Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Nông dân tại Zimbabwe chật vật với nợ trong “cơn sốt” thuốc lá

Thuốc lá Zimbabwe một lần nữa lại bùng nổ về lợi nhuận. Các sàn đấu giá nhằm xuất khẩu loại “lá vàng” này ra khắp thế giới cũng theo đó ăn nên làm ra.

Nếu như trước kia thuốc lá hầu hết được người da trắng sản xuất thì phần lớn nông dân thuốc lá hiện nay là người da đen. Song, rất nhiều người trồng thuốc lá quy mô nhỏ lên tiếng về việc các thương lái lừa họ rơi vào bẫy nợ.

Rosemary Dzodza vừa qua phải di chuyển hơn 200 km đến thủ đô Harare để bán số thuốc lá vừa thu hoạch và hy vọng sẽ kiếm được kha khá tiền. Người nông dân 60 tuổi này phải chịu cảnh màn trời chiếu đất trong 2 tuần chờ tiền công.



Một nông dân thuốc lá kiên nhẫn chờ phần thuốc của mình được mang ra đấu giá - Ảnh: apnews

Tuy nhiên, số tiền bà nhận được chỉ bằng một phần nhỏ tổng giá trị được nêu lên trong buổi đấu giá. Bà run lên đầy giận dữ: “Thuốc lá của tôi bán được 7.000 USD nhưng tôi chỉ ra về với số tiền còn ít hơn 400 USD.” Phần lớn còn lại rơi vào tay thương lái, người đã cho bà vay vốn để trang trải chi phí phân bón, hạt giống, nhân công, củi sấy, và thậm chí là tiền mua một số lương thực thực phẩm thể theo hợp đồng canh tác.

Không chỉ trả vốn lẫn lãi, Dzodza còn bị buộc phải bán nông sản của mình với mức giá bên thương lái đưa ra. Thương lái sau đó sẽ bán chỗ thuốc lá cho người mua đưa ra giá cao nhất hoặc cho một thương lái khác, đa phần là các thương lái xuất khẩu thuốc lá qua Trung Quốc.



Người trồng thuốc lá và bên chủ trì đấu giá kiểm định chất lượng trước buổi đấu giá - Ảnh: apnews

Trong khoảng thời gian 60 năm cuối thế kỷ 20, thuốc lá là mặt hàng xuất khẩu giá trị cao đem lại lợi nhuận cho các nông dân da trắng. Nhưng từ sau năm 2000, khi người ủng hộ Robert Mugabe nổi dậy giành lấy đồn điền từ tay người da trắng, sản lượng thuốc lá sụt giảm. Từ đỉnh điểm 260 kg vào năm 1998, sản lượng thuốc lá sấy bằng khí nóng giảm xuống còn 50 kg năm 2008.

Kể từ đó, người da đen bắt đầu thu hoạch được nhiều thuốc lá hơn. Số lượng nông dân da đen, chủ yếu canh tác quy mô nhỏ, tăng vượt con số 145.000 người. Vài năm gần đây, tổng lượng thuốc lá thu hoạch phục hồi ấn tượng. Con số năm nay được dự đoán sẽ đạt 200 triệu kg, cao hơn 180 kg năm ngoái.

Các ngân hàng thương mại tại Zimbabwe từng cho các nông dân da trắng vay vốn để trang trải vật tư sản xuất. Tuy nhiên, nhiều năm trước, họ đã bỏ dịch vụ này bởi chính phủ chưa cấp giấy sang tên cho các nông dân da đen canh tác trên phần đất trước đây thuộc sở hữu của người da trắng.



Bảo vệ canh gác khu đấu giá tại Harare hôm 8 tháng 4 - Ảnh: apnews

Các hợp đồng canh tác giúp nông dân da đen có thể hoà vào “cơn sốt” trồng thuốc lá. Tuy ban đầu được các thương lái Trung Quốc khởi phát, “cơn sốt” này hiện nay cũng thu hút hàng tá thương gia Zimbabwe. Theo Ban Công nghiệp Tiếp thị Thuốc lá (TIMB), 96% nông dân thuốc lá được các hợp đồng canh tác tài trợ. Các hợp đồng này được đánh giá là đã phục hưng ngành thuốc lá và khẳng định vị thế của Zimbabwe - quốc gia sản xuất thuốc lá hàng đầu Châu Phi.



Một số nông dân thuốc lá ngủ ngay ngoài khu vực đấu giá hôm 14 tháng 4 - Ảnh: apnews

Song, nhiều nông dân da đen cho biết các thương lái tham lam đang bòn rút họ. Khoản vay luôn đi kèm lãi cắt cổ và nhiều nông dân đã sập bẫy hợp đồng, theo George Seremwe, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Zimbabwe. Ông cho biết: “Trồng thuốc lá chỉ có lỗ. Người nông dân lúc nào cũng vướng nợ, ngay sau khi trả được khoản vay cũ thì họ lại phải vay khoản mới. Năm này qua năm khác, các khoản tiền tích luỹ thành nợ.” Một số nông dân phải bán cả gia súc - tài sản duy nhất của họ - cho thương nhân sau khi không thể trả nổi khoản vay vì mùa màng thất bát. Ông Seremwe sau đó có nhận định thương nhân “bất chính” cũng là một “tệ nạn”.

Năm nay, TIMB đã giải thoát khoảng 20.000 nông dân khỏi các hợp đồng bất lợi, được lập ra bởi những thương lái thổi phồng giá vật tư. Theo một nghiên cứu được Tobacco Control - một chuyên san về thuốc lá - công bố năm ngoái, hơn 90% nông dân muốn chấm dứt các hợp đồng canh tác, nhưng lại không tìm được nguồn vay vốn khác. Cũng theo nghiên cứu, gần 60% nông dân cho biết họ đang vướng nợ.

Nghiên cứu cho biết: “Không có bằng chứng nào cho thấy tình hình canh tác thuốc lá hiện tại có lợi cho nông dân thuốc lá (da đen). Phần lớn người trồng thuốc là nạn nhân, chứ không phải là người thụ hưởng trong các thương vụ này.”

Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ các nông dân được chuyển đến canh tác tại vùng đất mới không thể huy động tiềm lực tài chính thông qua các ngân hàng, theo nhà phân tích kiêm chuyên gia kinh tế học John Robertson.

Chính phủ cho rằng giải pháp chính là Ngân hàng Đất được thành lập vào tháng 4 vừa qua. Người trồng thuốc lá có thể đến đây vay vốn với lãi suất vừa phải. Nhiều người nghi ngờ tuyên bố này, trong khi những nông dân như Dzodza chỉ mong sao ngân hàng thực hiện đúng sứ mệnh của nó. “Nếu không, tôi phải tiếp tục chịu ách hợp đồng canh tác,” bà nói.



Bên chủ trì đấu giá kiểm định chất lượng thuốc lá hôm 8 tháng 4 - Ảnh: apnews

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 140

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán