Litva, Latvia, và Estonia chính thức ngắt khỏi lưới điện Nga từ ngày 08/02. Động thái chuyển qua kết nối với lưới điện Liên minh câu Âu (EU) cho thấy khu vực này đã sẵn sàng để lại trang sử Liên Xô phía sau, vững tin hội nhập EU.

Đối với các quốc gia vùng Baltic, ngắt khỏi lưới điện Nga sẽ làm tăng an ninh năng lượng, đồng thời hội nhập hơn với thị trường Liên minh châu Âu (EU) - Ảnh: Andreas Franke / dpa / picture alliance
Hôm 08/02, ba quốc gia vùng Baltic - Litva, Latvia, và Estonia - đồng loại ngắt khỏi lưới điện Nga 10 tháng trước thời hạn dự kiến. Động thái này chỉ mang tính hình thức bởi cả ba đã ngừng mua điện từ Nga và Belarus từ tháng 5/2022. Người dân tại đây chắc chắn sẽ không nhận ra thay đổi bất thường nào.
Nhằm củng cố hệ thống điện sở tại, các quốc gia Baltic dần chuyển qua đồng bộ hoá với lưới điện các nước châu Âu - lưới điện đồng bộ lớn thứ nhì thế giới chỉ sau Trung Quốc. Litva, Latvia, và Estonia là ba thành viên EU cuối cùng tham gia lưới điện này, sau cả những quốc gia ngoài khối dùng chung lưới điện như Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, và Moldova.
Mối quan hệ Liên Xô lịch sử xem như đến hồi kết
Trong hơn 5 thập kỷ, ba nước Baltic là các quốc gia vệ tinh của Liên Xô. Vết tích còn sót lại của quan hệ này là BRELL - hệ thống điện dùng chung cho Nga (kể cả thành phố Kaliningrad tách rời khỏi lãnh thổ chính), Belarus, và ba nước Baltic. Tên gọi BRELL chính là tên viết tắt của năm quốc gia.
Liên Xô công nhận nền độc lập của ba nước Baltic năm 1991. Chiến lược của cả ba sau đó là rộng mở với châu Âu nói chung và EU nói riêng. Tuy vậy, các nước này cần nhiều thời gian mới có thể ngắt hoàn toàn khỏi lưới điện dùng chung.
Cả ba gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2004, lấy đồng euro làm tiền tệ chính thức. Với tổng dân số vỏn vẹn 6,1 triệu dân, các nước Baltic vô cùng nhỏ bé trước những ông lớn như Đức - 84,5 triệu dân, hay thậm chí là nước láng giềng Ba Lan - khoảng 38 triệu dân.
Kaspars Melnis, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Latvia, nhận định ba nước Baltic “là thị trường tiêu thụ điện vô cùng nhỏ” nên dự định ngắt lưới điện có ý nghĩa về “cả mặt quốc phòng, an ninh năng lượng, lẫn độc lập và kinh tế”. Cũng theo ông, xung đột tại Ukraina cho thấy “quyết định ngắt lưới điện cũ là chính đáng”. Melnis không tin ngắt khỏi lưới BRELL sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến giá điện mà ngược lại, hy vọng các nguồn điện tái tạo sắp đi vào hoạt động sẽ còn kéo giá điện xuống vào cuối năm nay.
“Còn kết nối là còn điểm yếu”
Tất tay vào lưới điện EU, ba quốc gia Baltic thể hiện mình ngả theo bên nào, đồng thời đẩy mọi ràng buộc với Nga và Liên Xô vào quá khứ.
Từ lúc độc lập tới nay, cả ba đều dè chừng Nga cùng ảnh hưởng của cường quốc này lên khu vực. Khi xung đột Nga - Ukraina bùng nổ năm 2022, Moskva cắt nguồn khí đốt và tấn công vào hạ tầng năng lượng tại Ukraina, buộc ba nước Baltic phải đầu tư vào các nguồn năng lượng khác ngoài Nga để đảm bảo an ninh.

Một quốc gia khi kết nối lưới điện mới thường phải thay thế toàn bộ cơ sở hạ tầng năng lượng bởi các hệ thống điện khác nhau vận hành ở tần số và hiệu điện thế khác nhau - Ảnh: Carsten Rehder / dpa / picture alliance
Kristine Berzina, giám đốc quản lý Dự án Địa chiến lược phía Bắc của Quỹ German Marshall, tiết lộ trước khi xung đột nổ ra, vùng Baltic không biết chắc liệu ngắt khỏi lưới điện Nga có phải nước đi “đáng thực hiện” hay không: “Người dân không thích phải chi trả thêm tiền cho hạ tầng năng lượng mới và giới chính trị phải khó khăn lắm mới thuyết phục họ vì sao thay đổi là chuyện nên làm ngay cả khi lưới điện cũ vẫn còn vận hành tốt.”
Tình hình chiến sự kéo dài buộc các nước Baltic phải hành động sao cho nguồn điện đến các hộ dân và doanh nghiệp không bị gián đoạn. Berzina nhận xét: “Tiếp tục kết nối BRETT nghĩa là tiếp tục dính líu tới thế lực cho rằng các quốc gia Baltic đáng lẽ không nên tồn tại. Còn kết nối là còn điểm yếu.”
Với các nước Baltic, độc lập về năng lượng tức là đa dạng hoá nguồn cung và loại năng lượng, mở rộng khả năng tích hợp các nguồn năng lượng thay thế như quang điện hay phong điện. Đây cũng là vấn đề hoà nhập thị trường điện chung của EU.
Liên minh này đặt mục tiêu đến 2030, toàn bộ các nước thành viên có thể nhập khẩu hay xuất khẩu ít nhất 15% lượng điện sản xuất sở tại sang các quốc gia khác cùng khối. Brussels đã rót khoản đầu tư 1,23 tỷ USD cho Litva, Latvia, và Estonia kết nối lưới điện châu Âu, giúp các nước Baltic có nhiều lựa chọn về nguồn cung điện ổn định hơn. Nguồn sản xuất điện đa dạng bao nhiêu, điện sẽ đảm bảo được duy trì liên tục bấy nhiêu.
Các liên kết sẵn có, sự hỗ trợ từ Ba Lan, vụ phá hoại gần đây
Các nước Baltic liên kết với lưới điện EU chủ yếu qua đường điện trên cao LitPol nối giữa Ba Lan và Litva bởi hai nước có chung đường biên giới.
Cả ba cũng kết nối với thị trường điện Bắc Âu - vốn tách biệt với EU. Litva liên kết với Thuỵ Điển qua đường dây NordBalt dưới biển; còn Estonia kết nối với mạng lưới điện ở Phần Lan qua hai đường cáp Estlink 1 và 2 dưới biển, cộng thêm một đường cáp thứ 3 dự kiến hoàn thành năm 2035. Tuy nhiên, vào tháng 12/2024, Estlink 2 bất ngờ bị hỏng, làm hiệu suất truyền tải giữa Estonia và Phần Lan hạ thấp đáng kể.

Tháng 1 vừa qua, Litva quyết định bảo vệ trạm biến áp và phân phối điện Alytus - mắt xích quan trọng trong lưới điện LitPol kết nối với Ba Lan - Ảnh: David Ehl / DW
Một ngày sau sự cố, Uỷ ban châu Âu (EC) ra thông cáo cáo buộc một con tàu liên quan đến vụ việc thuộc về hạm đội bí mật của Nga. EC cũng cho biết vụ phá hoại hạ tầng trọng yếu này không ảnh hưởng gì đến kế hoạch ngắt khỏi lưới điện Nga bởi lượng điện truyền đến vùng Baltic tăng dần qua các năm hiện nay đã dư dả. Theo thông cáo: “Hoàn toàn chẳng có vấn đề gì đối với nguồn cung điện và an ninh năng lượng của khu vực này cả.”
Berzina nhận định các nước Baltic đã “cố gắng rất nhiều” trong suốt 20 năm qua bảo đảm an ninh nguồn cung năng lượng cho mình, đồng thời “thúc đẩy tính cạnh tranh trong ngành điện lực”: “Qua công cuộc “phi Nga hoá” nguồn cung và đường truyền điện, chính sách cạnh tranh năng lượng đã tỏ rõ sức mạnh địa chính trị của nó.”