Chuỗi quán cà phê Bitty & Beau’s đang ngày một phát triển hơn nhờ cung cấp việc làm cho những người khuyết tật.
Những thành viên ở một quán Bitty & Beau’s ở thành phố Annapolis, Maryland - Ảnh: Bitty & Beau’s
Trong khi các doanh nghiệp trên khắp Hoa Kỳ chật vật để tìm đủ nhân viên, các cửa hàng cà phê Bitty & Beau’s cho biết tỷ lệ hao mòn nhân lực của họ gần bằng không và cứ mở chi nhánh mới là họ lại ngập trong đơn xin việc. Đó là bởi chuỗi cà phê chủ yếu thuê nhân viên từ cộng đồng người được cho là có tỷ lệ thất nghiệp trên 80%: những người khiếm khuyết trí lực và khuyết tật về phát triển. Sáu năm trước, Amy Wright, đồng sáng lập công ty cùng chồng mình, Ben, nói rằng: “Mỗi cộng đồng lại có một lực lượng nhân lực khiếm khuyết chưa được trọng dụng. Hầu hết các nhân viên của chúng tôi chưa bao giờ tìm được việc làm.”
Tỷ lệ người khuyết tật có việc làm tại Mỹ qua các năm - Nguồn: Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ
Gần 90% trong số hơn 350 nhân viên tại 11 địa điểm của Bitty & Beau’s là người khuyết tật. Họ cáng đáng mọi việc từ pha chế đến hỗ trợ hoạch định chiến lược trong văn phòng công ty. Vợ chồng Wright từ chối chia sẻ thông tin chi tiết, nhưng họ cho biết Bitty & Beau’s vừa phát triển nhanh vừa mang lại lợi nhuận cao - một thành tích không nhỏ trong ngành so với những ông lớn thống trị như Starbucks, Dunkin’ và Peet’s. Ben Wright nói: “Chúng tôi đang cố gắng thay đổi quan điểm của xã hội về người khuyết tật từ thương hại thành xem họ là nguồn lao động đích thực và bạn có thể điều hành một doanh nghiệp thành đạt với nhân công là người khiếm khuyết.”
Cặp vợ chồng được truyền cảm hứng sau khi hai trong số bốn đứa con của họ (con trai Beau, 17 tuổi và con gái Bitty, 12 tuổi) mắc hội chứng Down khi vừa mới sinh. Mặc dù cả cha và mẹ đều không có kinh nghiệm điều hành một cửa hàng cà phê hay bất kỳ loại hình kinh doanh bán lẻ nào khác - cả hai gặp nhau khi còn là diễn viên ở New York trước khi Ben chuyển sang mảng tài chính và Amy làm nội trợ - họ vẫn quyết định mở cửa hàng đầu tiên sau khi chuyển đến thành phố Wilmington, North Carolina. Các sáng kiến khởi nghiệp với sứ mệnh tương tự thường là các tổ chức phi lợi nhuận, nhưng vợ chồng nhà Wright muốn Bitty & Beau’s trở thành một doanh nghiệp thu lời phát triển bền vững. Amy bày tỏ: “Nếu các tổ chức phi lợi nhuận có thể giải quyết vấn đề này, tình hình hiện tại có lẽ đã khác.”
Silvia Bonaccio, giáo sư tâm lý học môi trường việc làm tại Khoa Quản lý Telfer thuộc Đại học Ottawa, cho biết các doanh nghiệp như Bitty & Beau’s có thể đóng một vai trò lãnh đạo quan trọng. Một số người ủng hộ vấn đề cung cấp việc làm cho người khuyết tật cho rằng sẽ tốt hơn nếu tất cả các loại hình công ty đều thuê nhân viên là người khuyết tật thay vì “tách biệt” họ tại những địa điểm như quán cà phê, nhưng điều đó chưa bao giờ là hiện thực. Vì vậy mà điều quan trọng là phải có người chứng minh những đóng góp mà cộng đồng này có thể tạo ra. Bà nói: “Các nhà tuyển dụng đang bỏ qua một lượng nhân lực đáng kể. Chỉ cần một doanh nghiệp thành công thôi là ta có được chất xúc tác tạo ra thay đổi.”
Một quán cà phê Bitty & Beau’s ở Quận Athens, Georgia - Ảnh: Kayla Renie/USAToday
Bitty & Beau’s chuyển sang mô hình nhượng quyền vào năm 2020. Vợ chồng nhà Wright chỉ có khả năng mở thêm khoảng một địa điểm mỗi năm; cho nên họ phải tích cực dò hỏi xem có thị trấn nào muốn có chi nhánh Bitty & Beau’s hay không. Họ ấp ủ có kế hoạch mở thêm 27 địa điểm tại hơn một chục bang trong vài năm tới và trong vòng một thập kỷ sau, nhà Wright đặt mục tiêu mỗi bang có một cửa hàng.
Chi phí mở một địa điểm dao động từ 350.000 đến hơn 700.000 USD, bao gồm phí nhượng quyền 40.000 USD (tương đương mức phí các chuỗi thức ăn nhanh lớn). Đổi lại, bên nhận quyền được trao quyền sử dụng tên, được đào tạo và hướng dẫn chi tiết về trang trí nội thất và vận hành cửa hàng. Vợ chồng nhà Wright nói rằng vì số lượng yêu cầu nhượng quyền quá lớn, công việc của họ bây giờ hầu như chỉ là xem xét bên nhận quyền nào có mục đích đúng đắn và sẽ tuân thủ các quy tắc điều hành cửa hàng. Amy nói: “Chúng tôi từ chối hầu hết các đề xuất và ít khi nào chấp thuận.”
Tại cửa hàng mới mở gần đây ở thành phố Bethlehem, Pennsylvania, ở một góc tường là quần áo, khăn tắm biển, cốc và hàng lưu niệm mang thông điệp nâng cao nhận thức như “khoan dung” và “không bị hỏng”. Ngay cả mật khẩu Wi-Fi - “abletowork” (làm việc được) - cũng nêu bật sứ mệnh cung cấp việc làm cho người khuyết tật của chuỗi. Mỗi tách cà phê, mỗi cái bánh ngọt, và mỗi món hàng được bán đi kèm với một lời cảm ơn viết tay.
Nhà Wright hướng tới tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ và nhộn nhịp, khiến khách hàng nhìn người khuyết tật qua lăng kính mới. Nhân viên được khuyến khích thỉnh thoảng tham gia vào một bữa tiệc khiêu vũ ngẫu hứng hoặc nhảy conga - những hoạt động khiến khách nhớ đến chuỗi cửa hàng hơn. Bằng cách tạo ra những công việc bắt đầu với mức lương tối thiểu và tăng dần lên, đồng thời cung cấp nhiều phúc lợi, công ty sẽ là một phần trong “phong trào đấu tranh vì nhân quyền dưới hình thức một quán cà phê”, theo Amy.
Bitty & Beau’s đang tìm cách củng cố mối quan hệ với các tập đoàn lớn tại Mỹ để ngày một phát triển và lan tỏa thông điệp hòa nhập. Viện nghiên cứu thuốc PPD Inc. và nhà cung cấp phần mềm tài chính nCino Inc. đều đã nhận nhượng quyền Bitty & Beau’s tại các tòa nhà văn phòng ở Wilmington; trong khi nhiều tập đoàn khác cũng muốn trở thành đối tác. Amy nói: “Nếu mọi công ty cam kết tuyển dụng người khuyết tật, dù chỉ một thôi thì không chỉ văn hóa công ty của họ sẽ thay đổi theo hướng tốt hơn, mà sự hiện diện của người khuyết tật sẽ trở thành chuyện thường nhật chứ không còn là điều gì hiếm hoi nữa.”
Trần Minh Tuấn
(Lược dịch)