5 điều cần biết về nền kinh tế đang đi xuống của Nga

1. Nỗi đau kinh tế

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế của Nga sẽ giảm 3,4% trong năm 2015 và thêm 1% nữa trong năm 2016. Người Nga đang thực sự cảm nhận được những nỗi đau mà nền kinh tế nước này mang lại. Theo những số liệu chính thức, giá cả của các mặt hàng tăng vọt lên gần 16% tính đến tháng 08/2015. Hiện có khoảng 22 triệu người Nga đang sống trong cảnh đói nghèo.  

Tiền lương giảm và lãi suất tăng cao tác động xấu đến nhu cầu trong nước.

Liza Ermolenko, nhà kinh tế học tại Capital Economics, cho biết trong một nghiên cứu gần đây: "Điều kiện tín dụng ở Nga đã thắt chặt đáng kể trong sáu tháng qua, các hộ gia đình và những doanh nghiệp nhỏ đang bị tác động nặng nề. Chúng tôi không mong đợi sự thay đổi đáng kể trong tương lai gần."  

2. Giá dầu thấp

Dầu là nguồn thu lớn nhất của Nga. Khoảng 70% sản lượng xuất khẩu của Nga đều liên quan đến năng lượng và 50% doanh thu của chính phủ đến từ lĩnh vực dầu mỏ. Mùa hè 2014, giá dầu còn ở mức trên 100 USD/thùng, nay giảm xuống 45 USD/thùng. Từ tháng 07/2015, đồng Rúp giảm 20% so với đồng USD, hiện giá dầu thấp sẽ còn kéo đồng rúp giảm mạnh thêm nữa.   

3. Những lệnh cấm

Các nước phương Tây đã trừng phạt kinh tế Nga vì vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Lệnh cấm vận khiến cho các công ty của Nga không thể huy động tài chính ở Châu Âu, không thể buôn bán vũ khí và tiếp cận với những công nghệ khoan dầu tiên tiến.

Nga cũng trả đũa bằng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm và sản phẩm nông nghiệp từ phương Tây. Giá trị nhập khẩu vào Nga giảm 39% trong tám tháng đầu năm 2015, trong khi đó xuất khẩu giảm 30%.

4. Không có những mối hợp tác mới

Moscow đã chuyển mối quan hệ hợp tác sang Trung Quốc vào năm ngoái khi bị phương Tây trừng phạt, nhưng kế hoạch cho một mối quan hệ kinh tế sâu hơn với Trung Quốc không có nhiều triển vọng.



Suy thoái tại Trung Quốc khiến nước này gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện lời hứa với Moscow và các nhà đầu tư Trung Quốc đang bị đe dọa bởi cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc của Nga. Thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đã giảm 1/3 vào năm 2015 và đầu tư của Trung Quốc vào Nga giảm 25%.

5. Những khó khăn khác

Giá dầu thấp và lệnh trừng phạt đang tác động xấu đến Nga nhưng đất nước này còn gặp nhiều vấn đề kinh tế khác.

IMF cho biết nước Nga cần có những bước đi nghiêm túc để cải cách kinh tế nếu muốn tăng trưởng trở lại. Ngoài ra, IMF còn chỉ ra những vấn đề mà Nga đang phải đối mặt như dân số lão hóa ngày càng tăng khiến đất nước gặp khó khăn trong việc chi trả phúc lợi, quan liêu và tham nhũng làm tổn hại đến việc đầu tư trong nước,… 

Phú Trần
Theo CNN