Chủ doanh nghiệp khắp nước Mỹ có nhiều ý kiến trái chiều về thuế quan do chính quyền Trump đề xuất.

Bobby Djavaheri (trái) và cha anh, ông Yedidia, buôn bán nồi chiên không dầu cùng nhiều đồ diện gia dụng chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc. Bobby lo lắng mức thuế quan 60% áp lên hàng nhập khẩu từ Trung sẽ đẩy giá bán lẻ các mặt hàng trong tiệm của anh lên hơn 200 USD - Ảnh do Bobby Djavaheri cung cấp
Nhiều nơi gấp rút tìm cách tránh thuế nhập khẩu hay san gánh nặng chi phí qua khách hàng; ngược lại, nhiều doanh nhân khác lại xem đây là cơ hội giúp họ giành lợi thế cạnh tranh với nước ngoài.
Giới sản xuất nội địa
Mark McClelland là một trong những người ủng hộ thuế quan. Công ty của ông, Tower Extrusions, chuyên sản xuất khán đài cỡ nhỏ cùng nhiều vật dụng bằng nhôm khác.
Đặt trụ sở tại Olney, Texas, Tower Extrusions vận hành 11 máy ép nhôm và sản xuất từ khán đài, khung cửa sổ cho đến phụ tùng xe hơi và nhiều thứ khác. McClelland chia sẻ: “Chúng tôi cho cả cuộn nhôm đi qua khuôn ép để tạo thành nhiều loại hình dáng khác nhau. Đây là ngành công nghiệp cũ nay ít người còn nhớ đến. Nhưng như quý vị có thể thấy, thành phẩm của chúng tôi có mặt khắp mọi nơi.”

Các mặt hàng nhôm từ Trung Quốc đến từ những nhà máy như thế này hiện đã phải chịu thuế quan chống bán phá giá từ Mỹ. Song, giới sản xuất nội địa giờ còn phải cạnh tranh với các quốc gia như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, và Mexico - Ảnh: AfP/Getty Images
Từ 2010, công ty của McClelland và nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành nghề phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với các đối thủ từ Trung Quốc. Tuy được lợi thế khi sản phẩm nhôm từ Trung bị áp thuế chống bán phá giá, họ nhanh chóng đối mặt vấn đề mới. McClelland nói: “Nếu trước đây chỉ có Trung Quốc thì giờ Mỹ còn nhập hàng từ Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, và Mexico. Trong đó đáng lo ngại nhất là Mexico, sản phẩm của họ có thể trực tiếp thâm nhập thị trường Mỹ.”
Theo ông, các công ty nước ngoài hiện cung cấp 35% sản phẩm nhôm đúc tại Mỹ, gần như gấp đôi tỷ trọng so với 5 năm trước. McClelland bổ sung: “Chúng tôi không thể cạnh tranh với giá bán của họ. Cả ngành sản xuất nhôm chắc sẽ đổ sụp nếu chúng tôi cứ khoanh tay đứng nhìn.”
Tổng thống ứng cử Donald Trump vừa qua đề xuất mức thuế quan 10-20% áp lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu. McClelland tin rằng đó sẽ là chìa khoá giúp sân chơi được công bằng hơn.
Song, ông cũng thừa nhận thuế quan nhập khẩu là con dao hai lưỡi. Công ty ông phải tốn nhiều chi phí thu mua nhôm nguyên liệu vì mức thuế quan áp dụng trong nhiệm kỳ đầu của Trump. McClelland nhớ lại: “Chi phí nguyên liệu thô tăng 10% bất kể là hàng nhập hay hàng nội địa. Đúng vậy, ngay cả hàng sản xuất nội địa cũng tăng 10% phí tổn.”
Giới nhập khẩu
Một trong những chủ doanh nghiệp chịu phí tổn cao hơn là Bobby Djavaheri. Công ty bán đồ gia dụng Yedi Houseware Appliances của ông có trụ sở tại Los Angeles và Djavaheri lo rằng thuế quan sẽ đẩy giá thành các mặt hàng ông bán lên: “Tôi không nghĩ người tiêu dùng Mỹ hiểu hết nguy cơ ta phải đối mặt.”
Nếu Trump giữ đúng lời hứa mà áp thuế quan 60% lên các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Djavaheri ước tính: “Món hàng 130 đô sẽ bị đẩy lên hơn 200 đô. Chính người Mỹ sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan này, không phải phía Trung Quốc.”
Một số ý kiến cho rằng Trump chỉ đang dùng thuế quan làm chiêu bài thương lượng và khó có khả năng sẽ thật sự triển khai đề xuất đó. Song, Djavaheri không tán thành nhận định trên: “Tôi nghiêm túc nghĩ mức thuế quan sẽ được áp dụng. Vậy nên chúng tôi cố đôn lịch nhập hàng cho hoàn tất trước khi tân tổng thống nhậm chức.”
Nhiều công ty nhập khẩu khác cũng khẩn trương đốc thúc các đơn hàng sao cho hoàn thành trước ngày thuế quan có hiệu lực. Gene Seroka, Tổng Giám đốc Cảng Los Angeles, nói: “Công ty nào có đủ tài chính cũng đều gấp rút nhập hàng sớm hơn, tích trữ kho vận, và tính toán giá gốc trước khi luật thuế quan được triển khai.” Được biết Cảng Los Angeles vào những ngày cuối năm bận rộn hơn thường lệ khi phải nhập hàng trăm ngàn container từ châu Á.
Một trong những đối tác cung hàng cho Djavaheri dự tính sẽ chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Mexico để tránh mức thuế quan quá cao. Nhưng đó không phải ý hay. Tháng 11 vừa rồi, Trump phát biểu sẽ áp mức thuế 25% lên các mặt hàng nhập từ Mexico lẫn Canada - hai đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Phía bán hàng giảm giá
Peter Elitzer cũng lo lắng về ảnh hưởng của thuế quan, cho rằng mức thuế 10% thôi cũng đã làm chủ các cửa hàng thời trang giảm giá như ông khốn đốn rồi.
Khách hàng chọn mua ở cửa hiệu Label Shopper của Elitzer vốn đã rất dè dặt trong chi tiêu. Ông chia sẻ: “Họ chỉ mua sắm khi thật sự cần thiết, chẳng hạn mua áo khoác hay áo len dài tay khi trời lạnh. Mà trời lạnh thì không ai muốn mặc áo phông cả nên cũng chẳng có ai đến tìm mua áo phông.”

Peter Elitzer, chủ cửa hàng Label Shopper chuyên bán quần áo giảm giá, lo ngại luật thuế quan buộc ông phải nâng giá bán lẻ, khiến lượng khách ít ỏi đến mua cũng phải quay lưng - Ảnh do Peter Elitzer cung cấp
Vì đặc thù cửa hiệu nên Elizer chần chừ không dám tích trữ, sợ hàng tồn kho quá lâu không bán được sẽ lỗi mốt. Biết trước thể nào cũng phải tăng giá bán khi có luật thuế quan mới, Elitzer trông cậy vào các mặt hàng nhập từ Ấn Độ, Indonesia, và Campuchia.
Ông thở dài: “Chắc chắn đây không phải là tin tốt cho người tiêu dùng, đặc biệt là những ai muốn tình trạng lạm phát được kiểm soát. Giờ là thời điểm tồi tệ nhất để áp thuế quan.”
Hầu hết quần áo tại cửa hiệu của Elitzer có giá từ 19,99 USD đổ xuống - thấp hơn mặt bằng chung 10 năm trước. Ông nhận định: “Phần lớn người dân Mỹ không còn thích mua sắm tại những cửa hàng hạng sang nữa. Họ dần chuyển sang Walmart hay mấy chỗ như Label Shopper cả rồi. Thứ họ đang tìm là các món tốt mà rẻ.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)