Ngày cựu chiến binh

Ngày cựu chiến binh (ngày 11/11) là ngày lễ quốc gia tại Mỹ để tưởng nhớ những cựu chiến binh cũng như những người đã hy sinh trong chiến trận.

Ngày lễ bắt nguồn từ năm 1919 nhân kỷ niệm lần đầu tiên của Hiệp định đình chiến 1918, kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất và được gọi là Ngày Đình chiến. Năm 1921, ngày lễ được kỷ niệm bằng việc chôn cất những người lính vô danh từ Thế chiến thứ nhất tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington tại Arlington, Virginia. Những quốc gia khác có chiến sĩ mất trong các cuộc xung đột như Ý, Bồ Đào Nha cũng tổ chức các buổi lễ tưởng niệm trong năm đó. Năm trước đó, những chiến sĩ vô danh đã được chôn cất tại Tu viện Westminster tại London, Anh và tại Khải Hoàn Môn, Paris, Pháp.



Ảnh: www.britannica.com/topic/

Năm 1938, ngày 11/11 trở thành ngày lễ quốc gia chính thức của Mỹ. Năm 1954, tên gọi ngày này được đổi thành Ngày Cựu chiến binh để tưởng nhớ những người phục vụ trong tất cả các cuộc chiến của Mỹ. Mỗi năm, lễ tưởng niệm được tổ chức tại mộ của Những người lính vô danh, các vòng hoa được đặt lên mộ của những người lính trên khắp đất nước. Lễ nhập tịch đã trở thành một trong các hoạt động quan trọng của ngày lễ.

Tại Vương Quốc Anh, Canada, Úc và Pháp, 11/11 là ngày để tôn vinh những cựu chiến binh của Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai. Ở Anh, ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 11 là ngày Chủ nhật tưởng nhớ. Ở Canada, 11/11 là Ngày tưởng nhớ. Ở Vương Quốc Anh và Khối Thịnh vượng chung và một số quốc gia ở Châu Âu, mọi người dành 2 phút mặc niệm vào lúc 11h ngày 11/11, đây cũng là thời gian cuộc đình chiến của Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1918.

Hoa anh túc tưởng niệm từ lâu đã gắn liền với các đài tưởng niệm Chiến tranh thế giới thứ nhất qua bài thơ “In Flanders Fields” của John McCrae. Tại một số quốc gia, hoa anh túc tưởng niệm bằng giấy được bán để gây quỹ ủng hộ các cựu chiến binh và được gắn trên áo như một biểu tượng tưởng nhớ.

Việt An
(Lược dịch)