Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Đặc khu kinh tế Hồng Kông

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế của Hồng Kông tăng 4% so với 2% năm 2016. Tiêu dùng tư nhân tăng 4,6% (năm 2016 là 1,8%), đầu tư tăng 8%, xuất khẩu hàng hóa tăng 5,6% (1,8% năm 2016), xuất khẩu dịch vụ tăng 2,3%.

Trong khi đó, giá tiêu dùng tăng 1,3% so với năm 2016 (năm 2016 là 2,4%). Áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức vừa phải trong thời gian tới do lạm phát nhập khẩu thấp và chi phí vừa phải. Dự báo về lạm phát giá tiêu dùng ở Hồng Kông là 1,8% vào năm 2017.



Hồng Kông vẫn là yếu tố quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc

Năm 2016, với 56,7 triệu du khách đến Hồng Kông (gấp 7,7 lần dân số Hồng Kông), trong đó số du khách đến từ Trung Quốc chiếm 76%. Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách đến Hồng Kông tăng 2,4%, du khách Trung Quốc tăng 2,3% so với năm 2016. Trong năm 2016, tổng doanh thu du lịch lên đến 296 tỷ HKD. Lĩnh vực kinh tế quan trọng của Hồng Kông vẫn là thương mại và logistics (22,3%), du lịch (5%), dịch vụ tài chính (17,6%), các dịch vụ sản xuất khác (12,3%) và 6 ngành công nghiệp Hồng Kông có lợi thế để phát triển là văn hóa sáng tạo, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, công nghệ, dịch vụ kiểm tra và chứng nhận công nghiệp môi trường (chiếm 8,9% GDP năm 2015). Hồng Kông tăng cường quảng bá cho ngành công nghiệp dịch vụ tài chính, mở rộng các văn phòng ở Trung Quốc, thiết lập mới các văn phòng kinh tế, thương mại ở Ấn Độ, Mexico, Nga, Nam Phi và UEA. Với hơn 380.000 chỗ ở bằng giải pháp sử dụng đất và tăng cường phát triển trong thời gian trung và dài hạn, cải thiện cuộc sống của người dân, an sinh xã hội (người già được hỗ trợ các chi phí y tế; các dịch vụ tài chính được phát triển giúp người già sử dụng tài sản để đầu tư sau khi nghỉ hưu). Ngày 22/02/2017, Bộ trưởng Tài chính - Paul Chan đã công bố một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, biến Hồng Kông trở thành một thành phố dễ sống hơn, tạo thuận lợi thúc đẩy thương mại điện tử, kinh doanh hàng không; đầu tư thị trường trái phiếu; cung cấp kinh phí cho các trường đại học, các ngành công nghiệp, nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập; cải thiện chất lượng không khí, nước, môi trường xanh và quản lý chất thải…



Trưởng đặc khu Hồng Kông - bà Carrie Lam đã tuyên thệ trước Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 20 năm Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc (ngày 01 tháng 7 năm 2017)

Hiệp định Tăng cường Đối tác Kinh tế (CEPA) ký kết năm 2003 nhằm mở rộng tự do thị trường, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư được hưởng ưu đãi ở thị trường Trung Quốc trong các khu vực dịch vụ khác nhau. Tháng 12 năm 2014, Hiệp định giữa Trung Quốc và Hồng Kông về Tự do hóa Thương mại Dịch vụ Quảng Đông đã được ký kết theo khuôn khổ CEPA. Vào tháng 6 năm 2017, Hiệp định Đầu tư và Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật (Ecotech) đã được ký kết nhằm mở rộng, tiếp cận thị trường sang các ngành phi dịch vụ và đầu tư, củng cố và cập nhật các hoạt động hợp tác kinh tế, kỹ thuật giữa Hồng Kông và Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại theo khung hệ thống của CEPA. Theo Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD - United Nation Conference on Trade and Development), dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI - Foreign direct investment) vào Hồng Kông là 108 tỷ USD trong năm 2016 (tổng số vốn FDI vào Hồng Kông khoảng 1.582 tỷ USD tính đến cuối năm 2015). Sự khác biệt trong đầu tư trực tiếp có các nguồn vốn từ các công ty hoạt động ở các nền kinh tế không có thuế như: Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman, Hà Lan và Bermuda chiếm lần lượt 35,1%, 7%, 6,3% và 4,6% tổng lượng đầu tư trực tiếp trong năm 2015. Đây là nguồn đầu tư trực tiếp quan trọng nhất ở Hồng Kông (chiếm 26,5%). Các nguồn đầu tư lớn khác bao gồm Singapore (2,8%), Mỹ (2,6%) và Anh (2,1%). Phần lớn cổ phiếu đầu tư liên quan đến các ngành dịch vụ, bất động sản, ngân hàng, xuất nhập khẩu, buôn bán và bán lẻ. Hồng Kông là thành viên sáng lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thành viên của Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Ủy ban kinh tế và xã hội khu vực châu Á và Thái Bình Dương (ESCAP), hội viên của UNCTAD, quan sát viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), là thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) tháng 6 năm 2017. Ngoài CEPA, Hồng Kông ký các hiệp định thương mại tự do với New Zealand, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thuỵ Sĩ) và Chilê; đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN, Macao, Georgia và Maldives. Bên cạnh đó, Hồng Kông đã ký Hiệp định Xúc tiến và Bảo hộ Đầu tư (IPPAs) với 19 nền kinh tế; đã kết thúc các cuộc đàm phán với Bahrain, Mexico, Myanmar, UAE; và đang đàm phán với Iran và Nga. Ngoài ra, Hồng Kông đã tham gia vào các Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (Double Taxation Agreements DTAs). Hồng Kông là nhà xuất khẩu lớn thứ 6 trên thế giới về thương mại hàng hóa và xuất khẩu dịch vụ thương mại lớn thứ 15 trên thế giới, xuất khẩu hàng hóa tăng 8,8% (so với năm 2016) trong 6 tháng đầu năm 2017. Các thị trường xuất khẩu chính của Hồng Kông là Trung Quốc (53,4%), EU (8,9%), Mỹ (8,5%), ASEAN (7,6%), Ấn Độ (4,6%) và Nhật Bản (3,3%); Nhập siêu là 29,3 tỷ USD (11,3%) trong 6 tháng đầu năm 2017. Như vậy, xuất khẩu Hồng Kông dự kiến sẽ tăng 5% vào năm 2017. Dưới thời chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ, những bất trắc về chính trị ở EU, sự chao đảo của thị trường mới nổi và căng thẳng về địa chính trị gia tăng là những rủi ro lớn nhất.

Theo số liệu thống kê của HKSAR (Hong Kong Special Administrative Region) năm 2016, Hồng Kông là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc sau Hoa Kỳ. Hồng Kông là nhà đầu tư FDI lớn vào Trung Quốc, chiếm 44,7% năm 2016, lượng vốn sử dụng tích lũy từ Hồng Kông lên đến 913,7 tỷ USD, chiếm 51,8% tổng số vốn quốc gia. Cuối năm 2016, 11 ngân hàng được cấp phép và 7 văn phòng đại diện được thành lập ở Trung Quốc. Các Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã mở chi nhánh tại Hồng Kông. Là một trung tâm vốn đầu tư ra nước ngoài quan trọng cho các doanh nghiệp Trung Quốc, năm 2016 có 1.002 công ty Trung Quốc đã được niêm yết tại Hồng Kông với tổng vốn hóa thị trường khoảng 2.000 tỷ USD, chiếm 63% tổng thị trường. Từ năm 1993 đến nay các công ty đại lục đã huy động được hơn 500 tỷ USD thông qua việc chào hàng cổ phiếu ở Hồng Kông. Tháng 11 năm 2014, Shanghai-Hong Kong Stock Connect đã được thiết lập để tiếp cận thị trường chứng khoán Hồng Kông. Tháng 12 năm 2016, Shenzhen-Hong Kong Stock Connect đã được lên sàn chứng khoán Hồng Kông.

Hồng Kông là trung tâm của trụ sở khu vực (RHQs - Regional Headquarters) và văn phòng khu vực (ROs - Regional Offices) các công ty đa quốc gia hoạt động kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến tháng 6 năm 2016, có 3.731 trụ sở khu vực (RHQs) ở Hồng Kông, trong số này có 77% chịu trách nhiệm về kinh doanh tại thị trường Trung Quốc. Các công ty này đến từ nhiều quốc gia, Hoa Kỳ có số RHQs/ROs cao nhất (21%), Nhật Bản (18%), Anh (9%) và Trung Quốc (8%). Hầu hết các RHQs/ROs ở Hồng Kông là thương mại I/E, bán sỉ và bán lẻ (50%). Năm 2016, thị trường chứng khoán Hồng Kông đứng thứ 4 châu Á và thứ 8 trên thế giới về vốn hóa thị trường, có 1.973 công ty niêm yết trên HKEx, bao gồm 260 công ty với tổng vốn hóa thị trường đạt 3,17 ngàn tỷ USD. Hồng Kông là trung tâm viễn thông hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với thuê bao di động vượt 17 triệu (hơn 90% là thuê bao di động 2.5G, 3G và 4G - gấp đôi dân số ở Hồng Kông) và 44.000 điểm wi-fi công cộng. Hồng Kông là nơi yêu thích trên thế giới về kinh doanh và tổ chức các hội nghị lớn với hơn 300 hội nghị quốc tế và triển lãm được tổ chức mỗi năm. Cầu Hồng Kông - Chu Hải - Macao (HZMB) có giá trị chiến lược đặc biệt cho sự phát triển kinh tế của vùng Tây Bắc, giảm chi phí và thời gian cho du lịch và hàng hóa, đẩy mạnh hội nhập kinh tế các tỉnh lân cận, tăng khả năng cạnh tranh. Dự án đã bắt đầu năm 2009 và hoàn thành vào cuối năm 2017. Chính quyền đã thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn khác để cải thiện hệ thống giao thông địa phương, mở rộng thêm mạng lưới đường sắt đến năm 2031. Là 1 trong 10 sân bay lớn trên thế giới, sân bay quốc tế Hồng Kông cần mở rộng vì 2 đường băng hiện tại sẽ quá tải trong thời gian tới, việc xây dựng đường băng thứ 3 đã bắt đầu vào năm 2016 và dự kiến khai thác thương mại vào năm 2024. Số lượng container tại cảng biển Hồng Kông sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới và dự án phát triển đến năm 2030 đã được chính quyền Hồng Kông phê duyệt nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

Sau 20 năm Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, đến nay Hồng Kông phụ thuộc vào Trung Quốc trong 2 lĩnh vực chính: quân sự và quan hệ ngoại giao. Đặc khu Hồng Kông không được duy trì bất kỳ quan hệ ngoại giao chính thức nào với nước ngoài. Theo Ủy ban Phát triển Thương mại Hồng Kông (Hong Kong Trade Development Council - HKTDC), Hồng Kông được xem như là cửa ngõ vào Trung Quốc trong tất cả các dự án đầu tư nước ngoài đã được phê duyệt ở Trung Quốc đại lục, 44,3% có liên quan với lợi ích của Hồng Kông (tính đến năm 2013). Nhìn chung, Hồng Kông và Trung Quốc đại lục có thể bổ sung cho nhau khá tốt về kinh tế. Tuy nhiên, giữa 2 bên có sự khác biệt lớn về chính trị. Việc chia tách hàng thế kỷ khiến giữa Hồng Kông và Trung Quốc có một khoảng cách lớn không dễ kết nối, ngay cả khi cả 2 đã chính thức là một quốc gia.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán