hiểm Không gian của NASA và Giải thưởng Theodore Roosevelt của Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia (NCAA) cho những thành tựu chinh phục vũ trụ của mình.
Trong phi vụ Grail, NASA chủ động để hai tàu thăm dò trọng lực không người lái Ebb và Flow đâm sầm vào bề mặt Mặt Trăng. Điểm va chạm của hai con tàu này được đặt tên Sally Ride. Tên bà cũng được Hải quân Hoa Kỳ đặt cho một con tàu nghiên cứu.
Tam O’Shaughnessy, bạn đời của Ride, viết cuốn tiểu sử về bà dành cho trẻ em, mang tên “Sally Ride: A Photobiography of America’s Pioneering Woman in Space” (tạm dịch: “Sally Ride: Tiểu sử bằng tranh về người phụ nữ Mỹ tiên phong đi vào không gian”). Song, O’Shaughnessy ấp ủ dự định lớn hơn: “Tôi muốn viết một cuốn sách nữa cũng dành cho trẻ em nhưng bàn về những vấn đề tế nhị hơn như sự ra đi của Ride hay việc bà ấy là người đồng tính và chúng tôi là một cặp đồng tính, rồi Sally Ride là hình tượng đáng ngưỡng mộ trong lòng mọi người như thế nào. Tất nhiên tôi phải cố gắng viết sao cho phù hợp với độ tuổi nhất có thể.”
Cuối năm 2017, Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) thông báo sẽ in tấm ảnh chụp Sally Ride vào năm 1983, lúc bà thực hiện phi vụ đầu tiên, lên mẫu tem phát hành năm 2018. USPS nhận định: “Salla Ride là nguồn cảm hứng cho nước Mỹ khi trở thành một phi hành gia tiên phong, một nhà vật lý tài năng, và là một nhà giáo tận tuỵ.” Còn vào tháng 5/2021, Cơ quan Đúc tiền Hoa Kỳ công bố Sally Ride sẽ là một trong số những nữ danh nhân đầu tiên trong lịch sử Mỹ xuất hiện trên loạt đồng xu ra mắt trong tương lai gần.
Hình tượng của Sally Ride cũng được tôn vinh qua nhiều phương thức khác. Ngày 29/8/2019, Mattel cho biết sắp ra mắt dòng Barbie Inspiring Women Series Sally Ride dựa trên nguyên mẫu là hình ảnh nữ phi hành gia nổi tiếng đã chụp trong phi vụ STS-7. California, quê hương bà, dựng tượng đồng tưởng niệm vào ngày 04/7/2023. Bức tượng khắc hoạ hình ảnh Ride vươn tay nâng hình mẫu tàu con thoi Challenger như thể chuẩn bị đưa nó bay lên. Trước đó, một tượng đồng tương tự cũng được đúc và trưng bày tại New York năm 2022.
Tượng Sally Ride tại Thung lũng Simi, California, Mỹ - Ảnh: Hans Gutknecht/Getty Images
Quay trở lại công cuộc khám phá vũ trụ, chương trình Artemis được NASA phát động năm 2017 dự định không chỉ đưa con người quay lại Mặt Trăng vào năm 2025 mà còn tiến xa hơn, giúp nhân loại chinh phục những thiên thể khác. Dự kiến Jessica Meir sẽ là một trong số các phi hành gia tiên phong trong chương trình này, đồng thời là người phụ nữ da màu đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Vậy mới thấy, mặc dù bà đã đi xa, tầm ảnh hưởng và nguồn cảm hứng Sally Ride truyền lại vẫn còn lớn mạnh đến nhường nào.
Huỳnh Trọng Nhân
(Tổng hợp và Lược dịch)