Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế xã hội TP. HCM và đề xuất chính sách thúc đẩy đà tăng trưởng cho năm 2020

Hiện nay, dịch Covid-19 đang là nhân tố chính ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới, trong nước, trong đó có TP. HCM. Bài viết này đánh giá tác động chính của dịch Covid-10 đến tình hình kinh tế - xã hội của TP. HCM và thảo luận những biện pháp chính sách nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 của Thành Phố.

• Tình hình kinh tế thế giới

Rất ảm đạm là bức tranh chung về triển vọng của kinh tế và thương mại thế giới trong thời gian tới, WTO (8/4/2020) dự báo thương mại toàn cầu năm 2020 sụt giảm khoảng 13-32% so với năm trước.

Về tăng trưởng kinh tế, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và khu vực có chung xu hướng suy giảm, thậm chí chính thức bước vào giai đoạn suy thoái. Tăng trưởng GDP của Mỹ cả năm -0,5%, thấp hơn nhiều so với năm 2019 (tăng 2,3%). Trong khi đó, dự báo tăng trưởng kinh tế của EU -8,4% cả năm 2020.

Các chỉ số trên thị trường tài chính quốc tế biến động mạnh, cả về giá cổ phiếu và lợi tức trái phiếu. Giá dầu WTI sụt giảm xuống dưới 0 USD/thùng là xuất phát từ việc giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm mạnh cùng kho dự trữ xăng dầu quá tải.

Nói tóm lại, kinh tế thế giới đã chịu tác động tiêu cực và đã xuất hiện nhiều dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra: tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh, thậm chí tăng trưởng âm; tình trạng thất nghiệp/số đơn xin trợ cấp tăng nhanh, đặc biệt là ở Mỹ.

• Tình hình kinh tế Việt Nam

Dự báo tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam dựa trên tổng cầu, nhóm nghiên cứu SIU phân tích theo 3 kịch bản (cơ sở, tích cực, tiêu cực) được tổng hợp trong bảng 1 bên dưới.

Dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động mạnh nhất tới nền kinh tế Việt Nam bắt đầu từ quý 2/2020, cho dù thời điểm được kiểm soát được dịch bệnh dự báo được khống chế hoàn toàn giữa tháng 5 và các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường thì tăng trưởng GDP quý II vẫn âm 3,3%.

Bảng 1 : Dự báo tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam năm 2020 theo 3 kịch bản

(cập nhật ngày 9/4/2020)

Nguồn : WB, ADB, Tổng cục thống kê năm 2020

Tác động của đại dịch lần này tác động mạnh hơn đến khu vực phi chính thức của nền kinh tế Việt Nam do bị ảnh hưởng mạnh nhất khi các biện pháp phong tỏa khiến khu vực này dừng hoạt động.

Lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: vận tải & kho bãi, dịch vụ lưu trú & ăn uống, nghệ thuật & giải trí, giáo dục với tốc độ tăng trưởng ước giảm 20-50%, thậm chí 25-70%.

• Tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh

Quý 1/2020, GRDP của thành phố tăng 0,42%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do ngành dịch vụ (chiếm tỷ trọng lớn nhất, 60.63%, trong GRDP của thành phố lại có tốc độ tăng trưởng âm so với cùng kỳ (giảm 1,23%).

Về phía cầu, có thể thấy rằng chịu tác động nhiều nhất là khu vực thương mại dịch vụ, khi mức tăng của khu vực này chỉ bằng 98,77%, giảm 1,23% so với cùng kỳ. Một số ngành có nhiều hoạt động kinh doanh sôi nổi trước đây hiện rơi vào tình trạng suy thoái, hoạt động cầm chừng. Có 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm như: vận tải kho bãi giảm 0,37%; kinh doanh bất động sản giảm 12,85%; giáo dục và đào tạo giảm 26,57%; y tế và hoạt động cứu trợ giảm 2,92%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 31,69%. Do người dân hạn chế đi lại, doanh thu một số dịch vụ bị sụt giảm, trong quý 1/2020 doanh thu bán lẻ TPHCM giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019. Ngành du lịch và dịch vụ ăn uống chịu tác động nặng nề từ dịch Covid, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 30,3% so với cùng kỳ.

Về phía cung, do dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, quy mô sản xuất bị thu hẹp và một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động.

Tình hình lao động việc làm: theo kết quả khảo sát của trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh cho thấy có 25,15% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm việc (46,34%), tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (19,5%), tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ tiền lương (29,16%) và cho lao động thôi việc (5%).

• Dự báo kịch bản và xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam và Tp.HCM

Với kịch bản cơ sở, nhóm nghiên cứu SIU nhận định một số ngành sẽ có sự hồi phục chậm hơn do còn phụ thuộc vào diễn biến dịch trên thế giới, dự báo hết quý 3/2020.

Với kịch bản tích cực, đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào giữa quý 3/2020; tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 1,4 điểm % và đạt mức 5,4-5,6%.

Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, đại dịch không được kiểm soát đến hết quý 3; tăng trưởng GDP Việt Nam giảm khoảng 2,58 %, đạt mức 4,07-4,42% năm 2020.

Kết quả lượng hóa này của nhóm cũng khá tương đồng với kết quả dự báo của World Bank và của ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020.

Với kịch bản kinh tế Việt Nam dự báo, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế thành phố trong quý 2/2020 như sau: (1) nhu cầu sử dụng một số dịch vụ trong nước suy giảm trong quý 2, (2) nhu cầu thế giới cũng giảm mạnh khiến cho kim ngạch xuất khẩu suy giảm và (3) doanh thu từ du lịch, hàng không, vận tải giảm mạnh do Việt Nam có lệnh cấm nhập cảnh tất cả người nước ngoài từ ngày 22 tháng 3 để hạn chế sự lây lan của COVID-19, (4) quy mô sản xuất của một số ngành công nghiệp sẽ bị thu hẹp, (5) tăng trưởng thuế sẽ giảm do hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội ở mức khả quan tối đa, nhóm nghiên cứu SIU kiến nghị một số giải pháp đưa ra.

Giải pháp trước mắt:

• Phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả;

• Tập trung đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ;

• Thủ tục hành chính cần được giảm thiểu tối đa cùng với ứng dụng CNTT.

• Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công.

• Nghiên cứu và cập nhật kịch bản phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Giải pháp lâu dài:

• Thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác.

• Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo.

• Nâng cao khả năng chống chịu đối với các cú sốc từ bên ngoài;

• Cần có chiến lược dài hạn về cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh.

• Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch điện tử, thanh toán điện tử.

• Tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng.

• Đánh giá, báo cáo tổng hợp, rút kinh nghiệm về dịch bệnh;

Ngoài giải pháp của quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ khuyến khích triển khai những chính sách đặc thù cụ thể sau:

• Bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, cam kết bình ổn giá hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.

• Hệ thống Ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn.

• Phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân.

• Thực hiện tốt các gói an sinh xã hội và gói hỗ trợ doanh nghiệp để tạo niềm tin.

Nhóm tác giả Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn (SIU)

SIU Review - số 138

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán