Lịch sử Ngày Trái Đất

Ngày 22/4 hàng năm là Ngày Trái Đất - ngày kỷ niệm cột mốc đầu tiên trong phong trào vì môi trường thời hiện đại bắt đầu từ năm 1970.



Ảnh: pixabay.com

Nguồn gốc Ngày Trái Đất

Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ sử dụng một lượng lớn nhiên liệu nhiễm chì để chạy các loại phương tiện cồng kềnh, kém hiệu quả. Những chiếc xe này liên tục nhả khói và thải ra cặn dầu nhưng chẳng ai quan tâm, từ giới luật đến cánh báo chí. Ô nhiễm không khí từng có lúc được xem như dấu hiệu tượng trưng cho một quốc gia thịnh vượng. Đến tận những năm 1960, phần lớn người Mỹ vẫn chẳng đoái hoài gì đến vấn đề môi trường và ảnh hưởng của các loại ô nhiễm đối với sức khoẻ.

Thế rồi, quyển “Silent Spring” (tạm dịch “Mùa xuân câm lặng”) của Rachel Carlson ra mắt năm 1962 và được New York Times bầu chọn là quyển sách bán chạy nhất. Bán được hơn 500.000 bản tại 24 quốc gia, cuốn sách đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong nhận thức cộng đồng về môi trường, về các sinh vật sống khác, và về mối liên hệ mật thiết giữa ô nhiễm và tình trạng sức khỏe con người.

Ý tưởng cho Ngày Trái Đất đầu tiên

Thượng Nghị sĩ Gaylord Nelson tại bang Wisconsin từ lâu đã quan tâm đến vấn đề môi trường xuống cấp. Tháng 01/1969, trước tin tức về thảm hoạ tràn dầu tại Santa Barbara, California, ông bắt đầu hành động. Lấy cảm hứng từ phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam của giới sinh viên, Thượng Nghị sĩ Nelson mong muốn xây dựng một phong trào tương tự nhưng tập trung vào mối quan tâm của người dân lúc bấy giờ đối với nạn ô nhiễm. Ông gợi cho giới truyền thông ý tưởng tổ chức buổi diễn thuyết tại các cơ sở đại học và thuyết phục Pete McCloskey - bấy giờ là một nghị sĩ cũng có tư tưởng bảo tồn thiên nhiên - làm phó chủ trì các sự kiện như vậy. Denis Hayes, một nhà hoạt động trẻ tuổi, cũng được mời tham gia tổ chức buổi trò chuyện. Ngày 22/4 được chọn vì rơi vào giữa kỳ nghỉ xuân và bài thi cuối khoá - đảm bảo số lượng sinh viên tham gia sẽ lớn hơn các thời điểm khác trong năm.

Nhận thấy cơ hội lan toả phong trào đến những công dân Mỹ khác, Hayes sau đó đã tụ họp 85 người ở nhiều bang tại Mỹ phổ biến sự kiện này đến các đoàn thể, các tổ chức, hội nhóm tôn giáo,… Tên gọi sự kiện được chuyển thành Ngày Trái Đất cũng là lúc giới truyền thông Mỹ chú ý hơn đến nó. Khoảng 20 triệu người Mỹ bắt đầu đi xuống các con phố, các công viên, và các sân vận động biểu tình nhằm nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của 150 năm công nghiệp hoá đối với tình trạng sức khoẻ con người. Hàng nghìn ngôi trường đại học lớn nhỏ tổ chức các buổi vận động phản đối hành vi huỷ hoại môi trường. Từ bờ đông sang bờ tây, hàng chục cuộc biểu tình diễn ra tại các thành phố, thị trấn và cộng đồng dân cư.

Những nhóm biểu tình vì các vấn đề đơn lẻ như tràn dầu, nhà máy và trạm sản xuất điện gây ô nhiễm, các cống rãnh ngập rác thải, chất thải độc hại, thuốc trừ sâu, não trạng đường cao tốc đi xuyên các vùng hoang dã, hay nạn tuyệt chủng,… giờ đây đã có tiếng nói chung và bắt đầu diễu hành cùng nhau vào Ngày Trái Đất. Sự kiện đầu tiên diễn ra năm 1970 này quy tụ được cả đảng viên Cộng hoà lẫn Dân chủ, cả người giàu lẫn người nghèo, cả người thành thị lẫn nông dân, cả doanh nghiệp lẫn các công đoàn. Cuối năm 1970, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ được thành lập; nhiều bộ luật môi trường lần đầu tiên được thông qua, như Luật Giáo dục Môi trường Quốc gia, Luật An toàn và Sức khoẻ Nghề nghiệp, và Luật Không khí Sạch. Hai năm sau, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Nước Sạch. Một năm sau nữa, Luật Bảo tồn Sinh vật bị Đe doạ Tuyệt chủng cùng Luật Liên bang về Thuốc trừ sâu, Thuốc diệt nấm, và Thuốc diệt chuột cũng được thông qua. Những bộ luật này góp phần rất lớn vào công cuộc bảo vệ sức khoẻ của công dân và kéo nhiều sinh vật lại từ bờ vực tuyệt chủng.

Năm 1990: Ngày Trái Đất bắt đầu lan rộng ra thế giới

Đến năm 1990, Denis Hayes được nhiều người mời tổ chức các chiến dịch vì môi trường với quy mô lớn hơn. Ngày Trái Đất nhờ đó vươn ra thế giới, huy động hơn 200 triệu người từ 141 quốc gia tham gia và đưa các vấn đề “nóng” của môi trường ra thế giới. Ngày Trái Đất năm 1990 thúc đẩy nỗ lực tái chế ở nhiều nước và tạo nền tảng cho Hội nghị Thượng đỉnh vì Trái Đất năm 1992 của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Rio de Janeiro. Thượng Nghị sĩ Nelson sau đó cũng được Tổng thống Bill Clinton trao tặng Huân chương Tự do - giải thưởng cao quý nhất mà một công dân Mỹ có thể đạt được - nhờ đóng vai trò sáng lập Ngày Trái Đất.

Ngày Trái Đất bước sang thiên niên kỷ mới

Trước thềm thiên niên kỷ mới, Hayes tiếp tục đứng đầu một chiến dịch môi trường khác, lần này tập trung vào vấn đề sự nóng lên toàn cầu và năng lượng sạch. Được 5.000 tổ chức môi trường tại 184 quốc gia hưởng ứng, Ngày Trái Đất năm 2000 khơi mào nhiều cuộc đối thoại ở cả quy mô quốc gia lẫn quốc tế. Nhờ sức mạnh của Internet, hàng trăm triệu người tham gia hưởng ứng sự kiện này, trong đó có nhiều nhà hoạt động vì môi trường khắp các nước. Sau 30 năm tổ chức, Ngày Trái Đất đưa ra một thông điệp rất rõ ràng cho các lãnh đạo thế giới: công dân tại bất kỳ đâu cũng mong muốn chính phủ có những hành động nhanh chóng và quyết đoán về vấn đề nóng lên toàn cầu và năng lượng sạch.

Ngày Trái Đất năm 2010

Ngày Trái Đất 2010 gặp phải trở ngại lớn không khác gì tình trạng năm 1970. Cộng đồng yêu môi trường phải một lần nữa đối mặt với nhóm những người bác bỏ vấn đề biến đổi khí hậu, giới vận động vì các tập đoàn dầu mỏ, giới chính trị dè dặt, và công chúng chẳng còn quan tâm nhiều như trước. Hơn nữa, nội bộ cộng đồng còn bị chia rẽ. Trước những khó khăn này, Ngày Trái Đất vẫn tạo được tiếng vang và trang web EARTHDAY.org một lần nữa nhấn mạnh vị thế của sự kiện này trong các hành động vì môi trường mang tầm quốc tế.

Qua nhiều năm tháng, ngày càng có nhiều người ủng hộ cho phong trào môi trường hơn, tạo cơ hội cho các hoạt động tự nguyện và thiện nguyện ở 193 quốc gia. Mỗi năm có hơn 1 tỷ người hưởng ứng sự kiện, biến nó thành khởi điểm cho các hoạt động thu hút mọi người chung tay bảo vệ hành tinh xanh.

Ngày Trái Đất hiện nay

Hiện tại, Ngày Trái Đất là sự kiện lớn nhất không liên quan đến các tôn giáo được thực hiện hàng năm nhằm thúc đẩy con người hành động, thay đổi hành vi của chính mình nhằm tạo nên những thay đổi về chính sách địa phương, quốc gia, và quốc tế. Cuộc chiến bảo tồn môi trường sống ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi các dấu hiệu cho thấy tác hại vô cùng lớn của biến đổi khí hậu ngày một hiện rõ.

Khủng hoảng khí hậu càng lớn, xã hội càng quan tâm, dần đạt đến đỉnh điểm. Thất vọng trước tình hình thế giới ngay cả khi Thoả thuận Paris 2015 có hiệu lực và bất mãn trước thái độ trì trệ của các lãnh đạo thế giới về tình hình khí hậu, công dân nhiều quốc gia bắt đầu cất lên tiếng nói của mình, yêu cầu giới chức cấp cao thực hiện những hành động cấp thiết, thiết thực hơn cho hành tinh xanh.

Tinh thần đấu tranh vì môi trường năm 1970 cũng trở lại - thế hệ trẻ giờ đây không còn chịu nghe những lời hứa suông mà mạnh dạn đứng lên đòi giới lãnh đạo phải có những quyết sách đổi mới, hướng về một tương lai tươi sáng hơn. Truyền thông đa phương tiện và mạng Internet giúp lan truyền những thông điệp này đến khắp mọi quốc gia, thu hút một lượng công dân quan tâm môi trường đông chưa từng có và thúc đẩy các thế hệ già trẻ lớn bé khác nhau chung tay đương đầu với thử thách lớn nhất mà nhân loại từng gặp phải.

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)