Trang chủ»Kinh tế»Những vấn đề kinh tế

Những vấn đề kinh tế

Tỷ lệ thất nghiệp cao ở giới trẻ Trung Quốc và hiện tượng “tuổi trẻ đắp chiếu”

Tình hình thất nghiệp gia tăng tại Trung Quốc khiến hàng triệu sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân buộc phải chọn nghề lương thấp hay thậm chí sống nhờ vào lương hưu của cha mẹ, dẫn đến sự hình thành “tuổi trẻ đắp chiếu”.



Người tìm việc tụ họp đông đúc trong ngày hội việc làm tại Quảng trường Giải phóng ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc hôm 25/02/2018 - Ảnh: Jason Lee/Reuters

Cụm từ gây bão mạng xã hội năm 2024 trên được so sánh với một cụm tương đương là “nhà đắp chiếu”, vốn chỉ hàng chục triệu ngôi nhà bỏ dang dở, ảnh hưởng thậm tệ nền kinh tế Trung Quốc từ 2021.

Trong bối cảnh thị trường lao động vẫn còn phục hồi hậu Covid, cộng thêm việc chính phủ Trung Quốc siết chặt quy định các ngành tài chính, công nghệ, và giáo dục, lượng sinh viên ra trường đổ xô tìm việc làm năm 2024 đạt mức kỷ lục.

Đối với 100 triệu bạn trẻ độ tuổi 16-24, tỷ lệ thất nghiệp manh nha vượt ngưỡng 20% lần đầu tiên vào tháng 4/2023. Khi con số lên mức cao nhất trong lịch sử - 21,3% - vào tháng 6/2023, giới chức trách tạm ngưng việc khảo sát và xem xét lại cách lấy dữ liệu.



Kết quả khảo sát nhóm người trẻ độ tuổi 16-24 thất nghiệp (không tính các sinh viên đại học, cao đẳng) cho thấy bước tăng đáng kể từ 13,2% tháng 6 sang 17,1% tháng 7, đúng lúc nền kinh tế 19 nghìn tỷ USD gián đoạn việc tuyển dụng - Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia/Reuters

Một năm sau đó, vấn đề tuổi trẻ thất nghiệp vẫn gây đau đầu bởi đến tháng 7/2024, con số nhảy vọt lên 17,1%. Vậy là 11,79 triệu sinh viên Trung tốt nghiệp phải đối mặt với nền kinh tế vẫn còn chịu di chứng của đợt khủng hoảng bất động sản vừa qua đi.

Chủ tịch nước Tập Cận Bình liên tục nhấn mạnh tìm việc cho người trẻ là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đã huy động nhiều kênh cho phép giới trẻ tiếp cận nhà tuyển dụng dễ dàng hơn chẳng hạn như ngày hội việc làm, đồng thời đặt ra nhiều chính sách đẩy mạnh công tác tuyển dụng.

Phó Giáo sư Yun Zhou ngành xã hội học tại Đại học Michigan, nhận định: “Nhiều sinh viên Trung Quốc những tưởng có tấm bằng là tương lai sự nghiệp rộng mở, địa vị xã hội thăng tiến, cuộc sống trở thành màu hồng. Để rồi họ vỡ lẽ những thứ ấy xa vời nhường nào khi tốt nghiệp.”

Một số bạn trẻ không tìm được việc làm đành quay lại “ăn bám” vào lương hưu của bố mẹ ở quê nhà. Thậm chí có người học xong cao học cũng như thế.

Sau nhiều năm cạnh tranh học thuật, lứa “trẻ đắp chiếu” ngộ ra bằng cấp không giúp mình có công việc ổn định trong nền kinh tế bấp bênh, rằng lựa chọn của mình thật ra rất ít ỏi. Ai nấy cũng đều thôi ôm mộng lương cao hay kiếm được việc nào làm việc nấy. Một số còn dây vào con đường trộm cắp.

Zephyr Cao lấy được tấm bằng thạc sĩ từ Học viện Ngoại giao danh giá ở Bắc Kinh năm ngoái. Giờ 27 tuổi, anh trở lại quê nhà Hà Bắc. Sau hàng loạt công việc toàn thời gian có mức lương thấp hơn mong đợi, anh ngừng tìm việc, tự hỏi liệu mấy năm học hành của mình có ích gì không.

Cao ngậm ngùi: “Nếu lúc có bằng cử nhân tôi đi làm 3-4 năm thì mức lương của tôi cũng bằng với khi tôi có bằng thạc sĩ bây giờ…” Anh dự định sẽ học tiếp lên tiến sĩ, hy vọng cánh cửa sự nghiệp vài năm sau sẽ rộng mở hơn.

Amanda Chen, sinh viên tốt nghiệp Đại học Trung Y dược Hồ Bắc, gần đây phải bỏ nghề sale tại một công ty nhà nước sau khi thử việc một tháng, với lý do văn hoá doanh nghiệp độc hại và đòi hỏi vô lý từ cấp trên. Trong 15 ngày thử việc đầu tiên, cô thậm chí chỉ nhận 60 tệ (RMB)/ngày nhưng phải làm tới 12 tiếng mỗi ngày.

Chen nhớ lại: “Có tuần kia ngày nào tôi cũng khóc cả.” Ước mơ của cô là làm nhân viên kiểm định chất lượng hay nhà nghiên cứu - những vị trí cô cho là phù hợp với năng lực ngành đông y của mình. Nhưng sau khi gửi 130 đơn ứng tuyển, các công ty phần lớn mời cô vào vị trí sale hay thương mại điện tử. Hiện cô đang nghiền ngẫm lại con đường sự nghiệp và dự định chuyển hướng sang làm người mẫu.

Viễn cảnh vô định

Tình trạng sinh viên mới ra trường lại thất nghiệp như năm nay không phải vô tiền khoáng hậu. Năm 1999, Trung Quốc gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, hy vọng đào tạo được lực lượng lao động tinh nhuệ hơn, đủ sức lèo lái nền kinh tế ngày một bùng nổ của quốc gia tỷ dân này. Song, nguồn cung cử nhân cứ tăng, vượt quá nhu cầu tuyển dụng. Vài quan chức năm 2007 đã bày tỏ quan ngại về chuyện thiếu vị trí việc làm - vấn đề chưa bao giờ hết nóng sốt bởi lượng người trẻ có trong tay tấm bằng sẵn sàng tham gia thị trường lao động ngày càng nhiều.

Ngay cả sinh viên tốt nghiệp những ngành “xu hướng” cũng rơi vào tình cảnh vô định. Shou Chen vừa hoàn thành năm 3 tại Đại học Bưu chính - Viễn thông Bắc Kinh năm 2024, ngành trí tuệ nhân tạo. Song, bạn trẻ vẫn chưa được nhận thực tập mặc dù đã rải đơn hàng chục nơi. Giờ Chen vô cùng mất niềm tin vào thị trường lao động: “Tình hình có vẻ tệ hơn vì ngày càng nhiều người chen chân vào lĩnh vực này.”

Nguồn cung sinh viên đại học, cao đẳng dự kiến sẽ vượt quá nhu cầu tuyển việc từ 2024 đến 2037. Sau đó, hậu quả giảm sút tỷ lệ sinh sẽ đẩy cung và cầu lại gần nhau hơn, theo phân tích của China Higher Education Research - một tờ báo của Bộ Giáo dục - công bố vào tháng 6/2024. Cũng theo phân tích đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp lần đầu nhiều khả năng đạt đỉnh 18 triệu trong năm 2034.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)

SIU Review - số 144

Thông tin tuyển dụng