Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Trong vài thập kỷ qua, sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hình thành nên các ngành công nghiệp cần nhu cầu cao về năng lượng. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp năng lượng lâu dài để duy trì nền công nghiệp là cần thiết. Trung Quốc đã đầu tư vào châu Phi thông qua việc đẩy mạnh các ngành khai thác dầu mỏ. Các công ty Trung Quốc cũng đang đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh ở châu Phi như cơ sở hạ tầng, sản xuất, viễn thông và nông nghiệp.
Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất và tiêu dùng năng lượng lớn nhất thế giới. Mặc dù dựa vào than để đáp ứng nhu cầu về năng lượng nhưng Trung Quốc vẫn đứng thứ 2 trên thế giới về việc tiêu thụ dầu mỏ và đã trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới trong những năm gần đây. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Trung Quốc sẽ trở thành nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới vào năm 2030. Nguồn nhập khẩu dầu lớn thứ 2 của Trung Quốc là châu Phi sau Trung Đông với 1,4 triệu thùng/ngày. Mặc dù tăng trưởng năng lượng của Trung Quốc giảm xuống còn 6,7% trong năm 2016 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhưng nước này vẫn là quốc gia tăng trưởng năng lượng cao.
Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và châu Phi đã trở nên gắn kết hơn, Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong năm 2009. Trung Quốc nhập khẩu từ 15% - 16% hàng hóa trong năm 2016 của châu Phi, phần lớn là nhiên liệu, khoáng sản, dầu thô, quặng sắt, kim loại, một lượng nhỏ lương thực, nông sản. Trung Quốc xuất khẩu máy móc, phương tiện vận tải, thiết bị liên lạc, đồ gia dụng…
Theo chuyên gia Deborah Brautigam thuộc Tổ chức Sáng kiến Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi (SAIS-CARI), Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận đa chiều trong quan hệ kinh tế với châu Phi. Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn (Foreign direct investment - FDI) vào châu Phi: cung cấp các khoản vay phát triển cho các nước giàu tài nguyên, đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các vùng thương mại và hợp tác kinh tế, đặc biệt ở một số nước như Ethiopia, Nigeria và Zambia. Các kênh tài chính của Trung Quốc với các khoản vay và tín dụng do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Quỹ Phát triển Trung Quốc - châu Phi cung cấp. Theo SAIS-CARI, từ năm 2000 đến năm 2014 Trung Quốc cho châu Phi vay hơn 86 tỷ USD; các nước Angola, Congo, Ethiopia, Kenya và Sudan là những nước nhận hỗ trợ nhiều nhất. Tuy nhiên, các khoản vay lớn đang bắt đầu đặt câu hỏi về nợ xấu ở các nước này. Bắc Kinh đã đa dạng hóa các lợi ích kinh doanh của mình ở châu Phi và tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng, khai thác mỏ, viễn thông, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sắt, bến cảng, sân bay, bệnh viện, trường học… Quỹ đầu tư nhà nước và tư nhân cũng đã thiết lập vào các đồn điền thuốc lá, cao su, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy các công ty Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường mới như hàng tiêu dùng và tăng công suất cho ngành công nghiệp. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi phù hợp với khuôn khổ phát triển của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - “Một vành đai, một con đường”.
Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại Tòa nhà Liên minh ở Pretoria
Các cuộc điều tra ý kiến cho thấy phần nhiều các nước châu Phi nhìn nhận Trung Quốc có ảnh hưởng lớn cũng như có những đóng góp đối với sự phát triển của châu Phi. Trung bình 63% người châu Phi nhìn nhận ảnh hưởng kinh tế và chính trị từ Trung Quốc là tích cực.
Tuyến đường sắt Addis Ababa - Djibouti ở Ethiopia năm 2016 với kinh phí đầu tư 40 tỷ USD của tập đoàn đường sắt Trung Quốc. Theo ông Aboubaker Omar Hadi, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Khu cảng và Khu Tự do Djibouti, Trung Quốc đã đầu tư gần 15 tỷ USD vào việc mở rộng cảng và phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến Djibouti.
Đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã làm sụt giảm tốc độ tăng trưởng tại khu vực tiểu vùng Sahara, GDP trong năm 2011 là 5% đã giảm xuống còn 1,4% vào năm 2016 (theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF).
Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt mức cao năm 2016 với 198,5 tỷ USD và hiện có khoảng 1 triệu người Trung Quốc sống và làm việc ở châu Phi. Sự hiện diện ở châu Phi đã gây ra tranh cãi, về việc Trung Quốc đang khai thác nguồn tài nguyên của châu Phi và một loạt các sai phạm pháp lý của các công ty Trung Quốc, trong khi các quan chức Trung Quốc thì cho rằng họ đã giúp cải thiện tình trạng của châu Phi. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng trong quý I năm 2017, khi đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi tăng 64%, tổng thương mại của Trung Quốc với châu Phi tăng 16,8% - lên 38,8 tỷ USD. Đầu tư phi tài chính của Trung Quốc vào châu lục này cũng đã tăng 64% trong quý I năm 2017, trong khi các nước như Djibouti, Senegal và Nam Phi đều tăng hơn 100% trong quý này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố kế hoạch 60 tỷ USD vào các dự án phát triển châu Phi tại Johannesburg năm 2015 nhằm thúc đẩy nông nghiệp, giao thông, bến cảng, đường sắt và xóa một số khoản nợ.
Châu Phi là một thị trường lớn đang nổi lên với dân số tăng nhanh, rất nhiều cơ hội kinh doanh cho các nước như Trung Quốc. Trong thập kỷ qua, 6 trong số 10 quốc gia phát triển nhanh nhất trên thế giới là các nước châu Phi. Nam Phi là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nước nhận đầu tư lớn thứ 2 từ Trung Quốc vượt qua Nigeria dựa trên số lượng các giao dịch mà Trung Quốc đã thực hiện với từng quốc gia châu Phi.
Trần Nguyễn
(Tổng hợp)