Trong suốt lịch sử loài người, thời trang ảnh hưởng lớn đến “sự phân tầng” của các tầng lớp xã hội trên toàn thế giới. Những gì con người mặc thường mô tả họ là ai và họ làm gì? Như Mark Twain đã viết, “Quần áo làm nên con người. Những kẻ trần truồng có ít hoặc không có ảnh hưởng đến xã hội”.
Ngành công nghiệp thời trang là một ngành công nghiệp toàn cầu, nơi mà các nhà thiết kế thời trang, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ trên khắp thế giới hợp tác để thiết kế, sản xuất và bán quần áo, giày dép, phụ kiện. Ngành công nghiệp này có tính đặc trưng bởi vòng đời sản phẩm ngắn, nhu cầu tiêu dùng thất thường, sản phẩm phong phú đa dạng và chuỗi cung ứng phức tạp.
Ngành công nghiệp thời trang tạo ra doanh thu 2,5 nghìn tỷ USD/năm, có quy mô rất lớn và tiếp tục phát triển nhanh chóng. Theo dự báo, doanh thu ngành công nghiệp thời trang sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới với 5 nghìn tỷ USD/năm cùng 60 triệu lao động. Ở Mỹ, 4 triệu người làm việc trong ngành thời trang, nhiều hơn ngành công nghiệp tự động, đồ ăn nhanh và video game. Ngành may mặc chiếm 88% giá trị xuất khẩu của Haiti, Bangladesh 79%, Lesotho 59%, Campuchia 52% và Sri Lanka 43%. Trong khi các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 3,5% trong 34 năm tới thì các nước phát triển như Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ chỉ tăng khoảng 1,6%. Trong đó, Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất hàng dệt may lớn, sử dụng khoảng 40 triệu lao động và 60 triệu lao động gián tiếp, đứng thứ hai sau ngành nông nghiệp. Ngành công nghiệp này lớn đến mức những thay đổi sẽ có tác động đáng kể trên toàn thế giới. Ngành công nghiệp dệt may Ấn Độ đóng góp khoảng 5% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 14% Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) và là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất của Ấn Độ (chiếm khoảng 13,5%).
Ngành công nghiệp thời trang là một trong những điểm sáng của nền kinh tế sáng tạo mới. Thời trang là một ngành công nghiệp đa dạng về cấu trúc, từ các nhà bán lẻ quốc tế đến bán sỉ, từ các thương hiệu lớn đến các cửa hàng thiết kế riêng rẻ. Ngành công nghiệp sử dụng con người ở các ngành nghề bao gồm thiết kế thời trang, lập trình máy tính, luật sư, kế toán, nhà quảng cáo, giám đốc truyền thông xã hội và quản lý dự án. Các ngành công nghiệp liên quan đến thời trang sử dụng hàng triệu công nhân, và các ngành nghề khác đòi hỏi trình độ học vấn và kỹ năng. Ngành dệt may là một trong những ngành công nghiệp lâu đời, có mối liên kết chặt chẽ với nông nghiệp (đặc biệt đối với các nguyên liệu thô như bông) và có văn hoá truyền thống cổ xưa so với các ngành công nghiệp khác. Hiện nay, các thương hiệu thời trang toàn cầu được thiết kế ở Los Angeles hoặc Paris, được may tại Tây Ban Nha hoặc Việt Nam và được bán ở New York, Bắc Kinh, Brasilia và chuỗi cung ứng quốc tế ngày càng phát triển. Ngày càng gia tăng việc tìm kiếm các nhà sản xuất và nhà thiết kế địa phương có những tác phẩm phản ánh được văn hóa và sở thích của địa phương. Các thương hiệu thời trang có thể là các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Gucci và Chanel, nhưng nhiều khi là những công ty nhỏ với chỉ vài chục nhân viên. Điều này đặc biệt đúng ở châu Âu, nơi mà các công ty may mặc chỉ sử dụng trung bình 10 công nhân và “mọi người muốn mua những món đồ được làm tại chính địa phương của mình” (theo chuyên gia thời trang Pamela N. Danziger).
Amancio Ortega, nhà người sáng lập hãng thời trang Zara, một trong những người giàu nhất thế giới.
Quần áo thời trang được buôn bán trên toàn cầu và chiếm 483 tỷ USD trong giá trị xuất khẩu năm 2014. Tại một số quốc gia gồm Bangladesh, Haiti và El Salvador, hơn 1/3 tổng số hàng xuất khẩu là may mặc và thời trang. Tại Trung Quốc, quần áo chiếm 8% tổng xuất khẩu trong năm 2014. Năm 2017, doanh thu ngành công nghiệp thời trang dự kiến sẽ tăng nhờ sự cải thiện của năm 2016. Tổng giá trị của ngành công nghiệp thời trang toàn cầu sẽ đạt được 2,4 nghìn tỷ USD, bằng GDP của một nền kinh tế lớn trên thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh Quốc. Theo The State of Fashion, doanh thu của ngành thời trang sẽ tăng trung bình 2,5 - 3,5% vào năm 2017, tốc độ nhanh hơn 2 - 2,5% vào năm 2016. 2016 là một năm đặc biệt khó khăn cho ngành công nghiệp thời trang toàn cầu đối với các phân khúc trung và cao cấp của thị trường thương hiệu hàng cao cấp và các công ty thời trang với sự tăng trưởng thấp (0,5 - 1%).
Theo Bain & Company, năm 2016 doanh số bán hàng xa xỉ giảm 1% xuống còn 249 tỷ USD nhưng sẽ tăng 3% vào năm 2017. Theo báo cáo của The State of Fashion ở London thì trong năm 2017 các mặt hàng thuộc phân khúc trung cấp và trung bình thấp sẽ dẫn đầu doanh số. Antonio Achille, đối tác cấp cao của McKinsey tại khu vực Địa Trung Hải, cho biết “so với mức tăng trưởng doanh thu trung bình 2,5 - 3,5% trong khu vực, doanh số bán hàng tăng tương ứng 3 - 4% (phân khúc giá trung bình thấp) và 3,5 - 4,5% (phân khúc giá trung và cao cấp)”. Sự gia tăng doanh thu có thể dẫn đến sự cải thiện về khả năng sinh lợi năm 2017, ngược với xu hướng giảm của năm 2016 với mức lợi nhuận thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, trong khi tỷ suất lợi nhuận trước thuế là dưới 10%. Theo BoF-McKinsey, sự hồi phục này bắt nguồn từ các chỉ số kinh tế vĩ mô, bao gồm: dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 3,4% so với 3,1% năm 2016, những cải tiến trong toàn bộ ngành công nghiệp thời trang - đặc biệt là các tập đoàn khổng lồ trong các phân đoạn này đang tái tổ chức và thu hồi các thương hiệu hoạt động không hiệu quả.
Mặc dù có những cải thiện nhưng những thách thức vẫn còn rất lớn trong năm 2017 và năm 2018 sẽ phải đối mặt với sự biến động. Sự không chắc chắn về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong việc cải tiến chuỗi cung ứng, giảm lưu lượng của chu kỳ thời trang, thay đổi hành vi tiêu dùng, cải cách nội bộ của hệ thống thời trang là những thách thức lớn cho các năm tiếp theo. Trong năm 2017, ngành công nghiệp thời trang tập trung vào tăng trưởng thông qua việc cắt giảm chi phí và phương pháp quản lý. Các khoản đầu tư chính cho tăng trưởng như thương mại điện tử, tiếp thị kỹ thuật số, cải thiện việc quản lý quan hệ và chăm sóc khách hàng (CRM). Để nâng cao lợi nhuận, các công ty thời trang cũng sẽ dựa vào một số cải tiến để cắt giảm chi phí, như tối ưu hóa tiêu chuẩn tìm nguồn cung ứng, tập trung vào cải tiến năng suất và quy trình của nguồn cung cấp. Các công ty sẽ cần phải điều chỉnh chiến lược như áp dụng tư duy, thay đổi nhu cầu người tiêu dùng. Xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt để đảm bảo sẵn sàng hoạt động. Cần đa dạng hóa danh mục thương hiệu, danh mục địa lý, tận dụng lợi thế khu vực thị trường tiềm năng. Bảo vệ dòng tiền bằng cách quản lý chi phí và một mô hình tổ chức hiệu quả để có tác động tốt kịp thời.
Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong kinh doanh thời trang toàn cầu, được dự đoán sẽ có 28% số hộ gia đình trung lưu và thượng lưu mới trong giai đoạn 2015 - 2025 so với 3% của Hoa Kỳ. Theo Moody's, Trung Quốc được xem là đòn bẩy kinh tế vĩ mô để kích thích đầu tư và tiêu dùng. Alibaba và Shangpin đang làm cho thời trang và hàng hóa xa xỉ toàn cầu dễ tiếp cận hơn đối với người tiêu dùng ở Trung Quốc. Với việc tích hợp các kênh online-to-offline ngày càng tăng, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không cần phải lo lắng về nơi mua và giá cả khác nhau. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đang có được những trải nghiệm mới. Trong vòng 30 năm trở lại đây, có khoảng 400 triệu người Trung Quốc di chuyển đến các thành phố, Ấn Độ và các quốc gia đông dân khác cũng không ngoại lệ. Việc đô thị hóa này thúc đẩy sự gia tăng của các trung tâm thương mại, tạo cơ hội tăng trưởng cho các công ty thời trang. Theo FashionScope của McKinsey, dự báo mức tăng trưởng nhanh của ngành thời trang từ nay đến năm 2025 thì Hồng Kông đứng thứ nhất về trang sức, các thành phố như Thiên Tân - Trung Quốc và Delhi - Ấn Độ nằm trong số các thị trường trang sức phát triển nhanh nhất, trong khi giày dép là Mexico City. Tầm quan trọng của các thành phố cho thấy thiết kế sẽ phải nhằm vào các thành phố cụ thể và số liệu thống kê dân số. Kuwait, Guadalajara và các thành phố ở Trung Quốc đang trở thành trung tâm của sự sáng tạo và trong thời gian tới sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh như châu Phi, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Trần Nguyễn
(Tổng hợp)