Agatha Christie là văn sĩ người Anh, bà sinh ngày 15/9/1890 tại Devon và mất ngày 12/01/1976 tại Oxfordshire. Bà nổi tiếng với những tiểu thuyết trinh thám như “Murder on the Orient Express” (tựa Việt: “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông”) hay “The Mystery of the Blue Train” (tựa Việt: “Bí mật chuyến tàu xanh”). Các tác phẩm truyện và kịch của bà được bán đi hơn 100 triệu bản và được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ khác nhau.
Tiểu thuyết gia người Anh Agatha Christie - Ảnh: Bettmann/Getty Images
Thuở nhỏ và tác phẩm đầu tay
Nữ nhà văn sinh ngày 15/9/1890 tại vùng Devon - phía Tây Nam nước Anh, có tên đầy đủ là Agatha Mary Clarissa Miller. Bà là con út trong gia đình. Giống anh chị mình, bà được mẹ dạy học tại nhà và khuyến khích viết lách từ nhỏ. Khi đó, bà thích đọc các vở kịch huyền thoại kỳ ảo. Lên năm 16 tuổi, bà được học thanh nhạc và dương cầm tại Paris, Pháp.
Agatha Christie lúc trẻ - Ảnh: Historia/Shutterstock
Năm 1914, Agatha kết hôn với đại tá Archibald Christie, phi cơ Không quân Hoàng gia, rồi tham gia Thế chiến I với vai trò y tá dưỡng thương. Bà bắt đầu sáng tác truyện trinh thám vào khoảng thời gian này. Tác phẩm đầu tay của bà ra đời 6 năm sau, mang tên “The Mysterious Affair at Styles” (tựa Việt: “Vụ bí ẩn ở Styles”).
Tiểu thuyết xoay quanh cái chết của một người vừa thừa kế khối tài sản kếch xù, đồng thời giới thiệu tay thám tử người Bỉ tự mãn Hercule Poirot. Đây là nhân vật nổi tiếng nhất, xuất hiện trong khoảng 25 đầu sách sau đó của Agatha như “The Mystery of the Blue Train” (1928), “Death in the Clouds” (tạm dịch: “Án mạng giữa không trung”) (1935), hay “Curtain” (tựa Việt: “Thám tử rời sân khấu”) (1975), cũng là tiểu thuyết về vụ án cuối cùng của Poirot trước khi ông qua đời.
Sự nghiệp văn chương
Trong số hơn 70 trước tác nổi tiếng được đăng trên nhiều tạp chí tại Anh và Mỹ, tác phẩm đầu tiên giành được sự chú ý, thu hút rất nhiều độc giả đương thời lẫn sau này, là “The Murder of Roger Ackroyd” (tựa Việt: “Vụ ám sát ông Roger Ackroyd”) (1926).
Trong cùng năm, bà gặp phải nhiều biến cố đời tư. Mẹ bà qua đời rồi chồng bà tiết lộ đã dan díu với người phụ nữ khác. Trước đề xuất ly hôn từ chồng, ngày 04/12, bà bỏ lại chiếc xe giữa đường và biến mất. Nhiều nguồn tin báo cho rằng bà đã tự tử. Nhiều người tìm đến các tác phẩm của bà hy vọng nữ văn sĩ đã để lại manh mối nào đó. Song, vài ngày sau, cảnh sát lại thấy bà đang nghỉ dưỡng tại một khu khách sạn ở Yorkshire, Anh. Chẳng qua bà đăng ký phòng dưới tên của người phụ nữ mà chồng bà đang vụng trộm mà thôi.
Sau khi làm thủ tục ly hôn năm 1928, bà làm lại cuộc đời với người chồng mới là giáo sư khảo cổ Max Mallowan vào năm 1930. Cùng năm, bà cho ra mắt tác phẩm “Murder at the Vicarage” (tựa Việt: “Bí mật trong chiếc va-li”) (1930), giới thiệu một thám tử mới - Jane Marple, một phụ nữ nông thôn với tinh thần cầu thị. Cùng với Poirot, nữ thám tử này xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Agatha như “The Moving Finger” (tựa Việt: “Ngòi bút tẩm độc”) (1942) hay “A Pocket Full of Rye” (tựa Việt: “Một nắm lúa mạch”) (1953). Vài nhân vật khác cũng thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của bà là cặp vợ chồng thám tử Tuppence và Tommy Beresford, Đại tá Race, thám tử Parker Pyne, và tiểu thuyết gia Ariadne Oliver.
Sau khi kết hôn, Agatha cùng chồng chu du đến nhiều quốc gia trong vài tháng liền, nổi bật là các nước Trung Đông như Iran và Syria. Hành trình của cặp vợ chồng mới cưới sau đó được bà thuật lại trong hồi ký “Come, Tell Me How You Live” (tạm dịch: “Hãy kể tôi nghe bạn sống như thế nào”) xuất bản năm 1946.
Ngoài các tác phẩm trinh thám, Agatha còn cho xuất bản các tiểu thuyết lãng mạn như “Unfinished Portrait” (tạm dịch: “Chân dung dang dở”) (1934), “Absent in the Spring” (tạm dịch: “Xa cách thuở xuân xanh”) (1944), “A Daughter’s a Daughter” (tạm dịch: “Vẫn là người con gái”) (1952) dưới bút danh Mary Westmacott. Song, vì các tiểu thuyết trinh thám được biết đến rộng rãi hơn, bà nghiễm nhiên được đặt cho danh hiệu “Nữ hoàng truyện trinh thám”. Thực tế, nếu kể ra thì bà đứng đầu tất cả các dòng truyện với số lượng ấn phẩm toàn thế giới lên tới hàng tỷ.
Ngoài các tiểu thuyết và truyện ngắn, Agatha Christie còn biên soạn một số kịch bản như “The Hollow” (tựa Việt: “Thung lũng bất hạnh”) (1951), “Verdict” (tạm dịch: “Phán quyết”) (1958), và nổi bật nhất là “The Mousetrap” (tựa Việt: “Cái bẫy chuột”) (1952). Vở kịch này được công diễn đến 8.862 buổi ở Sân khấu Ambassadors, trở thành vở diễn trụ lại lâu nhất tại bất cứ sân khấu nào ở London (khoảng 23 năm) - kỷ lục đến giờ vẫn chưa bị phá. Năm 1974, vở kịch được biểu diễn tại Sân khấu St. Martin cho đến khi đại dịch Covid-19 lan sang Anh năm 2020. Tổng cộng số buổi diễn “The Mousetrap” tại St. Martin vượt xa 28.000.
Nhiều tác phẩm của Agatha đã được chuyển thể thành phim. Ba cái tên nổi đình nổi đám là: “And Then There Were None” (tựa Việt: “Và rồi chẳng còn ai”) - tiểu thuyết năm 1939 chuyển thể lần đầu năm 1945; “Murder on the Orient Express” - tiểu thuyết 1933 chuyển thể lần đầu năm 1974; và “Death on the Nile” (tựa Việt: “Án mạng trên sông Nile”) - tiểu thuyết 1937 chuyển thể lần đầu năm 1978. Ngoài ra có thể kể đến “Witness for the Prosecution” (tựa Việt: “Nhân chứng buộc tội”) - truyện ngắn 1953, chuyển thể lần đầu năm 1957 và “The Mirror Crack’d from Side to Side” (tựa Việt: “Gương vỡ”) - tiểu thuyết 1952, chuyển thể lần đầu năm 1980. Một số tác phẩm của bà còn được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập.
Những năm cuối đời
Năm 1971, Agatha Christie được Hoàng gia Anh phong danh Quý bà. Nữ nhà văn xuất hiện lần cuối trước công chúng vào buổi công diễn đầu tiên vở “Murder on the Orient Express” năm 1974. Bà qua đời ngày 12/01/1976 và quyển “Autobiography” (tạm dịch: “Tự truyện”) về cuộc đời “Nữ hoàng truyện trinh thám” được ra mắt vào 1977, một năm sau khi Agatha qua đời.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)