Ngày 04/02, một sự kiện thể thao mùa đông với bề dày lịch sử đáng nể sẽ được tổ chức, nhưng đó không phải Thế vận hội Mùa đông tại Bắc Kinh.
Bộ môn skijor - Ảnh: Erik Petersen
Cách thủ đô Trung Quốc gần 10.000 km, tại Kamas, Utah, hàng nghìn người tụ họp ở High Star Ranch để xem vận động viên trượt tuyết nhảy qua nhiều chướng ngại vật khác nhau. Tuy chỉ thi đấu trên nền đất gần như nằm ngang, những chân trượt này có thể đạt đến vận tốc đáng nể 64 km/h. Tất nhiên, họ làm được vậy nhờ sự trợ giúp của một chú ngựa đua ở đầu còn lại của dây kéo.
Chào mừng bạn đến với thế giới của skijor - nơi hình ảnh miền viễn tây hoà lẫn với màu tuyết trắng, tạo nên môn thể thao được nhiều người gọi là “trượt tuyết bằng ngựa kéo”.
Lịch sử
Ra mắt thế giới lần đầu tại St. Moritz, Thụy Sĩ, năm 1928, skijor là môn thể thao trình diễn đầu tiên được tổ chức tại một kỳ Thế vận hội Mùa đông. Song, lịch sử của môn thể thao này còn lâu đời hơn thế.
Bởi có nhiều biến thể khắp các châu lục, lịch sử trò skijor là vấn đề khá phức tạp. Loren Zhimanskova, Chủ tịch Skijor USA và Skijor International, là một trong số ít những người nắm đầy đủ lai lịch môn thể thao này. Là người điều phối chủ chốt trong các sự kiện skijor tại Mỹ, chịu trách nhiệm quảng bá bộ môn thể thao này trong khu vực, Zhimanskova không chỉ đam mê môn thể thao này mà còn hiểu rõ lịch sử và cộng đồng liên quan đến nó như lòng bàn tay.
Xuất hiện đầu tiên tại Lapland, Phần Lan, bộ môn này ban đầu dùng tuần lộc để kéo. Sức tuần lộc sau đó được thay bằng sức ngựa, sức chó, và sau đó là sức xe máy, xe hơi khi bộ môn nổi danh vào những năm 1950. Zhimanskova nghe nói có người còn để cho máy bay kéo, nhưng tất nhiên họ phải buông tay trước khi máy bay cất cánh.
Mặt nước đóng băng tại Hồ Moritz, Thụy Sĩ - nơi tổ chức sự kiện White Turf hàng năm từ 1907 - được xem là thánh địa skijor. Tuy vậy, độ nổi của môn thể thao này bao phủ cả hai bờ Đại Tây Dương.
Có người cưỡi hay không?
Điểm khác nhau chính yếu giữa phiên bản bên bờ đông Đại Tây Dương và bờ tây là bên bờ tây, trên lưng ngựa kéo có người ngồi cưỡi. Trong khi phần lớn người Thụy Sĩ lớn lên tại các điền trang và biết trượt tuyết từ lúc nhỏ, tại Mỹ, hai nhóm giỏi cưỡi ngựa và giỏi trượt tuyết không có nhiều khoảng giao nhau. Vạch xuất phát skijor thường là nơi các tay đua ngựa cừ khôi lần đầu gặp mặt giới trượt tuyết điêu luyện. Zhimanskova cho biết: “Họ đóng góp phần tài năng của mình vào màn trình diễn phối hợp đầy ăn ý. Vậy mới vui chứ.”
Trong cuộc đua White Turf, các thí sinh sẽ chạy 2 vòng quanh đường chạy bầu dục đồng thời tránh cọc chướng ngại. Trong khi đó, bên bờ tây, các thí sinh skijor lại phải vượt các bệ phóng, tránh cọc, và lấy các vòng mắc sẵn quanh đường đua trong khi đồng hồ tính giờ được bấm.
Bàn về White Turf, Zhimanskova cho biết: “Bước xuống mặt hồ đóng băng, tôi có cảm giác mình đặt chân đến thánh địa. Là một nhà sử học, tôi phấn khởi biết bao khi được trải nghiệm trực tiếp không gian nơi đây. Thật là ngoạn mục, đúng như những gì tôi mong chờ bấy lâu.”
Đây cũng là dịp cho cô trò chuyện với người bản xứ về điểm khác biệt của môn thể thao này giữa hai bờ đại dương. Họ đều phản ứng: “Thật điên rồ!” Cô nói: “Họ không biết người Mỹ chúng tôi chơi skijor như thế nào. Sau khi nghe phản ứng của họ, tôi liền nói: “Chúng tôi cũng nghĩ các bạn thật điên rồ mới skijor kiểu thế này đây!” rồi cả hai bên cùng cười lớn.”
Skijor tại Mỹ
Liệu bên Mỹ có một sự kiện skijor nổi bật nào ngang tầm với White Turf không? Không tính đến một số cuộc thi như tại Leadville, Colorado (đến nay đã được 73 năm tuổi) lấy đường chính trong thị trấn làm đường đua, hiện chưa có một cuộc thi skijor chính thức toàn quốc nào cả. Lý do rất dễ hiểu.
Đặc trưng của bộ môn skijor ở Mỹ là tính riêng biệt, khác lạ giữa các biến thể ở mỗi vùng miền. Trong khi White Turf gói gọn trong vòng 3 ngày Chủ Nhật vào tháng 2 hàng năm, các sự kiện skijor tại Mỹ kéo dài từ đầu tháng 1 đến giữa tháng 3. Nơi tổ chức cũng trải dải từ Calgary cho đến khu vực Dãy Rocky rồi đến Ridgeway.
Độ dài đường đua và độ dày lớp tuyết tuy có thể giống nhau nhưng mỗi sự kiện được tổ chức riêng lẻ - với những luật lệ khác biệt do mỗi ban tổ chức quy định. Trong một số cuộc đua như Leadville, các thí sinh sẽ chạy dọc đường trong thị trấn. Một số cuộc đua khác chọn bãi quây hay đồng cỏ khô làm nơi trình diễn. Tiền thưởng cũng khác nhau - đôi khi cao đến 40.000 USD hoặc đôi khi chỉ là tập hợp số lệ phí đăng ký dự thi. Một số cuộc đua còn tặng ngựa và yên tự làm cho người thắng cuộc.
Xu hướng hiện nay là tích hợp nhiều bữa liên hoan và nhạc sống vào sự kiện kéo dài 2 ngày, nhưng trọng tâm vẫn là cuộc đua. Trong cuộc đua tại Công viên Canterbury, Minnesota, thí sinh có thể trình diễn tự do - ngay khi trượt lên bệ phóng thì thả dây và biểu diễn các bước xoay điệu nghệ đặc trưng trong môn trượt tuyết trước hơn 10.000 khán giả. Một số cuộc đua sử dụng ván trượt đơn thay vì ván trượt đôi và phong trào này cũng được hưởng ứng mạnh mẽ.
Zhimanskova nhận xét: “Mọi người đều muốn trình diễn theo chất riêng của mình… Tôi tôn trọng điều đó, thể thao Mỹ là phải vậy. Tôi cho rằng cộng đồng chúng tôi dù gắn kết với nhau cách mấy thì mỗi nơi chúng tôi vẫn thể hiện được nét đặc sắc riêng của địa phương mình.”
Lòng đoàn kết nơi viễn tây
Nhờ nỗ lực của Zhimanskova, bộ môn skijor đã phát triển rực rỡ trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong năm 2022 này, 23 cuộc đua được dự tính sẽ tổ chức ở xứ sở cờ hoa, trong khi tại nước Canada láng giềng, 2 cuộc đua khác cũng đã được dự kiến sẽ diễn ra.
Tuy luôn mở rộng đón chào nhiều thành viên mới, cộng đồng skijor chủ chốt tại Mỹ bao giờ cũng khắng khít với nhau. Với một người lúc nào cũng đi đây đi đó như Zhimanskova, lòng đoàn kết này chính là thứ keo dính đặc biệt gắn kết cô với bộ môn thể thao kia.
Zhimanskova chia sẻ: “Khi đi đến bất kỳ đâu, tôi không muốn mình chỉ như những lữ khách khác. Tôi muốn hoà mình vào niềm vui của mọi người hay chỉ đơn giản là trò chuyện về cuộc sống của người dân địa phương. Vâng, mặc dù đang thi đấu nhưng mọi người lúc nào cũng vui vẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Vậy mới là tinh thần cao bồi viễn tây - sẵn sàng giúp người khác bởi sẽ có lúc chiến mã của bạn gặp phải vấn đề gì đó và bạn cần họ giúp đỡ lại.”
Joe Loveridge, thành viên ban tổ chức đồng thời là một thí sinh tham gia vào cuộc thi hôm 04/02 tại Utah, hoàn toàn đồng ý với nhận xét trên: “Tôi đề cao tình hữu nghị và sự phấn khích trong bộ môn này - bộ môn mà ai cũng có thể tham gia. Đây là kết tinh giữa thị trấn đầy tài năng trượt tuyết với nền văn hoá viễn tây. Cuộc thi thu hút nhiều loại người khác nhau chứng kiến những pha hành động tốc độ đẳng cấp. Giới trẻ và người ngoại đạo cũng luôn được đón chào tham gia.”
Hướng đến Olympics
Tuy không nghĩ rằng skijor sẽ có cơ hội trở lại Thế vận hội Mùa đông - vì những quy định xoay quanh vấn đề sử dụng động vật trong thể thao - Zhimanskova vẫn mong muốn đưa nó lại làm một môn trình diễn, hoặc ít nhất là tích hợp vào lễ khai mạc kỳ Thế vận hội sắp tới. Động lực thôi thúc cô làm vậy không chỉ là vì 2028 đánh dấu kỷ niệm 100 năm skijor xuất hiện lần đầu tại một kỳ Olympic mà còn là do Thành phố Salt Lake sẽ có cơ hội đăng cai tổ chức kỳ Olympic 2030 hoặc 2034 sắp tới.
Hãy thử tưởng tượng cảnh một đôi nam nữ cao bồi cưỡi ngựa ra sân trong buổi khai mạc, cầm theo lá cờ Mỹ và kéo theo sau họ là một vận động viên trượt tuyết cầm ngọn đuốc Olympic. Zhimanskova nói: “Tôi nghĩ hình tượng đó sẽ thể hiện chân thật tinh thần người Mỹ - sự tự do, tình yêu dành cho môi trường và các hoạt động ngoài trời, sự sẵn sàng liên hợp bất kể xuất thân, tạo thành một đội thi đấu hùng mạnh. Đương nhiên đó là chưa kể đến những chú ngựa - biểu tượng cho lịch sử phát triển của nước Mỹ.”
Huỳnh Trọng Nhân
(Lược dịch)