Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Tầm ảnh hưởng các nền kinh tế lớn trong Eurozone

Nền kinh tế Đức lớn thứ sáu thế giới sau Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản với quy mô 3.479 nghìn tỷ USD trong năm 2016. Tăng trưởng GDP là 1,9% (năm 2015 là 1,5%), GDP bình quân đầu người là 48.400 USD, cao hơn năm 2015 là 48.000 USD (so với Hoa Kỳ là 57.400 USD/người/năm và cao hơn 39.200 USD trong khối EU).

Giống như nhiều thành viên khác trong Eurozone, sức mạnh của đồng euro đồng nghĩa với việc duy trì lãi suất ở mức thấp, dẫn đến thúc đẩy đầu tư. Trên thực tế, Đức đạt được lợi nhuận cao nhất từ những thành viên trong khối EU. Cơ sở sản xuất tốt và nhiều hàng hóa để xuất khẩu trong khối Eurozone cho phép các công ty Đức có được lợi thế cạnh tranh, tạo sự thịnh vượng và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Kết quả là thị trường nội địa gần đây đã trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Angela Merkel là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2005. Cuộc suy thoái đã cho phép thủ tướng Merkel đẩy mạnh nỗ lực kích thích và cắt giảm thuế. Điều này làm cho thâm hụt ngân sách Đức giảm 3,3%. Bà Merkel đã phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng như tăng thuế bán hàng và đánh thuế cao hơn đối với người giàu có. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2016 là 4,2% (trong thời kỳ suy thoái kinh tế là 7,7%). Đức vượt qua Anh trở thành nước phát triển nhanh nhất trong khối G7 vào năm 2016 và là nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Theo nhà kinh tế Alan Clarke của ngân hàng Scotiabank: “Tăng trưởng kinh tế Anh Quốc năm 2016 thấp hơn nhiều so với Đức - Anh không còn là nước tăng trưởng nhanh nhất trong khối G7”.



Christine Lagarde - Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và Thủ tướng Đức Angela Merkel

Đức là cường quốc kinh tế lớn nhất ở châu Âu. Do tính dễ tổn thương của quốc gia này từ ảnh hưởng bên ngoài như các biện pháp trừng phạt của EU và Nga và sự chậm chạp từ các đối tác khu vực đồng Euro, hiệu quả kinh tế của Đức đã bị giới hạn trong những năm gần đây. Tuy nhiên do doanh thu xuất khẩu mạnh, Đức có vị thế kinh tế tốt hơn các nước châu Âu. Năm 2016, Đức đã kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô. Năm thứ ba liên tiếp, nước này có thặng dư ngân sách và nợ công với 68% GDP, cao hơn mức giới hạn 60% GDP của EU. Chính phủ đang đi đúng hướng để đạt được thành công trong mục tiêu giảm 60% GDP vào năm 2024. Mặc dù suy thoái nhẹ, tài khoản vãng lai vẫn lớn là do thặng dư cán cân thương mại lớn. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức giảm xuống dưới 5% (4,1% vào năm 2016), mức thấp nhất trong 25 năm qua và có hơn 43 triệu công nhân có việc làm - con số cao nhất từng được ghi nhận. Tuy nhiên, những thách thức về hội nhập và duy trì sự gắn kết xã hội vẫn tồn tại. Những chỉ trích về người di cư và người tị nạn vẫn tiếp tục diễn ra. Ngoài ra, sự bất bình đẳng ở Đức cao nhất trong khối EU. Trong tháng 11, liên minh đàm phán để thành lập một chính phủ mới đã thất bại ở Đức, một quốc gia mà trong nhiều năm cho thấy sự ổn định ở khu vực đồng tiền chung. Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã rút khỏi cuộc đàm phán, nguyên nhân chủ yếu là các vấn đề về chính sách nhập cư, khác với mong đợi một liên minh giữa Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh (Greens). Động thái này đã đẩy đất nước vào thế khó, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier giờ đây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định trong các sự kiện. Trong ngắn hạn, tình trạng bất ổn sẽ không gây hậu quả kinh tế; tuy nhiên, một chính phủ mạnh mẽ là cần thiết để vượt qua những cải cách quan trọng. 

Theo Eurostat, kinh tế Eurozone tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong quý III năm 2017. GDP đã tăng 0,6% trong quý III so với quý II, và thấp hơn 0,2% so với quý I. Các động lực kinh tế của khu vực vẫn giữ nguyên, như chính sách tiền tệ, thị trường lao động hồi phục và hoạt động hỗ trợ từ bên ngoài lành mạnh. Eurozone đang trên đà phát triển với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2007 (với dự báo là 2,2% trong năm 2017). Các dữ liệu cho thấy các nền kinh tế ở các nước lớn như Đức, Ý, Phần Lan, Latvia và Bồ Đào Nha tăng, xuất khẩu và đầu tư tăng trưởng ở Đức, trong khi hiệu suất trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng ở Ý. Ở Tây Ban Nha, tình hình chính trị vẫn còn bất ổn giữa chính quyền trung ương và chính quyền vùng Catalonia. Trong khi đó, các cuộc bầu cử ở Ý sẽ diễn ra vào đầu năm 2018. Các quốc gia thuộc khu vực châu Âu vẫn đang chờ kết quả các cuộc đàm phán Brexit sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kết quả kinh tế và khu vực EU. Anh Quốc sẽ đệ trình một đề xuất về cách giải quyết dự luật trước cuộc họp ngày 14 & 15/12/2017 của các nhà lập pháp EU và đưa ra đề xuất chi phí rời EU là khoảng 40 tỷ bảng. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn 60 tỷ bảng mà các quan chức EU đưa ra.   



Cuộc họp của các lãnh đạo Eurozone

Triển vọng kinh tế năm 2018 của Eurozone sẽ khởi sắc khi GDP quý III năm 2017 là tích cực. Nền kinh tế khu vực Eurozone đang trên đà phục hồi với những động lực thúc đẩy từ thị trường lao động và các điều kiện tài chính được cải thiện. FocusEconomics dự báo GDP sẽ tăng trưởng 2% vào năm 2018. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế ở mức 1,7%. Hầu như tất cả các nền kinh tế trong khu vực châu Âu đều có triển vọng vào năm 2018 với dự báo tăng trưởng GDP của 13 quốc gia trong đó có Pháp, Đức và Ý. Latvia, Luxembourg và Malta được dự báo sẽ là những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Âu vào năm 2018 với mức tăng trưởng từ 3,6% trở lên. Ngược lại, Ý sẽ là nền kinh tế phát triển chậm nhất trong khu vực với dự báo tăng trưởng là 1,3%. Các nền kinh tế lớn khác trong khu vực như Tây Ban Nha sẽ vượt trội so với các nước còn lại với mức tăng trưởng 2,6%. Đức là 2,0%, tiếp theo là Pháp với 1,8%. 

Tại Đức đàm phán liên minh cầm quyền đã thất bại vào ngày 19 tháng 11, nguyên nhân có thể là do sự khác biệt về chính sách nhập cư và khả năng có cuộc bầu cử mới làm tăng thêm sự không chắc chắn về chính trị. Sự suy thoái có thể là tạm thời nhưng thị trường lao động dồi dào và lạm phát thấp đã khiến cho tiêu dùng gia đình tăng. Sự tích cực trong các nền kinh tế khu vực đồng euro và Mỹ đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng trong quý III năm 2017, các chỉ số cho thấy xu hướng tích cực có thể sẽ kéo dài đến cuối năm và tiếp tục vào năm 2018. Lãi suất thấp và thị trường lao động dồi dào có thể sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân và tiêu dùng của hộ gia đình từ việc tăng lương. Hơn nữa, nhu cầu lao động đang vượt trội nguồn cung lao động. Rủi ro chính trị kéo dài đặt ra nguy cơ giảm tăng trưởng cho cả Đức và EU. Các phân tích cho thấy tăng trưởng GDP ở mức 2,0% vào năm 2018 (tăng 0,1% so với dự đoán trước đó) và 1,7% vào năm 2019.

Tại Pháp, thống kê cho thấy nền kinh tế tăng trưởng 0,5% trong quý III năm so với quý trước, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp tăng trưởng quý đạt mức 0,5%. Tăng trưởng trong quý III đã được củng cố bằng đầu tư cố định bền vững và sự gia tăng trong tiêu dùng cá nhân, cải cách lao động do tổng thống Francois Hollande thực hiện trước đó là một sự tích cực bất ngờ đối với chính phủ và đưa nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng 1,8% trong năm 2017. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ước tính về thu nhập, chi tiêu và phạm vi chương trình cải cách của chính phủ. Giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo niềm tin kinh doanh và tăng trưởng trong đầu tư cố định tạo động lực cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những năm tới. Theo dự báo của FocusEconomics Consensus, GDP sẽ tăng 1,8% vào năm 2018 và năm 2019 là 1,6%. 



Cuộc họp của các lãnh đạo Eurozone

Nền kinh tế Eurozone trong quý III tăng trưởng nhanh nhất trong hơn 5 năm. Ngày 27/10/2017, S&P Global Ratings xếp hạng tín dụng của Ý từ BBB- sang BBB, cho thấy rủi ro trong ngành ngân hàng giảm, đầu tư và việc làm tăng ổn định, sự tin tưởng của khách hàng doanh nghiệp và người tiêu dùng đã được cải thiện vào tháng 10 và chỉ số PMI (Purchasing Managers' Index) về sản xuất đạt mức cao trong nhiều năm do sự mở rộng sản lượng và đơn hàng mới. Mặc dù có một số cải tiến nhưng ngành ngân hàng vẫn còn yếu ớt, cổ phiếu nợ công ngày càng tăng trong tháng 9/2017. Trước tình hình tài chính đáng lo ngại của Ý, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ yêu cầu các biện pháp, chính sách bổ sung từ chính phủ trong thời gian tới và một khung thuế doanh nghiệp được cải thiện sẽ hỗ trợ đầu tư trong năm tới, làm nền tảng cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, tăng trưởng dự kiến sẽ là khiêm tốn do năng suất trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp cao có thể kéo theo chi tiêu hộ gia đình giảm, nợ công lớn và dư nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, gây ra những rủi ro đáng kể đối với sự ổn định. Dự báo tăng trưởng là 1,3% trong năm 2018, và tăng trưởng 1,1% vào năm 2019.



Jeroen Dijsselbloem - Chủ tịch Eurogroup phát biểu tại cuộc họp Eurogroup vào ngày 6 tháng 11 năm 2017 - Ảnh: Liên minh châu Âu

Cuộc khủng hoảng ở Catalonia vẫn còn và những thiệt hại kinh tế vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Ước tính sơ bộ cho thấy kinh tế của Tây Ban Nha vẫn duy trì ổn định trong quý III/2017 với mức tăng trưởng GDP là 0,8% nhưng sắp tới nó sẽ bị chi phối bởi sự tranh chấp giữa các đảng ủng hộ độc lập ở Catalonia và chính phủ Tây Ban Nha. Mặc dù chính phủ đã giành quyền kiểm soát Catalonia vào cuối tháng 10/2017 và kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử khu vực vào ngày 21/12/2017. Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động kinh tế, nhưng tăng trưởng việc làm đã tăng mạnh trong tháng 10. Tuy nhiên chỉ số PMI (Purchasing Managers' Index) về dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng do các thông tin về cuộc bỏ phiếu ngày 01/10/2017 đã làm trì hoãn việc ra quyết định của khách hàng. FocusEconomics dự báo, kinh tế sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2018. Các căng thẳng chính trị kéo dài sẽ không hỗ trợ tăng trưởng khi tốc độ tạo công ăn việc làm chậm lại và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất, trong khi sức mạnh của đồng euro sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Năm 2019, dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại xuống 2,2%.   

Theo BRUSSELS (AP), Giám đốc điều hành của Liên minh châu Âu cho biết khối này sẽ tập trung vào việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế có lợi cho tất cả các bộ phận của xã hội thông qua các chính sách nhằm tăng trưởng, đầu tư và cải cách việc làm vào năm 2018. Ủy ban châu Âu cho biết, trong khi nền kinh tế đang phát triển tốt, thì tiền lương vẫn đang tăng chậm và một số nước tiếp tục phải đối mặt với nợ nần cao. Ủy ban tài chính công của chính phủ các nước cho biết nợ của Ý là một mối quan ngại và Pháp đang chuyển động quá chậm trong việc giảm thâm hụt ngân sách. Ông Pierre Moscovici - Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế - cho biết: “Các quốc gia nên sử dụng cơ hội này để củng cố hơn nữa tài chính công, cũng như về mặt cơ cấu, trong khi những nước có dư địa về tài khóa nên sử dụng cơ hội này để hỗ trợ đầu tư vì lợi ích của công dân”. Tình hình hiện tại đòi hỏi sự kết hợp của các chính sách mở rộng ngắn hạn mà các quốc gia giàu có phải dẫn dắt hoặc chấp nhận, đặc biệt là Đức phải thừa nhận và chấp nhận rằng không phải tất cả các khoản nợ của Hy Lạp sẽ được thanh toán hoặc các khoản thanh toán dịch vụ nợ sẽ không được thực hiện đúng thời gian và với lãi suất ban đầu.

Trần Nguyễn
(Tổng hợp)

SIU Review - số 137

Thông tin tuyển dụng

Thông tin cần biết

icon Giá vàng
icon Tỷ giá ngoại tệ
icon Chứng khoán