Mất tiền vào bằng sau đại học

Khảo sát mới cho thấy các chương trình sau đại học (SĐH) STEM hoặc đi sâu vào chuyên môn sẽ sinh lời trong khi các bằng thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thường không như vậy. Song, bất ngờ nhất là nhiều chương trình thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) cũng không phải kênh đầu tư hiệu quả.



Ảnh: istockphoto

Theo báo cáo mới từ Foundation for Research on Equal Opportunity ở Mỹ, khoảng 60% chương trình MBA cùng các bằng thạc sĩ khác liên quan đến kinh doanh không mang lại lợi nhuận cho người học. Bản báo cáo tiến hành phân tích tỷ suất hoàn vốn của gần 14.000 chương trình SĐH - gồm 11.600 chương trình thạc sĩ, 2.300 chương trình tiến sĩ và chuyên môn - tại 1.441 trường đại học khác nhau.

Preston Cooper, thành viên Viện đồng thời là tác giả bài báo cáo, cho biết: “Tôi nghĩ đáng chú tâm nhất là số liệu ở các chương trình thạc sĩ. Chúng tôi phát hiện 40% các chương trình thạc sĩ có tỷ suất hoàn vốn âm, tức không mang lại giá trị tài chính nào cho học viên sau khi đã trừ đi các chi phí học tập. Đối với một số ngành nhất định, trong đó có MBA - vốn được nhiều người theo học nhất tại Mỹ - thì quá nửa các chương trình được khảo sát không có tỷ suất hoàn vốn dương. Tức hơn một nửa học viên sẽ bị mất tiền nếu theo học bằng MBA.” Đây là phát hiện bất ngờ nhất trong bản báo cáo, theo Cooper.

Phân tích kết quả

Những nhân tố được Cooper xét đến trong nghiên cứu của mình là thu nhập ước đoán, thu nhập giả định - mức lương học viên có thể hưởng được nếu chỉ dừng ở bằng cử nhân, trong đó có tính cả phần lương thưởng bị mất khi phải học chương trình SĐH - và chi phí chương trình SĐH.

Dữ liệu chính mà bài báo cáo sử dụng đến từ Chỉ số Đại học theo Chuyên ngành của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ và Khảo sát Cộng đồng của Cục Thống kê Dân số. Những phát hiện quan trọng bao gồm:

• Tỷ suất hoàn vốn ròng trung bình cho một chương trình thạc sĩ ở mức 83.000 USD, tuy một số chương trình có tỷ suất vượt hơn 1 triệu USD.

• 40% các chương trình thạc sĩ về tổng thể không mang lại giá trị tài chính nào.

• Các chương trình thạc sĩ ngành khoa học máy tính, kỹ sư máy tính, và điều dưỡng gần như luôn đảm bảo tỷ suất hoàn vốn dương, trong khi các ngành khoa học xã hội và nhân văn hiếm khi được như vậy.

• Chương trình tiến sĩ và chuyên môn mang lại lợi nhuận cao hơn so với chương trình thạc sĩ nếu tính dài hạn.

• Hầu hết các bằng chuyên môn thuộc lĩnh vực pháp lý và y học có thể cho tỷ suất hoàn vốn lên đến 500.000 USD trọn đời; 86% các chương trình SĐH càng tạo ra giá trị ròng lớn hơn khi học càng lên cao, ngoại trừ bằng tiến sĩ ở một vài lĩnh vực như giáo dục hay những ngành không thuộc STEM.

Cooper hy vọng học viên có thể dựa vào kết quả này mà đưa ra những quyết định đúng đắn, có cơ sở nhằm tránh tình trạng phải gánh nợ khi chọn sai ngành, nhất là ở bậc SĐH, nơi chuyện vay tiền để trang trải học phí là vấn đề nan giải.

Ông nói: “Chi phí ngày càng lớn, ta càng phải vay nhiều, và vì thế ta càng cần phải hiểu món nợ ấy dùng để trang trải cho điều gì. Liệu mức lương bạn hưởng sau khi đạt được bằng SĐH có xứng đáng với số tiền bỏ ra? Câu trả lời là đôi khi có, nhưng nhiều lúc sẽ là không, ít nhất thì đó là những gì tôi thấy được qua khảo sát.”

Ý nghĩa bài nghiên cứu

Các chuyên gia cho rằng đối với những chuyên ngành SĐH có tương lai mơ hồ, những bài khảo sát như thế này - tập trung vào mặt tài chính của học viên sau tốt nghiệp - có thể soi đường cho người học, giúp họ tránh phung phí tiền bạc.

Andrew Gillen, nhà phân tích chính sách tại Public Policy Foundation ở Texas, viết qua e-mail như sau: “Bài báo cáo này chia sẻ một góc nhìn quan trọng cho cuộc tranh luận xoay quanh giá trị của trường đại học. Tuy ta hoàn toàn có thể chỉ trích phương pháp ước tính sử dụng trong khảo sát, khó có thể phủ nhận hướng đi của bài viết là hợp lý và xét đúng những nhân tố quan trọng (như thu nhập ước đoán trong tương lai, chi phí dự tính, sử dụng lãi suất chiết khấu để đổi thu nhập tương lai thành giá trị hiện tại,…). Kết quả 40% các chương trình SĐH có tỷ suất hoàn vốn âm thật ra thống nhất với các dự đoán hiện tại. Giới nghiên cứu ai cũng biết thực trạng này, nhưng dư luận chắc hẳn sẽ choáng trước con số đó bởi phần lớn cho rằng mọi khoản đầu tư vào giáo dục đều sinh lời.”

Gillen cũng cho rằng ban lãnh đạo các trường đại học cũng có thể học hỏi từ báo cáo này: “Phía nhà trường cần nghiêm túc xem lại những ngành nghề khiến học viên mình chịu lỗ sau khoá học. Tuy đúng là có một số ngành hiển nhiên có tỷ suất hoàn vốn âm, như sân khấu chẳng hạn, nhưng một số chương trình như MBA mà chỉ số này cũng âm, đó là chuyện đáng trách. Tôi không chỉ trích gì những ngành học có tỷ suất hoàn vốn âm mà chỉ muốn nói những ngành học như vậy cần phải thông báo rõ ràng cho người học những thiệt thòi về mặt tài chính có thể gặp phải trước khi họ đồng ý nhập học.”

Michelle Dimino, tư vấn chính sách giáo dục tại tổ chức Third Way, nhận xét vì thông tin về các ngành SĐH rất hạn chế, học viên khó có thể ước tính đúng thu nhập khả dĩ của bản thân. Theo bà, những báo cáo như của Cooper giúp những cuộc thảo luận về tỷ suất hoàn vốn chương trình học được “minh bạch và rõ ràng” hơn.

Dimino bày tỏ: “Các trường đại học và cao đẳng chẳng ngại gì mà không nâng học phí. Vì thế họ cũng không nên ngạc nhiên khi học viên bắt đầu chất vấn giá trị tấm bằng do họ cấp mà nên lấy đó làm động lực cải tiến chất lượng chương trình học và đảm bảo đầu ra tốt cho học viên.”

Tuy đúng là bài khảo sát tập trung nhiều vào vấn đề tỷ suất hoàn vốn, Cooper thừa nhận tiền bạc đôi khi không thành vấn đề. Hầu hết học viên không chọn học lên cao hơn chỉ để làm giàu. Tuy vậy, ông hy vọng những học viên thuộc ngành có tỷ suất hoàn vốn thấp biết được bản thân sắp phải đánh đổi những gì để theo đuổi đam mê.

Cooper hỏi: “Liệu bạn có sẵn sàng từ bỏ 10.000 USD/năm chỉ để đi theo ước mơ làm giảng viên? Thế nếu là 30.000 USD thì sao? Tôi không nghĩ nhiều người có thể. Tôi cho rằng ngay cả những học viên SĐH không màng gì đến chuyện tiền nong cũng nên hiểu được giá trị tấm bằng cũng như các hệ quả tài chính đi liền với ngành mình đã chọn. Có như vậy thì các bạn mới đưa ra được những quyết định đúng đắn.”

Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)