Buổi triển lãm thời trang Châu Phi lớn nhất nước Anh từ trước đến nay sắp diễn ra tại London, hội tụ các thiết kế cổ kính lẫn đương đại, thể hiện nhiều nền văn hoá và di sản khác nhau.
Ảnh: Carlos Jasso/AFP
Buổi triển lãm mang tên “Africa Fashion” (tạm dịch: “Thời trang Châu Phi”) bắt đầu từ ngày 01/7 tại Bảo tàng Victoria & Albert cũng là sự kiện đầu tiên mang chủ đề thời trang Châu Phi.
Chịu trách nhiệm triển lãm - Elisabeth Murray - cho biết: “Chúng tôi muốn tôn vinh thời trang Châu Phi ngày nay cũng như óc sáng tạo của những nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, nhiếp ảnh gia; đồng thời tìm về nguồn cảm hứng sáng tác của họ.”
Trong buổi triển lãm, quan khách sẽ được chiêm ngưỡng những thiết kế, những bản vẽ, hình chụp, và thước phim thu thập tại nhiều quốc gia ở Lục địa Đen từ những năm 1950-1980, lúc phong trào giải phóng dân tộc sục sôi, cho đến ngày nay.
Christine Checinska, quản lý bảo tàng cấp cao, nhận xét: “Sự kiện là một trong những hành động thể hiện cam kết của Bảo tàng Victoria & Albert nhằm phổ biến các tác phẩm sáng tạo trong kho tàng di sản Phi Châu.”
Được biết Bảo tàng Victoria & Albert mở cửa năm 1852, lúc Nữ hoàng Victoria của Anh vẫn tiếp tục bành trướng thuộc địa tại Châu Phi.
Các phong trào chống phân biệt chủng tộc gần đây, như “Black Lives Matter” buộc Anh phải nhìn nhận lại quá khứ thực dân của mình thể hiện qua các bộ sưu tập trong bảo tàng, cho tới các tượng đài và các bài giảng dạy lịch sử.
Checinska nhận xét: “Các bảo tàng thường thiếu vắng các tác phẩm sáng tạo của người Châu Phi hay thậm chí xuyên tạc chúng. Vì chủ nghĩa thực dân và quan niệm phân biệt chủng tộc mà các bảo tàng thường phân biệt triển lãm nghệ thuật với triển lãm sắc tộc. Những thảo luận và quan hệ đối tác làm nền tảng cho “Africa Fashion” sẽ là bước đi đầu tiên trên hành trình hợp tác bình đẳng, cho phép ta tưởng tượng và tạo lập Bảo tàng Victoria & Albert của tương lai.”
Cô cũng hy vọng buổi triển lãm các thiết kế và di sản Châu Phi sắp tới sẽ góp phần giải quyết vấn nạn thực dân.
Sự kiện tôn vinh
Khu vực “Văn hoá Phục hưng Châu Phi” trưng bày những cuộc biểu tình, tranh cổ động và thơ văn từ thời đấu tranh giành độc lập được phát triển song song với thời trang cùng thời kỳ.
“Tiên phong” là gian triển lãm trung tâm, trưng bày các thiết kế của những tên tuổi như Alphadi từ Niger, Shade Thomas-Fahm từ Nigeria, và Kofi Ansah từ Ghana.
Nhiều loại vải sợi cùng các vật liệu mỹ nghệ khác như hạt cườm hay cọ raffia cũng được tận dụng trong những thiết kế mang âm hưởng xuyên văn hoá. Ví dụ như thiết kế của Thomas-Fahm biến tấu trang phục truyền thống của người Châu Phi thành những bộ quần áo cho “những phụ nữ lao động thành thị”.
Những gian trưng bày khác như “Afrotopia”, “Cutting-Edge”, hay “Mixology” khám phá chân trời mới của thời trang trong tương quan với các vấn đề phát triển bền vững, giới, chủng tộc, và bản dạng tính dục.
Một trong các điểm sáng của buổi triển lãm là tác phẩm của Artsi, một nhà thiết kế người Ma Rốc. Bộ trang phục này lấy cảm hứng từ áo choàng đi mưa của người Anh và hijab của người Hồi giáo, tạo nên “vẻ Châu Phi ở Anh”. Cách tân “lối suy nghĩ về trải nghiệm nhân loại chung”, Artsi muốn tạo điểm nhấn cho xu hướng thời trang Phi Châu “không dính dáng đến các loại quần áo thị trường”, mà chỉ đơn giản “tôn vinh văn hoá và di sản dân tộc”.
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)