Theo dữ liệu công bố từ Clifford Chance thuộc Công ty Luật Magic Circle và Mergermarket, giao dịch M&A (mua bán và sáp nhập) của Hoa Kỳ tại Anh trong năm 2018 đã tăng 33% đạt 247 tỷ USD, trong khi các nền kinh tế lớn khác của EU là Đức và Pháp đều giảm -2% và -42%. Các thương vụ tại Anh được thúc đẩy bởi các thỏa thuận như việc Comcast mua lại Sky trị giá 39 tỷ USD, việc mua lại gã khổng lồ kỹ thuật GKN trị giá 8 tỷ bảng của Melrose, và Global Infrastructure Partners mua một nửa dự án trang trại năng lượng gió ngoài khơi của Hornsea với giá 4,6 tỷ bảng. Việc mua công ty bảo hiểm Jardine Lloyd Thompson của Marsh & McLennan với giá 4,3 tỷ bảng cũng thúc đẩy hoạt động M&A của Anh. Tây Ban Nha được xếp hạng là điểm nóng M&A của Châu Âu trong năm 2018, tăng hơn 132% đạt 113 tỷ USD. Theo Mergermarket, hoạt động M&A toàn cầu đã tăng 12% trong năm 2018 là 3,5 nghìn tỷ USD, mặc dù khối lượng giao dịch giảm 3%. Trong đó, hoạt động M&A xuyên quốc gia chiếm 38% tổng số M&A trên toàn cầu với dòng vốn đầu tư lớn nhất năm 2018 bắt nguồn từ Bắc Mỹ và Châu Á Thái Bình Dương vào Châu Âu.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đi xuống trong năm 2018 (17,3 tỷ EUR) giảm 40% so với năm 2017 và giảm hơn 50% so với mức 37 tỷ EUR trong năm 2016. FDI của Trung Quốc giảm được cho là do việc kiểm soát vốn nghiêm ngặt và thắt chặt thanh khoản cũng như sự giám sát pháp lý ngày càng tăng của chính phủ Trung Quốc. Các nền kinh tế lớn của EU đã nhận được 45% FDI của Trung Quốc như: Vương quốc Anh (4,2 tỷ EUR), Đức (2,1 tỷ EUR) và Pháp (1,6 tỷ EUR). Nguồn vốn FDI của Trung Quốc đã giảm từ 71% trong năm 2017 xuống còn 45% vào năm 2018. Các quốc gia thành viên EU đang thực hiện các chế độ sàng lọc FDI. Việc tăng cường các cơ chế đánh giá đã tác động đến các mô hình đầu tư của Trung Quốc trong năm 2018. Một khuôn khổ sàng lọc cấp EU về các quy tắc đánh giá FDI, các khuôn khổ pháp lý này làm nền tảng cho các quốc gia thành viên để đưa ra các cơ chế giám sát FDI. Khung sàng lọc đầu tư mới của EU có thể tác động đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Quy định của EU khuyến khích các quốc gia thành viên xem xét cụ thể các khoản đầu tư được hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng quan trọng. Những tiêu chí này sẽ ảnh hưởng phần lớn các hoạt động M&A của Trung Quốc tại Châu Âu (khoảng 82 %). Việc xem xét sự hiện diện thương mại của Trung Quốc ở Châu Âu sẽ tác động đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Các quy định phức tạp hơn đối với các khoản đầu tư chỉ là bước đầu tiên trong việc đưa ra chính sách của Châu Âu đối với thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Châu Âu đang xem xét cải cách trong các lĩnh vực khác, bao gồm kiểm soát xuất khẩu các công nghệ quan trọng, bảo mật dữ liệu và quy tắc bảo mật, quy tắc thu mua và chính sách cạnh tranh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ đặt ra thêm những thách thức cho các nhà đầu tư Trung Quốc ở Châu Âu.
Sau một thập kỷ tăng trưởng, đầu tư toàn cầu của Trung Quốc đã giảm mạnh trong năm 2017 sau khi Bắc Kinh áp đặt lại các biện pháp kiểm soát hành chính để chế ngự dòng vốn. Năm 2018 đầu tư toàn cầu của Trung Quốc đã giảm hơn 1/2 ở hầu hết các khu vực trên thế giới, các công ty Trung Quốc đã bán tài sản trị giá hàng chục tỷ USD ở nước ngoài. Những lý do chính cho sự sụt giảm trong năm 2018 là Bắc Kinh đã duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với dòng vốn ra nước ngoài; gây áp lực cho các công ty lớn bán tài sản ở nước ngoài nhằm ổn định tính thanh khoản trong hệ thống tài chính trong nước và làm sạch các dòng vốn. Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc thấp là do phản ứng chính trị và pháp lý đối với vốn đầu tư Trung Quốc trên toàn cầu. Các nền kinh tế mới nổi đang đánh giá lại lợi ích các sáng kiến của Trung Quốc như “Vành đai và Con đường” và các dòng vốn liên quan, sự nghi ngờ ngày càng tăng về sự tương thích của hệ thống kinh tế Trung Quốc với các nền kinh tế thị trường đã tạo ra những rào cản pháp lý cao hơn và phản ứng ngày càng tăng đối với đầu tư của Trung Quốc.
Trong năm 2017 và 2018, nhiều chính phủ Châu Âu như Đức, Pháp và Vương quốc Anh đã đề xuất hoặc thông qua luật mới làm tăng sự giám sát M&A vì an ninh quốc gia. Chính quyền cũng chặn hoặc can thiệp một số vụ mua lại của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ, thông tin nhạy cảm, cơ sở hạ tầng quan trọng. Tháng 11 năm 2018, Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý áp dụng khuôn khổ mới để hướng dẫn sàng lọc đầu tư nước ngoài ở cấp EU. Các định chế này ảnh hưởng đến các mô hình đầu tư mới nhất của Trung Quốc và đặt ra trong bối cảnh với những thay đổi chính sách đang diễn ra ở Châu Âu.
Nam Âu chiếm khoảng 13% vốn FDI của Trung Quốc trong năm 2018, thấp hơn so với giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015. Đa phần trong số đó là do một số giao dịch M&A lớn: Công ty Orient Securities mua lại cổ phần của Imagina Media (Tây Ban Nha), mua lại NMS Group (Ý) của SARI, và một nhóm nhà đầu tư Trung Quốc mua lại Esaote (Ý)… Đầu tư của Trung Quốc vào các quốc gia Đông Âu đã giảm trong năm 2018. Khu vực này không có bất kỳ hoạt động M&A đáng kể nào từ các nhà đầu tư Trung Quốc và chỉ chiếm 1,5% trong tổng số đầu tư của Trung Quốc vào EU. Tuy nhiên, năm 2018 đã cho thấy một số tăng trưởng về vốn đầu tư vào lĩnh vực “xanh”, đặc biệt là trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D) và các dự án năng lượng tái tạo. Ví dụ điển hình là trang trại năng lượng mặt trời của Unisun ở Hungary, trung tâm Great Wall Motor’s R&D ở Áo và nhà máy của Nuctech ở Ba Lan. Tỷ lệ các công ty nhà nước trong tổng đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu đã giảm từ 80 đến 90% giai đoạn từ năm 2010 đến 2012 xuống còn 50 đến 60% trong 5 năm qua. Sau khi đạt mức thấp nhất vào năm 2016 (36%) thì tỷ lệ của các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) đã tăng trở lại trong năm 2017, đạt 71% và năm 2018 giảm xuống còn 41%.
Tháng 9 năm 2017, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã khởi động trên toàn EU xem xét lại FDI. Khung mới cho phép Ủy ban Châu Âu đưa ra ý kiến về các giao dịch liên quan đến nhiều quốc gia thành viên hoặc nhắm mục tiêu vào một dự án hoặc chương trình ảnh hưởng đến lợi ích của EU, các quốc gia thành viên có cơ chế sàng lọc các khoản FDI từ các quốc gia ngoài EU và xem xét các khoản đầu tư trong nội bộ EU liên quan đến các chủ sở hữu cuối cùng ngoài EU. Theo quy định này, các quốc gia thành viên sẽ xem xét kỹ các khoản đầu tư trong nội bộ EU của các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc như Logicor, Volvo hoặc Pirelli. Các quốc gia thành viên xem xét các rủi ro phát sinh từ những thay đổi đối với cơ cấu sở hữu hoặc các đặc điểm chính của nhà đầu tư nước ngoài. Mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu nộp báo cáo hàng năm về hoạt động FDI và yêu cầu liên lạc quốc gia về FDI. 7 trong số 28 quốc gia thành viên EU đã thiết lập hoặc cập nhật chế độ sàng lọc FDI trong 2 năm qua.
Bất chấp những thay đổi, triển vọng ngắn hạn đối với đầu tư của Trung Quốc vào EU là tương đối tốt. Vào đầu năm 2019, các nhà đầu tư Trung Quốc đã có hơn 15 tỷ EUR giao dịch được đề xuất đang chờ xử lý (bao gồm cả đề xuất mua lại Amer Sports của Anta với giá 4 tỷ EUR), điều này cho thấy EU vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu có thể sẽ tăng thêm từ sự mở rộng gần đây của chế độ sàng lọc đầu tư của Hoa Kỳ và sự xấu đi ngày càng lớn của quan hệ Mỹ - Trung, sẽ khiến một số nhà đầu tư chuyển vốn từ Bắc Mỹ sang Châu Âu. Việc sàng lọc đầu tư của EU sẽ định hình triển vọng dài hạn hơn khi các quốc gia thành viên thực hiện cải cách trong 18 tháng tới.
Các thành viên của EU có lập trường và phòng thủ hơn đối với sự tham gia kinh tế của Trung Quốc hiện đã vượt xa các đánh giá về FDI. Các tổ chức thuộc EU, chính phủ các quốc gia EU và các doanh nghiệp đang công khai các cách tiếp cận trong quá khứ và kêu gọi lập trường hơn đối với sự tham gia kinh tế và chính trị với Trung Quốc. Mặc dù cuộc tranh luận vẫn còn khá mới mẻ ở Châu Âu, nhưng nó diễn ra nhanh chóng và có khả năng sẽ định hình lại chính sách của Châu Âu đối với Trung Quốc ở nhiều khía cạnh bao gồm: kêu gọi một cách tiếp cận mới đối với chính sách cạnh tranh của EU để đáp trả các tập đoàn do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ, cẩn thận hơn về sự cởi mở các nguyên tắc của Châu Âu đối với các nhà thầu Trung Quốc trong đấu thầu công khai; giám sát chặt chẽ hơn về tuân thủ bảo mật dữ liệu của các nhà cung cấp dịch vụ Trung Quốc; cảnh báo chung hoặc thậm chí có các biện pháp trừng phạt nhằm đối phó với các cuộc tấn công mạng và các nỗ lực gián điệp khác; thực thi tuân thủ phòng chống rửa tiền và các quy định tài chính; phản ứng chống lại việc cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông của Trung Quốc cho các thị trường Châu Âu (Huawei và mạng 5G Châu Âu là một ví dụ). Những thay đổi về thái độ và sự xem xét ngày càng tăng trên một loạt các lĩnh vực chính sách và quy định có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư của Trung Quốc tại Châu Âu trong thời gian tới. Liên minh và các quốc gia thành viên đang quan tâm về bản chất và định hướng của hệ thống kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Nếu các nền kinh tế OECD đóng vai trò hướng dẫn, thì các lĩnh vực có khả năng nhất cho hành động chính sách bổ sung là kiểm soát xuất khẩu cho sử dụng kép và các công nghệ quan trọng, quy tắc bảo mật và bảo mật dữ liệu, quy tắc thu mua và chính sách cạnh tranh.
Thay vì mô phỏng chính sách của Hoa Kỳ và các quốc gia OECD khác, Châu Âu sẽ phải xác định các giải pháp riêng cho các thách thức trong các lĩnh vực chính sách để phù hợp với lợi ích, giá trị và thực tế chính trị của Châu Âu. Tốc độ và hiệu quả mà khung sàng lọc FDI mới của EU được tạo ra và thông qua cho thấy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên và Brussels có thể mang lại hiệu quả và kết quả cao. Bầu cử Châu Âu năm 2019 có khả năng ảnh hưởng đến các nỗ lực hướng tới một vị thế của Châu Âu về thương mại và đầu tư với Trung Quốc, những nỗ lực gần đây nhằm thể chế hóa sự phối hợp ở Brussels, sự đồng bộ ở nhiều thủ đô Châu Âu và sự phối hợp với các chính phủ OECD khác đã tăng cơ hội về sự gắn kết chiến lược lớn hơn của chính sách kinh tế đối ngoại Châu Âu đối với Trung Quốc ngay cả dưới sự lãnh đạo chính trị mới.
Trần Nguyễn
(Tổng hợp)