Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Nobel Kinh tế 1972 đóng góp tiên phong cho học thuyết mới

Giải Nobel Kinh tế có tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel. Giải này dành cho những nhân vật có đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế học, do Ngân hàng Thụy Điển đặt ra và tài trợ bắt đầu từ năm 1968 để kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng và cũng để tưởng niệm nhà bác học Thụy Điển, Alfred Bernhard Nobel.



Nobel kinh tế là giải thưởng danh giá nhất trong ngành khoa học này - Ảnh: guardian.co.uk

Ngày 25/10/1972, giải thưởng kinh tế của ngân hàng quốc gia Thụy Điển được trao cho giáo sư John R.Hicks, đại học Oxford – Anh Quốc và Giáo sư Kenneth J.Arrow, đại học Harvard – Hoa Kỳ vì đã có những đóng góp tiên phong trong học thuyết điểm cân bằng kinh tế tổng quát và thuyết phúc lợi. Có một điều thú vị là khi được trao giải vào năm 1972, Kenneth J. Arrow chỉ mới 51 tuổi, ông được xem là người trẻ nhất nhận giải Nobel.

John Richard Hicks (1904-1989) học kinh tế học tại Trường Kinh tế London và Đại học Oxford. Chính tại Trường Kinh tế London, ông đã tìm hiểu các trường phái kinh tế học khác nhau. Những đóng góp học thuật đầu tiên của ông là trong lĩnh vực kinh tế học vi mô. Phần lớn lý thuyết về cân bằng tổng thể sau này lấy công trình này làm nền tảng. Hicks cũng là người phát triển khái niệm về điểm cân bằng tạm thời. Trong phân tích phúc lợi kinh tế, đóng góp lớn nhất trong nhiều đóng góp của Hicks là đưa ra thước đo tính hiệu quả của phân bổ nguồn lực (hiệu quả Kaldor-Hicks).

Kenneth Joseph Arrow (sinh ngày 23 tháng 8 năm 1921), hiện là giáo sư danh dự của Đại học Stanford, là một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng nhất đương đại. Ông được công nhận là một trong những người sáng lập ra các thuyết kinh tế học tân cổ điển của thời đại mới (hậu Chiến tranh Thế giới II). Các công trình nghiên cứu quan trọng được xuất bản thành sách của ông có khá nhiều, tiêu biểu như Social Choice and Individual Values (1951), Essays in the Theory of Risk-Bearing (1971), General Competitive Analysis (1971)… 

Cả 2 giáo sư đã mở ra một con đường nghiên cứu hiệu quả và đóng góp chủ yếu vào sự cải tiến của lý thuyết điểm cân bằng kinh tế tổng quát. Giáo sư Hicks đã khởi xướng tiến trình này vào những năm 30 và Giáo sư Arrow đã bổ sung thêm những nội dung mới mẻ vào những năm 50 và 60 của thế kỷ XX. 



Đóng góp lớn nhất của Kenneth Joseph Arrow đối với lý thuyết phúc lợi là “định lý triển vọng”
Ảnh: internet

Năm 1817, nhà kinh tế học người Pháp Leon Walras đã xây dựng một học thuyết giải thích những điểm đặc trưng căn bản trong cơ cấu kinh tế quyết định sản lượng của những loại hàng hóa khác nhau ở một nước, mức giá nào sẽ chiếm ưu thế, và cách phân phối thu nhập giữa các nhóm dân cư trong cộng đồng. Học thuyết này đặt nền tảng cho một trong những phần quan trọng nhất của khoa học kinh tế - lý thuyết cân bằng tổng quát. Mục đích của nó là giải thích chính xác mối liên hệ qua lại giữa các hiện tượng kinh tế khác biệt trong một nền kinh tế, để từ đó rút ra một kết luận cơ sở về giá cả, cơ cấu sản xuất, và phân phối thu nhập. 

Năm 1939, tiến sĩ John Hicks đã thổi luồng sinh khí mới cho học thuyết điểm cân bằng tổng quát. Ông dựng nên một mô hình cân bằng hoàn chỉnh, được xây dựng một cách có hệ thống hơn từ trước đến nay với giả định về hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Hicks đã trình bày một mô hình cân bằng kinh tế trong đó bao gồm cả thị trường về hàng hoá, các nhân tố sản xuất, tín dụng và tiền tệ. Bằng việc gắn chặt vào các lý thuyết về hành vi của người tiêu dùng và của nhà kinh doanh, mô hình của Hicks đã mang lại thêm nhiều khả năng nghiên cứu toàn vẹn hơn về hậu quả của những thay đổi bên ngoài đối với các biến số cụ thể so với mô hình trước kia trong lĩnh vực này, và ông đã thành công trong việc hệ thống và biểu thức hoá các định lý thú vị về kinh tế học. Mô hình của ông đã trở thành một mô hình vô cùng quan trọng đồng thời là mối liên kết giữa mô hình cân bằng tổng quát và các lý thuyết hiện hành về chu kỳ kinh doanh, làm cho các phương trình trong hệ thống trở nên cụ thể hơn. 

Hicks đã sử dụng phép phân tích vi phân truyền thống là một công cụ Toán học. Sau đó, khi nhiều ứng dụng Toán học hiện đại hơn được đưa vào kinh tế học, Arrow đã sử dụng chúng để nghiên cứu đặc tính của các hệ thống cân bằng tổng quát. Từ đó, ông đã xây dựng nền tảng để thay đổi hoàn toàn lý thuyết truyền thống về điểm cân bằng. Thông qua sự tái lập công thức, dựa trên lý thuyết toán học về tập hợp lồi, lý thuyết cân bằng đã đạt được đặc tính tổng quát và đơn giản. Cùng với tác giả Gerhard Debru, năm 1954 ông đã tạo ra một mô hình rất trừu tượng, dựa trên thuyết tập hợp toán, đã mở ra nhiều khả năng mới để có được các phép phân tích thú vị. Mô hình này đã trở thành xuất phát điểm cho phần lớn các công trình nghiên cứu sâu hơn sau này. Trong nhiều những đóng góp quan trọng của Arrow, thế giới đánh giá cao sự phát triển của ông đối với lý thuyết về tính không chắc chắn và sự hợp nhất với hệ thống lý thuyết cân bằng tổng quát.

Từ lý thuyết cân bằng tổng quát cho tới lý thuyết phúc lợi là một nấc thang ngắn và cả hai nhà kinh tế học đều có nhiều thành tựu đóng góp để phát triển kinh tế học phúc lợi. Đóng góp nổi bật nhất của Hicks đối với lý thuyết phúc lợi là việc phân tích các tiêu chuẩn để so sánh các tình huống kinh tế khác nhau và việc điều chỉnh lại khái niệm về thặng dư tiêu dùng. Với hình mẫu mới, khái niệm này đã có sự tác động to lớn như trong phân tích về chi phí - lợi ích. Arrow đã tổng quát hóa định lý nổi tiếng về điểm tối ưu Pareto của một điểm cân bằng cạnh tranh và ông đã chứng minh tồn tại xu hướng không đạt tới sự tối ưu trong việc phân phối các nguồn lực giữa nghiên cứu và đầu tư về tư bản thực. Và có lẽ đóng góp lớn nhất của Arrow đối với lý thuyết phúc lợi là “định lý triển vọng”, theo đó chúng ta không thể xây dựng hàm phúc lợi xã hội mà không tính đến hàm ưa thích của mỗi cá nhân.

Tuy sống và làm việc ở hai thế hệ khác nhau nhưng công trình nghiên cứu của Hicks và Arrow đã đóng góp rất nhiều cho hậu thế khám phá nhiều điều thú vị trong Kinh tế học.

Kim Chi
(Tổng hợp và lược dịch)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán