Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Bernanke nhận giải Nobel Kinh tế cùng hai người khác

Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Ben Bernanke cùng hai nhà kinh tế người Mỹ khác vừa được trao giải Nobel Kinh tế nhờ nghiên cứu hiện tượng ngân hàng phá sản dựa trên cứ liệu từ sự kiện Đại Suy thoái, từ đó giúp Mỹ có những phản ứng quyết liệt trước đợt khủng hoảng tài chính 2007-2008.



Hôm 10/10/2022, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển - Tore Ellingsen, Hans Ellegren, và John Hassler (ghế ngồi, từ trái qua) - trao Giải thưởng Ngân hàng Trung ương Thụy Điển dành cho Khoa học Kinh tế nhằm Tưởng nhớ Alfred Nobel (còn gọi là giải Nobel Kinh tế) 2022 cho Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond, và Philip H. Dybvig (ảnh, từ trái qua) - Ảnh: Wiklund

Hôm 10/10 vừa qua, Hội đồng Nobel tại Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên dương Ben Bernanke, Douglas W. Diamond, và Philip Dybvig bởi nghiên cứu tìm hiểu “vì sao phòng tránh ngân hàng vỡ nợ lại là mục tiêu cấp thiết”.

Hội đồng cho biết các kết quả nghiên cứu của 3 người vào những năm 1980 đã đặt nền móng cho điều tiết thị trường tài chính. John Hassler, một trong những thành viên của hội đồng, phát biểu: “Khủng hoảng tài chính và suy thoái là điều tồi tệ nhất mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng có thể gặp phải. Chúng ta cần phải biết cơ chế của những hiện tượng này và phương án giải quyết. Ba người vinh danh hôm nay đã làm được điều đó.”

Bernanke (68 tuổi), khi còn là giáo sư tại Đại học Stanford, đã nghiên cứu sự kiện Đại Suy thoái vào những năm 1930. Ông phát hiện hành vi rút tiền hàng loạt - tức nhiều người hoảng loạn rút hết số tiền gửi - và các ngân hàng vỡ nợ ảnh hưởng khốc liệt thế nào đến nền kinh tế. Trước Bernanke, giới kinh tế cho rằng ngân hàng phá sản là kết quả, chứ không phải nguyên do, của các đợt suy thoái. Được biết Bernanke từng là chủ tịch FED từ đầu 2006 đến đầu 2014 nhưng hiện giờ làm việc tại Viện Brookings.



Cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke phát biểu ở Viện Brookings tại Washington hôm 10/10/2022 - Ảnh: Alex Brandon / apnews

Trong bài nghiên cứu quan trọng năm 1983, Bernanke giải thích ngân hàng phá sản ảnh hưởng và kéo dài Đại Suy thoái vào những năm 1930 như thế nào. Trước đó, các nhà kinh tế thường chỉ trích FED không in đủ tiền, khiến nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng. Bernanke tán thành ý kiến này, song lại không cho rằng tiền mặt là nguyên do khiến cuộc khủng hoảng có tác động mạnh mẽ và dai dẳng đến thế.

Ông phát hiện gốc rễ vấn đề là hệ thống ngân hàng bị phá sản. Người gửi tiền hoảng loạn rút hết tiền gửi, khiến các ngân hàng không còn đủ tiền cho vay tạo động lực cho kinh tế phát triển. “Và điều đó dẫn đến đợt suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất trong lịch sử,” theo Hội đồng Nobel.

Alan Blinder, cũng là cựu chủ tịch FED, hiện là nhà kinh tế tại Đại học Princeton, nhận xét: “Bài nghiên cứu năm 1983 quan trọng không phải vì cho biết Đại Suy thoái bắt đầu thế nào, mà giải thích được vì sao nó lại kéo dài như vậy. Kết quả bài viết ảnh hưởng đến tư duy của giới kinh tế mãi về sau.”

Douglas Diamond (68 tuổi) từ Đại học Chicago và Philip Dybvig (67 tuổi) từ Đại học Washington ở St. Louis, lại cho biết nếu chính phủ bảo lãnh tiền gửi, các đợt khủng hoảng có thể được ngăn chặn. Diamond bày tỏ: “Tin khiến chúng tôi vui nhất là các nhà thực hiện chính sách hiểu được điều này. Điều chúng tôi khám phá được tuy đơn giản thôi, nhưng lại có thể ứng dụng vào các khủng hoảng tài chính trong thực tế.”



Douglas W. Diamond chụp ảnh tại nhà riêng sau khi nhận được giải Nobel Kinh tế - Ảnh: Charles Rex Arbogast/apnews

Diamond và Dybvig chứng minh các ngân hàng đóng vai trò tài chính quan trọng. Người gửi tiết kiệm muốn lấy lại tiền gửi ngay, nhưng các doanh nghiệp cần thời gian mới hoàn trả đủ số vốn vay. Trong bài nghiên cứu của cả hai, cũng công bố năm 1983, vai trò làm cầu nối trung gian giữa bên gửi tiết kiệm và bên vay của ngân hàng được đào sâu làm rõ.



Ảnh chụp Philip H. Dybvig do Đại học Washington tại St. Louis cung cấp - Ảnh: Đại học Washington

Bài nghiên cứu cũng cho thấy ngân hàng có nhiều điểm yếu. Nếu người gửi sợ ngân hàng phá sản, họ sẽ gấp gáp rút tiền, buộc ngân hàng hối thúc doanh nghiệp trả các khoản vay bù vào. Để ngăn chặn hiện tượng này - cũng như các đợt suy thoái kinh tế theo sau - chính phủ có thể bảo lãnh các khoản vay hay thực hiện biện pháp cuối cùng, cho ngân hàng vay.

Simon Johnson, nhà kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts có nhiều bài viết về khủng hoảng kinh tế, nhận xét: “Nếu trấn tĩnh người gửi, ngân hàng cũng sẽ bình ổn. Đây là ý tưởng vô cùng quan trọng, chi phối cách mọi người nghĩ về bình ổn tài chính.”

Trong một bài nghiên cứu năm 1984, Diamond tiếp tục biện luận các ngân hàng đóng vai trò thiết yếu khi đánh giá đúng uy tín bên vay và quyết định chỉ cho vay những dự án uy tín, có khả năng hoàn nợ.

Nghiên cứu của 3 nhân vật trên bộc lộ ứng dụng thực tế khi các nhà đầu tư đồng loạt rút tiền vào mùa thu 2008, gây ra đợt suy thoái kéo dài và tàn khốc nhất kể từ Đại Suy thoái. Bernanke, khi đó còn là Chủ tịch FED, phối hợp với Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho các ngân hàng lớn vay và giảm thiểu tình trạng tín dụng - mạch máu chính nuôi nền kinh tế - bị thiếu hụt.

Ông cắt lãi suất ngắn hạn xuống còn 0, điều hành FED mua lại các khoản thế chấp và đầu tư Bộ Ngân khố, xây dựng chương trình cho vay lớn hơn bao giờ hết. Những động thái này xoa dịu giới đầu tư và củng cố các ngân hàng lớn - được cho là hai nhân tố đẩy lùi suy thoái.

Trong một cuộc điện đàm với Hội đồng Nobel, Diamond có nhận định rằng trước tình hình Covid-19 và chiến sự ở Ukraina, hệ thống tài chính “đã vững vàng hơn” trước khủng hoảng sau khi học được nhiều điều từ đợt suy thoái 2007-2008 và củng cố các quy định liên quan.

Khi nền kinh tế Mỹ chịu tác động từ Covid-19 vào đầu 2020, FED, lúc này được Jarome Powell chủ quản, nhanh chóng cắt giảm lãi suất ngắn hạn xuống còn 0 và bơm tiền vào hệ thống tài chính. Phản ứng quyết liệt này - kèm với khoản tài trợ lớn từ chính phủ - nhanh chóng kéo ngược đà giảm, thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, phục hồi nhanh cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Lạm phát đã tăng chóng mặt vào năm 2021 và gần đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm trở lại. FED và các ngân hàng trung ương khác phải đảo ngược chiến thuật nhằm hạ nhiệt nền kinh tế.

Trong buổi họp báo hôm 10/10, Bernanke phát biểu tuy tin tưởng Chủ tịch FED đương nhiệm Powell cùng các đồng nghiệp cũ tại ngân hàng trung ương, ông vẫn cho rằng họ vẫn còn “thử thách khó nhằn” phía trước khi phải nâng mức lãi suất vừa đủ để hạ nhiệt và kìm hãm lạm phát mà không làm bộc phát một đợt suy thoái khác.

Giải Nobel Kinh tế khép lại một tuần công bố giải Nobel cho các hạng mục y sinh, vật lý, hoá học, văn học, và hòa bình. Mỗi giải được quy thành 10 triệu krona Thụy Điển (tương đương 900.000 USD) và sẽ được trao tặng vào ngày 10/12 tới.

Khác với các giải thưởng khác, giải kinh tế không được nhắc đến trong di chúc của Alfred Nobel năm 1895 mà do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đặt ra để tưởng nhớ ông. Giải thưởng này được trao tặng lần đầu năm 1969.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán