Đi tìm ngôn ngữ lâu đời nhất thế giới

Thế giới có hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau. Nhưng đâu là thời điểm con người lần đầu tạo lập phương thức giao tiếp có hệ thống tại một khu vực sinh hoạt cụ thể?



Loại hình chữ viết cổ xưa nhất từng được ghi nhận là chữ hình nêm - Ảnh: scaliger/Getty Images

Giới khoa học ghi nhận hơn 7.100 ngôn ngữ được sử dụng trên thế giới hiện nay. Gần 40% trong số đó có nguy cơ trở thành tử ngữ, tức cộng đồng sử dụng nó ngày càng thu hẹp, kết cục là không còn ai dùng nó trong giao tiếp nữa. Trong khi một số cộng đồng ngôn ngữ có chưa tới 1.000 người, hơn một nửa dân số thế giới lại sử dụng một trong 23 ngôn ngữ phổ biến nhất.

Tất cả những ngôn ngữ kể trên, dù còn “sống” hay đã “chết”, đều dệt nên lịch sử hàng ngàn năm tương tác giữa người với người. Vậy nên xác định ngôn ngữ cổ xưa nhất không chỉ thu hút các nhà ngôn ngữ học. Chẳng hạn, trong lúc giải mã các chữ viết trên những phiến đất sét hay vạch ra hướng phát triển của ngôn ngữ, giới ngôn ngữ học phát hiện ra những bí mật ẩn giấu trong những nền văn minh cổ đại hay thậm chí dấy lên nhiều tranh cãi về cả vấn đề khoa học lẫn văn hóa.

Claire Bowern, Giáo sư Ngôn ngữ học tại Đại học Yale, cho biết: “Ngôn ngữ cổ đại cũng giống ngôn ngữ ngày nay, cũng đều cho ta biết thêm về quá khứ. Qua ngôn ngữ, ta có thể lần ra các cuộc di dân, tiếp xúc văn hóa trong lịch sử. Trong một số trường hợp, ngôn ngữ là vết tích duy nhất giúp ta biết được quá khứ. Theo dấu chân phát triển, biến hóa của một từ ngữ nào đó qua thời gian, ta có thể hình dung bức tranh các xã hội trước kia.”

Ngôn ngữ thể hiện qua nhiều dạng thức khác nhau, từ lời nói, đến cử chỉ, đến chữ viết; không phải dạng thức nào cũng lưu dấu được cho hậu thế. Vì vậy, các chuyên gia dùng nhiều phương pháp khác nhau để định tuổi của một ngôn ngữ.

Danny Hieber, nhà ngôn ngữ học chuyên nghiên cứu các ngôn ngữ có nguy cơ tuyệt chủng, nhận xét đi tìm ngôn ngữ lâu đời nhất là “công việc phức tạp đến không tưởng”. Để xác định nguồn gốc ngôn ngữ, ta có thể tìm về thời điểm hai phương ngữ của cùng một ngôn ngữ tách ra làm thành hai ngôn ngữ riêng biệt, cũng là lúc người nói hai phương ngữ không còn hiểu được nhau. Hieber nêu ví dụ: “Phải quay trở lại năm bao nhiêu thì người Anh mới hiểu được người Đức đang nói gì?” Trả lời câu hỏi này, ta sẽ biết được thời điểm tiếng Anh và tiếng Đức phát triển thành hai ngôn ngữ riêng từ gốc Germanic nguyên thuỷ.

Nhưng nếu ta giả định rằng tất cả mọi ngôn ngữ trên thế giới đều có thể được quy về một thứ ngôn ngữ nguyên bản, “dùng chung” cho mọi người, thì ngôn ngữ nào cũng lâu đời như nhau. Hieber giải thích: “Bạn biết bố mẹ mình nói một thứ ngôn ngữ, rồi ông bà mình nói một thứ ngôn ngữ, và cứ lập luận như vậy, thì tất cả các ngôn ngữ ngày nay đều chung một gốc.”

Song, chứng minh sự tồn tại của một ngôn ngữ nguyên bản, thủy tổ của tất cả các ngôn ngữ trên thế giới là bất khả. Từ đó, một số nhà ngôn ngữ cho rằng “ngôn ngữ cổ nhất” phải là ngôn ngữ được ghi lại bằng chữ viết sớm nhất.

Loại chữ xuất hiện sớm nhất là các chữ hình nêm, gồm những ký tự tam giác in hằn trên các phiến đất sét, ví dụ như tiếng Sumer hay tiếng Akkad; cả hai đã tồn tại từ 4.600 năm trước. Giới khảo cổ cũng phát hiện các chữ tượng hình Ai Cập bắt đầu được khắc lên lăng tẩm Pharaoh Seth-Peribsen trong khoảng thời gian tương tự. Dòng chữ “Ngài đã sáp nhập Hai Miền Đất cho con trai, Vua Peribsen” khắc trong lăng đến hiện tại vẫn được xem là câu hoàn chỉnh lâu đời nhất mà ta biết.

Giới lịch sử và ngôn ngữ học nhất trí Sumer, Akkad, và Ai Cập là 3 ngôn ngữ cổ nhất có chữ viết. Cả ba hiện nay đã là tử ngữ, tức không có bất kỳ ai còn sống sử dụng thành thạo một trong ba ngôn ngữ này để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Đối với những ngôn ngữ cổ xưa nhất vẫn còn “sống” đến hiện tại, ta có thể điểm qua một số ứng viên nặng ký. Tiếng Hebrew và tiếng Ả Rập là hai ngôn ngữ mà giới chuyên gia có thể dễ dàng truy nguyên, theo Hieber. Mặc dù bằng chứng sớm nhất về chữ viết thể hiện những ngôn ngữ này chỉ có tuổi đời khoảng 3.000 năm, Hieber cho rằng cả hai đều thuộc Ngữ hệ Phi - Á, vốn hình thành từ 18.000 - 8.000 năm TCN, hay khoảng 10.000 đến 20.000 năm về trước. Mặc dù khoảng thời gian suy đoán là rất rộng, các nhà ngôn ngữ đương thời đều công nhận Phi - Á là ngữ hệ cổ nhất. Song, thời điểm tiếng Hebrew và tiếng Ả Rập tách khỏi các ngôn ngữ Phi - Á khác vẫn là đề tài tranh luận sôi nổi.

Claire Bowern lại cho rằng tiếng Trung mới là tiếng nói cổ nhất. Ngôn ngữ này tách ra từ tiếng Hán - Tibet nguyên thủy (cũng là gốc gác của tiếng Myanmar và tiếng Tibet hiện tại) khoảng 4.500 năm trước. Tuy nhiên, thời điểm chính xác vẫn còn là điều gây tranh cãi. Dấu tích chữ viết Trung Quốc cổ xưa nhất là chữ giáp cốt trên mai rùa và xương động vật, tuổi đời khoảng 3.300 năm. Chữ Hán hiện đại ngày nay phải hàng thế kỷ sau mới xuất hiện.

Ngược về quá khứ thêm một vài thiên niên kỷ, các cứ liệu ngôn ngữ có phần mơ hồ hơn. Deven Patel, Giáo sư Nam Á học tại Đại học Pennsylvania, cho biết các văn bản tiếng Phạn sớm nhất được ghi nhận xuất hiện khoảng 1.500 - 1.200 năm TCN. Tất cả đều thuộc Kinh Vệ-đà, tập hợp các văn bản tôn giáo tại Ấn Độ từ thời cổ đại. Theo Patel: “Tôi cho rằng tiếng Phạn là ngôn ngữ cổ nhất vẫn có trọng lượng văn hóa xuyên suốt lịch sử, tức nó vẫn là chất liệu sản sinh ra các tác phẩm văn chương và vẫn có người sử dụng đó, mặc dù nó không còn là tiếng mẹ đẻ của bất kỳ ai trên thế giới.”

Một số nhà ngôn ngữ lại cho rằng tiếng Tamil còn cổ hơn cả tiếng Phạn. Đây là một ngôn ngữ thuộc Ngữ hệ Dravida vẫn còn có khoảng 85 triệu người sử dụng, sinh sống chủ yếu tại phía Nam Ấn Độ và quốc đảo Sri Lanka. Tiếng Tamil đã được nghiên cứu kỹ trong vòng 2.000 năm trở lại đây. Tuy nhiên, áng văn Tamil lâu đời nhất đến giờ vẫn chưa bị thất lạc, có tên gọi Tolkāppiyam, vẫn còn bị tranh cãi xem ra đời từ khi nào trong khoảng 2.800 - 7.000 năm trước. Patel giải thích: “Các học giả vẫn còn tranh luận thời điểm chính xác mà các tác phẩm cổ được cho là sử dụng tiếng Tamil ra đời, cũng như chất vấn liệu ngôn ngữ của các văn bản ấy có đủ gần gũi tiếng Tamil đến mức được xem là một không. Được biết người nói tiếng Tamil cố gắng phân biệt ngôn từ trong các tác phẩm đó là loại ngôn ngữ cổ.”

Các tranh cãi xoay quanh tiếng Phạn và tiếng Tamil cho thấy một số thách thức khá lớn trong tiến trình xác định ngôn ngữ lâu đời nhất thế giới. Patel cho biết: “Để trả lời thắc mắc đó, có người đã tạo ra cả những trang sử mới, cho thấy câu chuyện này vừa mang tính khoa học mà cũng không kém phần chính trị. Rõ ràng nhiều người sẽ cảm thấy tự hào khi sử dụng thứ ngôn ngữ cổ nhất mà đến ngày nay vẫn còn tồn tại và tiếp tục phát triển.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)